1. Từng có thời điểm, đây là một trong những tuyến phố sầm uất bậc nhất khu Tây Hà Nội với hàng quán san sát, từ đồ ăn, thức uống, tới quán café, karaoke…, nhưng rồi cũng lịm dần sau những yêu cầu “phong tỏa” và “làm việc ở nhà” vì Covid-19.
Không có khách, chi phí mặt bằng quá cao, khách thuê cũng phải cáo biệt chủ nhà bởi không chịu nổi những gánh nặng về chi phí thuê mặt bằng đắt đỏ.
Trà, chủ một shop thời trang cho biết, cô phải dừng cửa hàng khi lệnh giãn cách quá lâu, đồng thời khách hàng cũng hạn chế đến trực tiếp cửa hàng do ngại tiếp xúc khi dịch bùng phát. Đến nay, dù các lệnh giãn cách đã nới lỏng, nhưng cô cũng không tính tới chuyện lại thuê tiếp cửa hàng. Khi “cái khó ló cái khôn”, giãn cách cũng buộc cô tìm kiếm các giải pháp bán hàng mới - bán hàng online và xây dựng hệ thống trên các nền tảng công nghệ mới.
Mới đầu vẫn còn “mù mờ” về công nghệ, nhưng giờ Trà đã thông thạo với những giao dịch xuyên biên giới trên Alibaba, đặt hàng hay giao hàng tự động qua các hệ thống apps…
Thực tế, hơn nửa thời gian của năm vừa qua tôi đã phải làm ở nhà và nhận ra rằng, cuộc sống của mình và nhiều người xung quanh đã thay đổi rất lớn.
Năm qua, các hóa đơn mua quần áo, ăn hàng quán trực tiếp giảm đáng kể, nhưng tiền mua đồ điện tử, thiết bị gia dụng, giải trí... hầu hết được thực hiện qua mạng đã tăng gấp đôi. Thậm chí, mẹ tôi, dù mới sắm smartphone chỉ vài tháng cũng đã thành thạo trong việc đặt hàng online hơn cả tôi.
Với tôi, dường như hơi thở cuộc sống xung quanh thật sự đã chuyển lên mạng!
2. Các cuộc khảo sát không chính thức gần đây, bên cạnh thực phẩm và đồ gia dụng, nhiều người, đặc biệt những người trẻ tuổi thuộc thế hệ Y, Z chuyển sang mua trò chơi điện tử, cổ phiếu, tiền ảo để giải trí và đầu tư.
Điều này thúc đẩy một "con khủng long" đang trỗi dậy, đó là nền kinh tế online. Các công ty cung cấp dịch vụ online, bán hàng qua mạng, công ty sản xuất trò chơi điện tử, thiết bị chơi điện tử, dịch vụ đám mây, nhà cung cấp dịch vụ web, thiết kế..., họ đều ăn nên làm ra.
Theo ước tính của Crunchbase, giới đầu tư mạo hiểm đã rót 10 tỷ USD vào các công ty khởi nghiệp liên quan đến thế giới ảo vào năm 2021, con số này chưa bao gồm ngân sách từ Big Tech. Các nhà phân tích của Goldman Sachs ước tính, khoảng 1.350 tỷ USD sẽ được đầu tư cho phát triển các công nghệ ảo trong những năm tới.
Kinh doanh online tăng trưởng chưa từng thấy, từ mọi mặt hàng đều được đưa lên mạng. Cụm từ “metaverser – siêu vũ trụ ảo” trở thành cụm từ nóng nhất vào thời điểm hiện tại.
Tháng 10/2021, Facebook đã đổi tên thành Meta Platforms để phản ánh trọng tâm mới của công ty đối với khái niệm metaverse.
Nếu metaverse “cất cánh”, có lẽ tất cả những người đang có điện thoại thông minh cũng sẽ nhanh chóng sở hữu sản phẩm công nghệ mới - kính thực tế ảo (VR) trong một vài năm tới.
3. Tại Việt Nam, các dự án blockchain phát triển theo hướng metaverse xuất hiện nhiều từ đầu năm nay, trong xu hướng xây dựng vũ trụ ảo của thế giới.
Một trong những dự án nổi tiếng liên quan tới vũ trụ ảo là Axie Infinity - game NFT đắt giá nhất mọi thời đại do người Việt đứng sau. Trên bảng xếp hạng của CoinMarketCap, Axie là dự án đứng đầu trong danh sách tiền kỹ thuật liên quan đến metaverse, với giá trị vốn hóa khoảng 8 tỷ USD.
Ngoài Axie, nhiều dự án blockchain khác của kỹ sư Việt như Faraland, Sipher, Elpis Battle, Meta Spatial... cũng đang trong quá trình để trở thành metaverse hoặc tạo nền tảng giúp xây dựng metaverse. Một số dự án nhận được đánh giá cao từ cộng đồng, gọi vốn thành công hàng triệu USD từ các quỹ nước ngoài.
Ví dụ, Meta Spatial đã gọi vốn hàng triệu USD từ quỹ đầu tư lớn như Animoca Brands, LD Capital, Mexc... để phát triển nền tảng cho phép trải nghiệm công nghệ thực tế ảo, và các nhà phát triển khác có thể xây dựng metaverse trên nền tảng này.
Hồi đầu tháng 11/2021, dự án Sipher cũng nhận đầu tư 6,8 triệu USD để xây dựng trò chơi World of Sipheria, trong đó tạo ra một nền kinh tế tự do cho các game thủ, trao cho cộng đồng quyền sở hữu tài sản trong game.
Giờ đây, trên metaverse, người ta không chỉ trao đổi các vật dụng cần thiết cho nhân vật game mà thậm chí còn giao dịch cả đất đai với giá trị không kém cạnh so với thực tế.
Tất nhiên, ngoại trừ game, so với các quốc gia trên thế giới, mức độ phổ biến của metaverse ở Việt Nam vẫn ở giai đoạn đầu. Nhưng nhìn ở một cách rộng ra, các nền tảng công nghệ đang len lỏi mạnh mẽ vào các hoạt động của đời sống.
Số người sử dụng dịch vụ hội họp qua mạng Zoom tăng gấp hàng chục lần trong 2 năm vừa qua. Gần như tổ chức, cơ quan doanh nghiệp nào giờ cũng phải tính tới câu chuyện hội họp trực tuyến qua mạng.
Ngay kể cả trong các đợt tổ chức sự kiện, mô hình multimedia kết hợp giữa sự kiện trực tiếp và trực tuyến giờ đã phổ biến hơn rất nhiều.
4. Năm đầu tiên của thập kỷ kết thúc đầy biến động, nhiều ngành nghề, hoạt động dân sinh thiệt hại nặng nề, nhưng kinh tế số đang lội ngược dòng.
Nói như ông Hoàng Mai Chung, Chủ tịch Meeyland, một Startup về công nghệ bất động sản, hành vi khách hàng thay đổi, quá nhiều biến số ngoài doanh nghiệp, các dữ liệu trên giấy tờ, sổ sách cũ… không đủ làm giá trị cơ sở, buộc doanh nghiệp phải tìm đến công nghệ để giải quyết bài toán này và các start-up Proptech nhanh chóng bắt “trend”.
Trong mảng bất động sản mà tôi được Tòa soạn phân công theo dõi, sự hiện diện của các Proptech (ứng dụng công nghệ trong lĩnh vực bất động sản) đã thay đổi đáng kể phương thức giao dịch nhà đất, cũng như hình thành thêm nhiều hình thức đầu tư mới.
Công nghệ là yếu tố then chốt tạo nên sự khác biệt và thành công cho Proptech tại Việt Nam, nếu doanh nghiệp làm chủ được công nghệ thì sẽ có cơ hội bứt phá và làm chủ thị trường. Hơn nữa, Covid-19 đã tạo ra áp lực thay đổi chưa từng có lên ngành bất động sản, vốn khá bảo thủ trước những đổi mới về công nghệ trước đây.
Do vậy, kể từ năm 2020, tự động hóa trong quá trình tiếp thị và bán hàng không còn là một điều “có thì tốt, không có cũng không sao”, mà đã trở thành yếu tố “không thể thiếu” để các nhà phát triển bất động sản, đơn vị môi giới xây dựng cho mình vị thế nổi bật giữa vô số đối thủ cạnh tranh.
Tuy nhiên, một thực tế hiện nay, số liệu của FinREI Investment JSC cũng cho thấy, tại Việt Nam, lĩnh vực Proptech “nở rộ” với gần 60 công ty đang hoạt động và dự báo sẽ có nhiều start-up Proptech “chào sân” thời gian tới, nhưng trong đó có 80% nền tảng Proptech là công ty nước ngoài hoặc được rót vốn từ nhà đầu tư ngoại (trích dẫn số liệu của Jone Lang Lasalle - JLL).
Điều này, đặt ra những yêu cầu mới về xây dựng các khung chính sách mới phù hợp hơn để tránh việc lệ thuộc hoàn toàn vào ứng dụng ngoại. Khi đó, kho tài nguyên lớn nhất của kinh tế số - dữ liệu người dùng - mới có thể nằm trong tay doanh nghiệp Việt.