Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng

Trong tháng 1/2015, các bộ ngành địa phương phải có kế hoạch hành động cụ thể

(ĐTCK) Kinh tế 2015 theo chỉ đạo của Chính phủ trong cuộc họp trực tuyến với các địa phương hôm nay (29/12) sẽ cần có những giải pháp quyết liệt để thực hiện các mục tiêu theo Nghị quyết của Quốc hội đề ra. Một vấn đề đáng quan tâm là tác động của giá dầu, theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh, mặt tích cực là nếu giá xăng dầu giảm 10%, thì chi phí đầu vào của các ngành kinh tế giảm 0,55%, quá đó hỗ trợ kinh tế tăng trưởng thêm 0,94%.

Chủ trì Hội nghị trực tuyến của Chính phủ với các địa phương triển khai Nghị quyết của Quốc hội về nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội và dự toán ngân sách Nhà nước năm 2015, đang diễn ra (bắt đầu từ sáng nay, 29/12), Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương tập trung thảo luận hai nội dung quan trọng.

Thứ nhất, đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ kinh tế, xã hội năm 2014, công tác điều hành của Chính phủ trong năm 2014.

Thứ hai, nhiệm vụ điều hành kinh tế, xã hội cần tập trung triển khai trong năm 2015.

“Ý kiến góp ý cần đi thẳng vào các vấn đề chính, các vấn đề cần bổ sung vào dự thảo nghị quyết điều hành kinh tế xã hội năm 2015 của Chính phủ…”, Thủ tướng đề nghị.

Liên quan đến định hướng điều hành kinh tế xã hội năm 2015, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Văn Nên cho biết, các chỉ tiêu chủ yếu đề ra trong năm 2015 là: GDP tăng khoảng 6,2%; kim ngạch xuất khẩu tăng khoảng 10%; tỷ lệ nhập siêu so với kim ngạch xuất khẩu khoảng 5%; tốc độ tăng giá tiêu dùng (CPI) khoảng 5%; tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội khoảng 30%-32% GDP…

Để đạt mục tiêu trên, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cần tập trung điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa để chủ động kiểm soát lạm phát theo mục tiêu đề ra, ổn định kinh tế vĩ mô và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát hoạt động của các tổ chức tín dụng; xử lý nghiêm các vi phạm...

Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan, địa phương, tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong điều hành tài chính - ngân sách. Kiểm soát chặt bội chi ngân sách nhà nước (NSNN). Không đề xuất, ban hành chính sách mới làm giảm thu NSNN, trừ trường hợp cắt giảm thuế để thực hiện cam kết quốc tế. Tăng cường công tác quản lý thu, khai thác nguồn thu, triển khai quyết liệt các biện pháp chống thất thu ngân sách, chuyển giá, trốn thuế... Định kỳ công khai số thuế nợ đọng của từng địa phương, doanh nghiệp. Điều hành, quản lý chi NSNN chặt chẽ theo đúng dự toán được giao.

Theo định hướng của Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành và địa phương hướng dẫn các bộ, ngành và địa phương phân bổ, quản lý, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn đầu tư công theo đúng quy định của Luật Đầu tư công, Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ và Quyết định Thủ tướng Chính phủ. Bảo đảm tiến độ giải ngân vốn đầu tư phát triển, nhất là các nguồn vốn NSNN, trái phiếu Chính phủ, ODA; tập trung vốn đầu tư cho các công trình quan trọng, cấp bách có khả năng hoàn thành trong năm 2015 để sớm đưa vào sử dụng, phát huy hiệu quả... Đa dạng hóa các hình thức huy động vốn, các hình thức đầu tư; đẩy mạnh hợp tác theo hình thức công tư (PPP) và các hình thức đầu tư không sử dụng vốn nhà nước để huy động tối đa nguồn lực đầu tư phát triển kinh tế - xã hội.

“Đến nay, dự thảo nghị định về PPP đã được Chính phủ cho ý kiến, dự kiến sẽ được ban hành trong tháng 1/2015”, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh, cho biết.

Trong định hướng điều hành, Chính phủ còn yêu cầu các bộ, cơ quan và địa phương, tập trung cắt giảm tối đa các khoản kinh phí hội nghị, hội thảo, các hoạt động phô trương, lãng phí không cần thiết. Trong quý III/2015, tổ chức đánh giá việc thực hiện Chỉ thị 24/CT-TTg ngày 5/8/2014 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực thuế, hải quan, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Trong tháng 1/2015 ban hành chương trình, kế hoạch hành động cụ thể của Bộ, cơ quan, địa phương; xác định rõ mục tiêu, nhiệm vụ, tiến độ thực hiện...

Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh, cho biết, giá dầu thế giới giảm mạnh tác động hai chiều đến nền kinh tế nước ta. Tuy giá dầu giảm đe dọa làm hụt thu ngân sách năm 2015, nhưng trong trung và dài hạn giúp giảm giá xăng, dầu nhập khẩu, tác động tích cực lên nền kinh tế. Theo tính toán, nếu giá xăng dầu giảm 10%, thì chi phí đầu vào của các ngành kinh tế giảm 0,55%, quá đó hỗ trợ kinh tế tăng trưởng thêm 0,94%.

Tin bài liên quan