Trục lợi bảo hiểm, phải coi là tội phạm

Trục lợi bảo hiểm, phải coi là tội phạm

(ĐTCK) Để ngăn chặn hành vi trục lợi bảo hiểm, cần sớm có chế tài xử phạt nghiêm minh, thậm chí là truy tố trước pháp luật đối với hành vi này.

Tuần qua, Báo ĐTCK liên tiếp nhận được phản ánh về việc người mua bảo hiểm xe cơ giới cấu kết với một số đối tượng liên quan hòng trục lợi bảo hiểm, gây ảnh hưởng đến các DN bảo hiểm và cả người tham gia bảo hiểm chân chính.

Trục lợi bảo hiểm, phải coi là tội phạm  ảnh 1

Chiếc xe được mua bảo hiểm tại Bảo Việt Hà Nội của khách hàng Đặng Công Hiền

Muôn vẻ cấu kết trục lợi

Mới nhất là phản ánh của Bảo Việt Hà Nội về việc khách hàng là ông Đặng Công Hiền cùng với với Văn phòng Luật sư Winco có biểu hiện không trung thực về lời khai cũng như dựng hiện trường tai nạn không chính xác để yêu cầu tiền bồi thường từ bên bán bảo hiểm. Với những tình tiết vụ việc, Bảo Việt Hà Nội đang nghi ngờ có dấu hiệu trục lợi bảo hiểm. Tuy nhiên, vụ việc vẫn chưa có kết luận cuối cùng.

Trước đó, cũng tại Bảo Việt đã xảy ra vụ trục lợi bảo hiểm dưới hình thức sau khi gặp tai nạn, khách hàng mới mua bảo hiểm cho xe mang biển số 30U - 0011 và chờ 2 tháng sau mới dựng hiện trường giả tại Yên Bái để đòi bảo hiểm. Do đối tượng chủ mưu là người vừa có quyền hạn vừa có kinh nghiệm trong giải quyết tai nạn giao thông nên Phòng xe cơ giới, Bảo Việt đã trực tiếp điều tra lấy chứng cứ. Kết quả, Công an Yên Bái cũng xác định, đây là vụ trục lợi bảo hiểm mà chủ mưu là một cán bộ cảnh sát giao thông.

Hay tại BIC, để trục lợi bảo hiểm, một số khách hàng đã mua chuộc cán bộ tại một số cơ quan chức năng để ghi lùi thời hạn bảo hiểm về trước thời điểm xảy ra tai nạn. Vụ việc điển hình  là một công ty xây dựng mua bảo hiểm cho xe ôtô tải Huyndai tại BIC với thời hạn từ 31/3/2012 - 31/3/2013. Sáng 29/4/2012, chủ xe thông báo xe bị lật xuống suối tại địa bàn tỉnh Lai Châu vào hồi 16h ngày 28/4/2012, khiến lái xe bị thương và xe bị tổn thất khá nặng (có xác nhận của cơ quan chức năng). Sau khi nhận thông tin vụ tai nạn, cán bộ BIC tiến hành kiểm tra tình hình thanh toán phí bảo hiểm và xác định được khách hàng thanh toán phí bảo hiểm vào hồi 14h ngày 28/4/2012 - chỉ trước thời điểm xảy ra tai nạn 2 tiếng đồng hồ. Vụ này sau đó BIC đã từ chối bồi thường và khách hàng cũng có văn bản cam kết không khiếu nại bồi thường nữa.

Hay có trường hợp xe vi phạm giao thông gây tai nạn bị cơ quan chức năng lập biên bản, chủ xe mua chuộc cán bộ công an để không đưa biên bản này vào hồ sơ nhằm qua mắt công ty bảo hiểm. Cùng với đó, chủ xe cấu kết với xưởng hoặc gara sửa chữa xe để khai tăng giá sửa chữa hoặc thay mới khi không cần thiết, ghi khống hạng mục sửa chữa... để trục lợi bảo hiểm.

Nhiều DN bảo hiểm khác như Cathay , VNI… cũng cho rằng, hiện tượng người được bảo hiểm thông đồng, cấu kết với những bên liên quan như công an, bác sỹ, nhân chứng trong vụ tai nạn… để làm sai lệch hồ sơ vụ việc diễn ra ngày càng phổ biến và khó bị phát hiện. Không những thế, có những nhân viên, đại lý bảo hiểm cũng tiếp tay cho chủ xe gian lận bảo hiểm.

 

Hình phạt chưa đủ sức răn đe

Đại diện VNI cho biết, công ty này đã phải giải quyết bồi thường cho một số vụ việc khi chủ xe cung cấp kết luận điều tra của cơ quan công an, dù cơ quan công an kết luận nguyên nhân tai nạn khác với ý kiến của giám định viên bảo hiểm. Còn với Bảo Minh, điều khiến DN này rất trăn trở là hiện tượng gian lận, trục lợi bồi thường bảo hiểm tuy rất phổ biến và đang biến chứng thành một dạng tội phạm có tổ chức, nhưng DN bảo hiểm lại không nhận được sự hỗ trợ hiệu quả của một số cơ quan chức năng. Bảo Minh đã từng thua kiện nhiều vụ khi bị khách hàng đòi bồi thường mà không đóng phí bảo hiểm, bởi Tòa án cho rằng, tại sao khi cấp giấy chứng nhận bảo hiểm mà Bảo Minh không thu, không nhắc nhở bằng văn bản. Như vậy, Tòa án kết luận, Bảo Minh đã đồng ý nhận bảo hiểm mà không cần biết khi nào khách hàng đóng phí.

Ước tính, số tiền trục lợi bảo hiểm xe cơ giới hàng năm khoảng 15% tổng mức bồi thường. Bên cạnh đó, một thực tế đáng lo ngại là cho đến nay, mặc dù có không ít vụ trục lợi bảo hiểm đã được phát hiện, song hầu như chưa có một tổ chức, cá nhân nào thực hiện hành vi trục lợi phải chịu các chế tài hành chính hay hình sự, hoặc nếu có thì hình phạt còn quá nhẹ, không đủ sức răn đe. Điều này vô hình chung đã “khuyến khích” những kẻ làm ăn bất chính tìm cách thử vận may bằng cách gian dối, lừa đảo DN bảo hiểm. Vì vậy, trong số nhiều biện pháp hạn chế/ngăn chặn hành vi trục lợi bảo hiểm thì việc sớm có chế tài xử phạt nghiêm minh, thậm chí là truy tố trước pháp luật đối với hành vi trục lợi này là điều mà cả thị trường mong ngóng.

 

Theo thống kê của Bộ Tài chính, giai đoạn 2007 - 2011, tổng số vụ trục lợi bảo hiểm tại thị trường Việt Nam bị phát hiện là 44.704 vụ, với số tiền hơn 410 tỷ đồng, trong đó lĩnh vực bảo hiểm phi nhân thọ là 3.973 vụ, với tổng số tiền là 149,95 tỷ đồng. Bảo hiểm xe cơ giới và con người là 2 lĩnh vực có số vụ trục lợi bảo hiểm nhiều nhất và phức tạp nhất.