Trong nhiệm kỳ tới hoàn tất việc sắp xếp lại doanh nghiệp nhà nước

0:00 / 0:00
0:00
Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đề nghị, nhiệm kỳ tới hoàn tất việc sắp xếp DNNN, xử lý xong những yếu kém, thua lỗ, thất thoát của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước.
Trong phiên khai mạc, Quốc hội đã nghe các báo cáo kinh tế xã hội năm 2020 và dự kiến kế hoạch 5 năm tới.

Trong phiên khai mạc, Quốc hội đã nghe các báo cáo kinh tế xã hội năm 2020 và dự kiến kế hoạch 5 năm tới.

Nêu quan điểm về một số định hướng lớn cho giai đoạn 2021 - 2025 khi báo cáo thẩm tra tình hình, kinh tế - xã hội trong phiên khai mạc kỳ họp thứ 10 của Quốc hội, Ủy ban Kinh tế cho rằng, để có cơ sở vững chắc, rủi ro ít hơn, không ảnh hưởng đến việc điều hành thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, Chính phủ cần chỉ đạo xây dựng mục tiêu tăng trưởng kinh tế giai đoạn 2021-2025 thận trọng.

Cơ quan thẩm tra cũng đề nghị cần có giải trình đầy đủ cơ sở khoa học, thực tế, mức độ điều chỉnh khi áp dụng cách tính GDP mới (thuật ngữ GDP điều chỉnh) và trình Quốc hội xem xét, quyết định áp dụng, bảo đảm công khai, minh bạch; đánh giá quy mô phát triển ở các địa phương.

Trước đó, Chính phủ báo cáo, trong giai đoạn 2021 - 2025, dự kiến có 15 chỉ tiêu chủ yếu; trong đó tốc độ tăng trưởng GDP bình quân khoảng 6,5 - 7%; đến năm 2025, GDP bình quân đầu người đạt 4.700 - 5.000 USD; tỷ trọng kinh tế số đạt khoảng 20% GDP; tỷ trọng đóng góp của năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) vào tăng trưởng khoảng 45%; năng suất lao động tăng bình quân trên 6,5%/năm; tỷ lệ lao động qua đào tạo đến năm 2025 là 70%; tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn đa chiều giảm 1 - 1,5 điểm phần trăm/năm; tỷ lệ che phủ rừng ổn định 42%...

Sốt ruột với tiến độ cổ phẩn hoá

Một trong những hạn chế lớn được nêu tại nhiều báo cáo từ Chính phủ, là tiến độ cổ phần hóa, thoái vốn vẫn chậm. Theo danh mục doanh nghiệp nhà nước hoàn thành cổ phần hóa (hoàn thành việc bán cổ phần lần đầu) giai đoạn 2017-2020 phải hoàn thành cổ phần hóa 128 doanh nghiệp nhưng đến nay mới đạt 28% kế hoạch. Còn theo danh mục doanh nghiệp thực hiện cổ phần hóa đến hết năm 2020 phải hoàn thành việc công bố giá trị 93 doanh nghiệp nhưng đến nay mới hoàn thành 3 doanh nghiệp. Lũy kế 8 tháng, đã thực hiện thoái vốn tại 20 doanh nghiệp, với giá trị sổ sách là 900 tỷ đồng, thu về 1.845 tỷ đồng.

Nhấn mạnh yêu cầu cơ cấu lại DNNN nhằm nâng cao khả năng cạnh tranh, Uỷ ban Kinh tế nêu rõ tiến độ cổ phần hóa, thoái vốn tại DNNN vẫn chậm và chưa đạt được kế hoạch đề ra, lượng vốn nắm giữ lớn nhưng hiệu quả kinh doanh còn hạn chế, quản trị doanh nghiệp chưa đáp ứng được yêu cầu.

Cơ quan thẩm tra đề nghị tiếp tục thực hiện hiệu quả cơ cấu lại đầu tư công theo hướng giảm đầu tư công trong cơ cấu vốn đầu tư toàn xã hội. Tiếp tục sắp xếp lại DNNN; bảo đảm công khai, minh bạch trong cơ cấu lại DNNN, nhất là trong cổ phần và thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp. Nâng cao hiệu quả của DNNN sau cổ phần hóa. Trong nhiệm kỳ tới hoàn tất việc sắp xếp lại khối DNNN; xử lý xong nhưng yếu kém, thua lỗ, thất thoát của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước. Sắp xếp, cải cách và triển khai trên diện rộng cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các đơn vị sự nghiệp dịch vụ công; đẩy mạnh cung ứng dịch vụ sự nghiệp công theo cơ chế thị trường, thúc đẩy xã hội hóa dịch vụ công.

Xử lý dứt điểm các ngân hàng mua bắt buộc

Về lĩnh vực ngân hàng, theo cơ quan thẩm tra, 5 năm qua, chính sách tiền tệ được điều hành đồng bộ, linh hoạt, thận trọng phối hợp với chính sách tài khóa và các chính sách vĩ mô khác nhằm ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế hợp lý. Thị trường ngoại tệ tương đối ổn định trong điều kiện chịu áp lực lớn từ những biến động trên thị trường quốc tế. Việc cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu tiếp tục được triển khai và đạt được nhiều kết quả tích cực.

Tuy nhiên, một số ý kiến tại cơ quan thẩm tra cho rằng việc triển khai cơ cấu lại các ngân hàng mua bắt buộc, việc thực hiện Nghị quyết số 42/2017/QH14 về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc. Hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt chuyển biến mạnh mẽ, cơ bản đạt được mục tiêu đề ra; các phương thức thanh toán điện tử mới có mức tăng trưởng mạnh; tuy nhiên vẫn cần thêm các giải pháp để thúc đẩy phát triển hoạt động này một cách cân bằng giữa các vùng, miền và đáp ứng tốt hơn nữa yêu cầu phát triển của nền kinh tế.

Đề nghị từ cơ quan thẩm tra là cần tiếp tục hoàn thiện khung khổ pháp lý về hoạt động ngân hàng; đẩy mạnh hơn nữa tiến trình cơ cấu lại các tổ chức tín dụng và xử lý nợ xấu. Tập trung xử lý dứt điểm cơ cấu lại các ngân hàng mua bắt buộc và ngân hàng yếu kém. Nâng cao quy mô và hiệu quả hoạt động của thị trường chứng khoán để thực sự trở thành một kênh huy động vốn chủ yếu của nền kinh tế.

Tin bài liên quan