Theo Ðề án “Cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước, trọng tâm là tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước giai đoan 2016-2020” và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Quyết định 1232/QÐ-TTg phê duyệt Danh mục doanh nghiệp có vốn nhà nước thực hiện thoái vốn giai đoạn 2017-2020, sau khi thực hiện cổ phần hóa năm 2016, số vốn điều lệ của DVN được xác định là 2.370 tỷ đồng, trong đó phần vốn nhà nước chiếm xấp xỉ 65%.
Theo phương án thoái vốn đã được Thủ tướng phê duyệt, DVN phải thực hiện thoái hết phần vốn nhà nước trong năm 2018 theo phương án đấu giá công khai.
Nếu tính theo mệnh giá 10.000 đồng/cổ phần, thì với tỷ lệ vốn nhà nước chiếm 65% như hiện nay, tương đương 154,05 triệu cổ phần, có giá trị tương ứng là 1.540,5 tỷ đồng.
Trước đó, nhiều phương án thoái vốn đã được đưa ra. Ðáng chú ý có đề xuất tiến hành đấu giá 65% vốn nhà nước tại DVN thành 2 lần, cụ thể là bán 30% trong năm 2019 và 35% còn lại vào năm 2020. Bên cạnh đó, một phương án khác được đưa ra là Bộ Y tế giữ lại 35% vốn để đầu tư phát triển ngành dược, và chỉ đấu giá 30%.
Tại dự thảo Danh mục doanh nghiệp có vốn nhà nước thuộc các bộ, địa phương thực hiện thoái vốn đến hết năm 2020 đang được trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, tỷ lệ vốn nhà nước tiếp tục nắm giữ tại DVN sau năm 2020 được Bộ Y tế đề xuất là 36%, mức vốn cần thoái là 29%.
Hiện tại, đề xuất của Bộ Y tế đã được tổng hợp trong Danh mục chính thức trình Thủ tướng phê duyệt và chưa có quyết định chính thức cuối cùng.
Nhiều ý kiến tỏ ra băn khoăn trước cả 2 phương án tách việc chào bán ra thành 2 lần, cũng như đề xuất giữ lại 35% phần vốn nhà nước.
Lý do bởi hiệu quả sử dụng vốn nhà nước tại DVN thời gian qua rất thấp, việc chi trả cổ tức cũng không đảm bảo khả năng bảo toàn vốn theo quy định.
Ngoài ra, việc Bộ Y tế đề nghị giữ lại 35% vốn để đầu tư phát triển là không cần thiết vì đây là lĩnh vực không cần có sự đầu tư của Nhà nước và không thuộc lĩnh vực phải giữ lại để đầu tư.
Một điểm đáng quan tâm nữa là theo danh sách cổ đông nhà nước, cổ đông lớn được chốt tại thời điểm gần nhất là tháng 6/2019, DVN đang có 2 cổ đông lớn nắm giữ tổng cộng 82% vốn điều lệ, bao gồm Bộ Y Tế với tư cách là cổ đông nhà nước sở hữu 65% và Công ty cổ phần Tập đoàn Ðầu tư Việt Phương nắm giữ 17% (tương đương 40,29 triệu cổ phiếu) - cũng là nhà đầu tư chiến lược của DVN.
Với hiện trạng này, có ý kiến quan ngại rằng, nếu tiến hành thoái vốn tại DVN theo phương án tách thành 2 lần, hoặc chỉ thoái vốn gần 30% thì vẫn có khả năng doanh nghiệp tư nhân có thể chiếm được quyền chi phối đối với DVN thông qua việc mua lại phần sở hữu nhà nước khi thoái vốn.
“Nếu điều này thành hiện thực thì việc Nhà nước chỉ còn nắm giữ 35% vốn điều lệ sẽ không có quyền chi phối, kiểm soát hoạt động kinh doanh DVN, có thể dẫn đến thiệt hại giá trị rất lớn cho Nhà nước sau này khi thực hiện thoái nốt phần vốn còn lại”, ông Ngô Nhật Phương, Chủ tịch HÐQT CTCP Appollo, một doanh nghiệp trong ngành dược nhận định.
Theo phân tích của ông Phương, sau khi rà soát lại tình hình thực hiện cổ phần hóa và thoái vốn nhà nước sau cổ phần hóa tại nhiều tổng công ty, các cơ quan thanh - kiểm tra đã phát hiện nhiều tiêu cực, dẫn đến thất thoát một lượng lớn vốn và tài sản nhà nước.
DVN cũng sẽ không là ngoại lệ nếu không cẩn trọng và có giải pháp phù hợp trong phương án thoái vốn.
“Nên xây dựng phương án thoái một lần toàn bộ 65% vốn nhà nước tại DVN và phải tổ chức đấu thầu công khai, lựa chọn đơn vị tư vấn xác định giá khởi điểm và đơn vị tư vấn thoái vốn để tránh tiêu cực có thể xảy ra”, ông Phương đề xuất.