Con số biết nói từ SCIC
Theo báo cáo của SCIC, tính đến 31/12/2018, danh mục đầu tư hiện hữu của SCIC gồm 142 doanh nghiệp với giá trị vốn nhà nước gần 20.576 tỷ đồng, trên tổng số vốn điều lệ là 84.177 tỷ đồng.
Thông qua vai trò cổ đông, SCIC đã hực hiện tái cơ cấu và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp thông qua các phương thức khác nhau phù hợp với từng doanh nghiệp.
Như trường hợp Tổng công ty cổ phần Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (Vinaconex), bằng nhiều biện pháp, SCIC đã thực hiện tái cơ cấu rồi thoái vốn thành công với giá bán 28.900 đồng/cổ phiếu, giá trị cổ phần bán được hơn 7.366 tỷ đồng trên giá vốn 2.549 tỷ đồng, chênh lệch hơn 4.800 tỷ đồng; tổng giá trị thu về cho nhà nước cao hơn gần 2.000 tỷ đồng so với giá khởi điểm đã công bố.
Trong 12 năm qua, SCIC đã thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ đại diện sở hữu vốn Nhà nước đối với các công ty cổ phần sau cổ phần hóa. Cơ chế người đại diện phần vốn Nhà nước triển khai tại tất cả các doanh nghiệp được kết hợp chặt chẽ với sự giám sát và chỉ đạo trực tiếp của chủ sở hữu đã giúp SCIC bảo toàn và phát triển phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp.
Đa số các doanh nghiệp do SCIC quản lý có kết quả sản xuất kinh doanh tốt; tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu (ROE) bình quân các năm 2013-2015 đạt từ 20.1-20,5%, tổng nguồn thu cổ tức cho nhà nước lũy kế trên 21.000 tỷ đồng.
Trong việc triển khai nhiệm vụ tái cơ cấu DNNN, SCIC được xem là một trong những Tổng công ty đi đầu với kết quả thoái vốn tại các doanh nghiệp trong danh mục Nhà nước không cần nắm giữ hoặc chi phối.
SCIC đã tổ chức bán vốn tại 986 doanh nghiệp (trong đó bán hết vốn tại 885 doanh nghiệp, bán một phần vốn tại 82 doanh nghiệp và bán quyền mua tại 19 doanh nghiệp) với giá vốn là 8.332 tỷ đồng và giá trị thu về là 36.989 tỷ đồng, gấp hơn 4,4 lần giá vốn (trong khi mức bình quân chung của cả nước giai đoạn 2011 - 2015 chỉ là 1,48 lần).
Tuy nhiên, Báo cáo kiểm toán liên quan đến quản lý, sử dụng vốn tài sản nhà nước năm 2017 của SCIC mà Kiểm toán Nhà nước vừa hoàn thành đã chỉ ra giá trị vốn đầu tư giải ngân của SCIC còn thấp, vốn đầu tư được cất chủ yếu dưới tiền gửi ngân hàng và trái phiếu.
Theo Kiểm toán Nhà nước, tại thời điểm ngày 31/12/2017, số dư tiền gửi có kỳ hạn của SCIC là 23.284 tỷ đồng, trong đó tiền gửi là 18.704 tỷ đồng, tiền gửi Quỹ hỗ trợ sắp xếp và phát triển doanh nghiệp là 4.580 tỷ đồng.
Về cơ bản, SCIC đã quản lý, sử dụng tương đối tốt và phát huy hiệu quả tiền nhàn rỗi, riêng năm 2017 lãi tiền gửi ngân hàng đã mang lại khoản doanh thu hoạt động tài chính 922,1 tỷ đồng.
Kiểm toán Nhà nước cũng chỉ ra thực tế là SCIC “bí” đầu tư. Cụ thể, giai đoạn năm 2013-2015, theo kế hoạch hàng năm của SCIC được Hội đồng thành viên phê duyệt giá trị dự kiến giải ngân là 17.456 tỷ đồng tuy nhiên giá trị thực tế thực hiện giải ngân là 9.072 tỷ đồng, đạt 52% so với kế hoạch. Luỹ kế từ năm 2013 đến hết năm 2017, giá trị vốn đầu tư giải ngân của SCIC là 9.313 tỷ đồng, tức là chỉ thực hiện được 31% kế hoạch.
Là nhà đầu tư, ai không ham bỏ vốn để có thể kiếm lời lớn, SCIC không ngoại lệ. Theo SCIC, trong giai đoạn 2017 – 2018, SCIC đã và đang thực hiện nghiên cứu 43 cơ hội đầu tư mới (tương đương 65% trên tổng số cơ hội đầu tư được xem xét).
Có thể kể đến một số dự án như Cầu Thượng Cát, dự án Bình Châu-Quảng Ngãi, Hệ thống cấp nước khu kinh tế Nhơn Hội-Bình Định, dự án nghiên cứu đầu tư máy trị xạ Proton hạt nặng với Viện K, dự án như Bệnh viện đa khoa tỉnh Quảng Trị, dự án cấp nước sạch cho Khu công nghiệp Đông Nam Quảng Trị, Khu công nghiệp VSIP8, Dự án các Khu đô thị, dự án Cảng biển Mỹ Thủy; nghiên cứu lĩnh vực nước sạch, điện rác, cảng biển, khu công nghiệp, dự án khu khám bệnh theo yêu cầu Bệnh viện Quận 2, các cơ hội đầu tư tại Quảng Ngãi; dự án đầu tư Hệ thống cấp nước khu kinh tế Nhơn Hội tỉnh Bình Định, Dự án đầu tư Nhà máy sản xuất thuốc chữa ung thư-Benovas, hợp tác đầu tư với Cotec Healthcare, nghiên cứu đầu tư vào các Tập đoàn, Tổng công ty thuộc Ủy Ban Quản lý vốn hoặc cùng Tập đoàn, Tổng công ty thuộc Uỷ Ban Quản lý vốn nghiên cứu, thực hiện đầu tư vào các dự án trọng điểm.
Về đầu tư tài chính, SCIC cũng đã triển khai nghiên cứu một số cơ hội, tuy nhiên năm 2018 chưa có dự án được phê duyệt và giải ngân.
Vậy nguyên nhân là do đâu?
Theo chia sẻ của lãnh đạo SCIC, chiến lược đầu tư của SCIC chưa được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Các quy chế, quy trình đầu tư của SCIC đang trong quá trình hoàn thiện, sửa đổi bổ sung nên việc áp dụng để tìm kiếm cơ hội đầu tư gặp nhiều khó khăn. Bên cạnh đó, việc chưa hoàn tất xây dựng khẩu vị rủi ro, mức chấp nhận rủi ro cũng như hệ thống các tiêu chí sàng lọc đầu tư, tiêu chí thoái vốn... nên việc tìm kiếm các cơ hội đầu tư còn nhiều hạn chế.
Cũng có một số nguyên nhân khách quan như: định hướng chủ trương của đối tác (thay đổi chính sách của Nhà nước (tạm dừng phê duyệt các dự án mới theo mô hình BT, các vấn đề đối với dự án theo hình thức PPP khác) và quy hoạch chung do cơ quan quản lý nhà nước ban hành. Luật Xây dựng, Luật Đấu thầu, Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp đã ban hành và có hiệu lực tác động đến triển khai hoạt động đầu tư.
Cơ hội đến nhanh, cũng đi rất nhanh, khi thị trường có diễn biến thuận lợi, doanh nghiệp không chớp được cơ hội mà còn phải lo thực hiện đúng các quy định về trình tự, thủ tục đầu tư phức tạp, khả năng “bỏ lỡ” cơ hội là rất dễ xảy ra.
Một nguyên nhân quan trọng khác khiến gần đây đầu tư của khu vực doanh nghiệp nhà nước gần như “tê liệt”, dưới góc nhìn của chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long là Luật quản lý và sử dụng vốn Nhà nước, yêu cầu rất rõ về bảo toàn vốn nhà nước. Cụ thể là yêu cầu xem xét, đánh giá hiệu quả đối với từng hoạt động kinh doanh, dự án đầu tư cụ thể, thay vì đánh giá cả danh mục theo nguyên tắc thị trường. Điều này dẫn đến rủi ro trong việc ra quyết định đầu tư, không thúc đẩy hoạt động đầu tư.
Thị trường vốn bấp bênh, các quỹ tăng trưởng âm hàng loạt
SCIC hoat động theo phương thức của các tổ chức đầu tư tài chính trên thị trường, có thể nói nôm na là tương đối giống các quỹ đầu tư, quản lý danh mục và ăn phí quản lý.
Song là doanh nghiệp nhà nước, SCIC còn phải tuân thủ các quy định về bảo toàn vốn theo luật định, trong đó hà khắc nhất là yêu cầu đánh giá hiệu quả đối với từng hoạt động kinh doanh, dự án đầu tư cụ thể. Khó có thể thống kê một nhà đầu tư tài chính, hoặc một quỹ đầu tư nào đều đạt được tăng trưởng dương cho từng khoản đầu tư trong cả danh mục mà mình quản lý.
Cũng cần lưu ý thêm là, thị trường tài chính toàn cầu đang trong giai đoạn bấp bênh do ảnh hưởng bởi hàng loạt yếu tố bất định. 11 tháng đầu năm nay, thống kê từ các quỹ đầu tư hàng đầu Việt Nam như VinaCapital, Dragon Capital, Vietnam Holding, Pyn Elite Fund, Tundra Vietnam Fund… đều cho thấy, NAV (giá trị tài sản ròng) thấp hơn, thậm chí giảm hơn 10% so với thời điểm đầu năm.
Những quỹ chiến thắng thị trường theo ghi nhận đều tập trung vào tiền gửi ngân hàng, trái phiếu doanh nghiệp… Dễ hiểu vì sao SCIC duy trì tỷ trọng lớn vào các khoản tiền gửi ngân hàng và trái phiếu.
Không thể không nhắc đến các hạn chế mà SCIC cần cải thiện nhưng Báo cáo của Kiểm toán Nhà nước cũng đánh giá, năm 2017, SCIC đã hoạt động sản xuất kinh doanh có lãi, bảo toàn và phát triển được vốn.
Được thành lập với mục tiêu tích tụ, tập trung vốn nhà nước để có nguồn lực thực hiện các nhiệm vụ đầu tư cần lượng vốn lớn, SCIC hoạt động theo mô hình doanh nghiệp nhưng bản chất SCIC là một quỹ đầu tư.
Tại thời điểm 31/12/2017, ước tính giá trị tài sản ròng của SCIC là 175.063 tỷ đồng, nguồn vốn từ quỹ đầu tư phát triển là 17.451 tỷ đồng, chỉ chiếm 9,9% giá trị tài sản ròng của SCIC. Tỷ trọng tiền mặt sẵn sàng cho các hoạt động đầu tư của SCIC là thấp so với các mô hình quỹ đầu tư.
Tháng 11 vừa qua, cùng với 18 tập đoàn, tổng công ty khác, SCIC đã được chuyển giao về Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp.
Theo Quyết định 2012/QĐ-TTg ngày 13/12/2017 phê duyệt Phương án cơ cấu lại SCIC đến năm 2020 Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo: “SCIC xây dựng Chiến lược phát triển SCIC đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030 báo cáo cấp có thẩm quyền phê duyệt sau khi Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp được thành lập”.
Kỳ vọng rằng, trong lần làm mới chiếc áo pháp lý này, nhiều nút thắt sẽ được gỡ bỏ để nhà đầu tư của chính phủ có những bước ngoặt đột phá, đặc biệt là trong vai trò đầu tư.
- Lợi nhuận trước thuế năm 2017 hợp nhất của SCIC sau kiểm toán là 6.767 tỷ đồng; - Tỷ lệ sinh lời trên vốn CSH (ROE) = Lợi nhuận sau thuế/Vốn CSH là 16,3%; - Tỷ lệ sinh lời trên tổng tài sản (ROA) = Lợi nhuận sau thuế/Tổng tài sản năm 2017 là 15,3%; - Tỷ lệ sinh lời trên tổng doanh thu = Lợi nhuận sau thuế/Tổng doanh thu năm 2017 là 87,15%; - Hệ số bảo toàn vốn = vốn chủ sở hữu cuối kỳ/vốn chủ sở hữu đầu kỳ là 1 lần; - Mức độ bảo toàn vốn = Vốn chủ sở hữu/Vốn đầu tư của chủ sở hữu là 1,8 lần. Báo cáo tài chính năm 2017 của SCIC, xét trên khía cạnh trọng yếu, đã phản ánh trung thực về tình hình tài sản, nguồn vốn, kết quả kinh doanh và thu nộp Ngân sách Nhà nước. Qua các chỉ số nêu trên cho thấy năm 2017, SCIC đã hoạt động SXKD có lãi, đơn vị đã bảo toàn và phát triển được vốn (Nguồn: Kiểm toán Nhà nước) |