Trưa ở quê bao giờ cũng vậy, yên ắng đến độ cả tiếng cục tác tít đằng xa của đĩ gà mái mẹ cũng vọng đến bên tai người đang ngái ngủ.
Mùa hè, trời quê cứ cao vút, xanh ngắt. Ảnh: Thành Nguyễn. Ngoài xa là một bầu trời cao vút, xanh ngắt, thi thoảng là những đám mây bạc trĩu nước trôi vô định. Trên mặt sông, nắng tung tăng nhảy nhót. Nắng theo con sóng cứ chạy từ tít tận giữa sông vào bờ, vỡ tung ra từng mảnh, lung linh.
Đám nhỏ vạn chài. Ảnh: Thành Nguyễn.
Gió sông là một đặc ân dành cho những kẻ trốn nhà, thức trưa. Gió làm rặng tre khẽ đu mình thở dài kẽo kẹt, y như nỗi lòng của gái muộn chồng mỗi bận thấy thiên hạ đua nhau khoe áo cưới. Gió mang hơi mát và cả tiếng ru hời vọng lại, chẳng biết từ nhà ai hay tháng ngày xa xăm nào đó.
Trưa quê, dòng sông vắng ngắt, thi thoảng mới có bóng dáng một con đò. Ảnh: Thành Nguyễn.
Bến nước vắng teo, cái vắng lặng không bởi thiếu bóng dáng con người, mà vắng bởi chính cái cô tịch của nó. Chỉ có vi vu gió thổi và tiếng thở dài.
Nhưng cái tĩnh lặng đó cũng chẳng giữ được lâu, vì bất cứ lúc nào cũng dễ dàng xuất hiện một đám trẻ đầu trần, chân đất. Mà đám trẻ thì không bao giờ ít tiếng. Chúng tranh luận nảy lửa, cãi nhau chí chóe mà nguyên nhân đôi khi chỉ gói gọn trong hai từ ‘lãng xẹt”. Dòng nước mát có bóng râm của những rặng tre, bóng nhãn,… có một ma lực ghê gớm khiến những đứa trẻ nhanh chóng tan vào đó. Một cuộc chơi mới lại bắt đầu.
Một góc sông quê. Ảnh: Thành Nguyễn.
Ở quê ít đứa vụng bơi, đám trẻ như đàn rái cá lặn ngụp trong nước, nước ôm chúng vào, bao dung bằng cái mát mẻ. Nhiều đứa nghịch ngợm và giỏi lặn có bữa còn bắt được cả cá khi bơi, lúc con chầy, khi con ngạnh. Đứa vụng hơn thì sẽ thu hoạch lúc về nhà, cũng họ hàng nhà da trơn, nhưng là mấy con chạch ở mông vì tội trốn ngủ tắm sông.
Triền đê và dòng sông luôn rất hấp dẫn với bọn trẻ. Ảnh: Thành Nguyễn.
Giấc ngủ trưa ở quê luôn chập chờn, vì hồn còn mải theo đuổi những ý nghĩ riêng, vì tai còn nghe văng vẳng đâu đó những thanh âm rộn rã. Và vì dù mắt nhắm lại đấy nhưng hình ảnh của từng góc, từng góc quê với bao trò chơi vẫn nhảy nhót trong đầu. Và cũng vì thế, một buổi trưa quê là vô giá!
Đi học. Ảnh: Thành Nguyễn.
Trong rất nhiều những buổi trưa quê, thanh âm quen thuộc là những tiếng rao. Dù là quê, nhưng chủng loại tiếng rao có khi còn nhiều hơn ở phố.
Vào những độ sau mùa lúa mới, trưa quê lại sôi động hẳn lên với tiếng rao đổi mật mía. Tôi nhớ mãi những năm 90, khi đường còn là món hàng khá xa xỉ. Đường đỏ đã ít, đường trắng còn ít hơn nhiều và thường chỉ xuất hiện khi làm quà thăm người ốm. Đến cốc nước chanh tuổi ấy cũng chua loét vì đường thì chỉ bỏ cho có, gọi là. Sau các vụ gặt, nhiều bà, nhiều cô mà tôi chẳng biết từ mãi đâu về, họ lại chở theo hai các thùng sắt, dễ phải đến 20 kg đựng mật mía. Mật đỏ thẫm, ngọt lịm. Người ta sẽ đổi mấy kg lúa lấy một kg mật để dùng nấu chè, làm đồ ngọt khi gia đình có việc. Thậm chí, để hòa ra thật loãng, tưới lên rơm khô bồi dưỡng cho nhân lực chính là chú bò, chú trâu trong chuồng những ngày đông giá, vất vả.
Thả diều trên đê là một trải nghiệm không phải đứa trẻ nào cũng có được. Ảnh: Thành Nguyễn.
Nhà tôi bao giờ cũng có cái chum nhỏ, để dưới gậm hòm thóc. Chum đạy nắp kín mít rồi nhưng vẫn được gia cố thêm một chiếc túi ni-lông và vòng chun ở cổ để tránh bụi. Lâu lâu, mật lại được lấy ra để làm chè, bánh sắn. Nhưng khoái nhất có lẽ là món kẹo lạc trứ danh những ngày mưa gió.
Hồi đó, nền bếp bằng đất rất mát, buổi trưa hè bọn trẻ thường thích chui vào bếp đứng cho mát chân, hay hí hoáy nướng, luộc thứ gì đó theo kiểu ăn vặt. Còn một lý do nữa là thò thụt tý mật mía vì thèm. Người lớn biết cả đấy, nhưng kệ.
Tiếng rao nữa là của những cô, những bác đổi dép nhựa. Thường thì dép nhựa sẽ được đổi bằng kim loại như xoong, nồi hỏng, nắp vung, cái muôi,… Đứa nào hỏng dép và được bố mẹ đồng ý cho đổi dép mới thì mừng phải biết. Ngày ấy, hầu như đứa trẻ quê nào cũng chung thủy với dép tổ ong. Đứa nào có người nhà thành phố thi thoảng cho đôi dép màu xanh, màu đỏ là oai oách lắm, giữ lắm.
Cảnh thanh bình trưa quê. Ảnh: Thành Nguyễn.
Nhưng còn một thanh âm nữa, thanh âm ấy mới thực mang sức nặng, hấp dẫn đám trẻ quê. Nó có khả năng đánh thức cả những đứa đang còn ngái ngủ. Và dù tiếng ấy chẳng to, nhưng nó lại có khả năng chạm vào màng nhĩ một cách rất dễ dàng. Đó là tiếng của hàng kem bóp.
Nhà tôi gần đê, trưa nắng, chỉ cần nghe tiếng kem bóp từ xa là đã chuẩn bị sẵn dép nhựa hỏng, ít dây đồng, thậm chí nắp vung nồi,… lên để đổi. Lỉnh kỉnh lắm nhưng cũng chỉ được một vài que kem mà nếu chạy không nhanh thì xuống đến nhà nó đã chảy ra tong tỏng. Có bữa lên chậm, nhỡ mất hàng kem, chỉ mong người ta quay lại, tôi cứ đứng mãi dưới chân đê để đợi. Những hôm không thấy, hụt hẫng lắm, cứ như vừa mất thứ gì.
Có lẽ cái mất là vuột đi sự hứng khởi.
Cũng chính vì niềm vui ấy, mà hàng kem là sự mong chờ củ phần lớn đám trẻ ở quê. Thằng bạn tôi thảo tính, không biết đã bao nhiêu lần ăn trạch đầy mông vì cái tội lấy cả xoong, nồi của nhà đi đổi kem khao cả đám.
Oản tù tì. Ảnh: Thành Nguyễn.
Trưa ở quên, người ta còn hay túm năm, tụm ba ở bụi tre đầu ngõ, hay một góc vườn nhà có nhiều bóng râm để may nón. May nón thường là việc làm thêm, chỉ tranh thủ buổi trưa và buổi tối lúc xem tivi. Do đó, đây cũng là lúc người ta giao lưu, câu chuyện, câu trò, làm thắm thêm cái tình làng, nghĩa xóm. Mũi kim các mẹ, các chị sẽ đều hơn, đẹp hơn sau những buổi trưa chuyện trò như thế.
Một nét quê. Ảnh: Thành Nguyễn.
Lâu nay, thi thoảng về quê, đến tiếng gà cục tác còn hiếm, chứ tiếng kem bóp, tiếng rao đổi mật mía càng khó tìm. Có bận, tôi đang có mơ màng, hồi tưởng lại những ký ức trưa quê thì nhà hàng xóm chợt vang lên tiếng xập xình của một bài nhạc trẻ.
Giờ, trưa quê là hoài niệm, cả với những người ở đó.