Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, việc rà soát và xây dựng dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt danh mục doanh nghiệp thực hiện thoái vốn đến hết 2020 để thay thế quy định tại Quyết định số 1232/QĐ-TTg dựa trên nguyên tắc chưa thực hiện quyền chuyển giao đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước về Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) đối với doanh nghiệp (DN) thuộc UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Đối với các DN thuộc kế hoạch thoái vốn năm 2017, 2018 theo Quyết định 1232 mà các Bộ ngành đến nay chưa hoàn thành thủ tục thoái thoái vốn thì chuyển giao quyền đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước về SCIC.
Đối với các DN thuộc kế hoạch thoái vốn năm 2017, 2018 theo Quyết định 1232 mà các Bộ ngành đã làm xong thủ tục thoái thoái vốn thì các Bộ ngành tiếp tục thực hiện thoái vốn. Đối với DN thuộc kế hoạch thoái vốn của năm 2019, 2020 theo Quyết định thì giao các Bộ và địa phương tiếp tục thực hiện.
Trên cơ sở rà soát, tổng hợp ý kiến của các Bộ và địa phương và nguyên tắc trên, phương án cuối cùng đã được Bộ Kế hoạch và Đầu tư trình lên Thủ tướng Chính phủ xem xét phê duyệt.
Cụ thể, theo phương án trình, doanh nghiệp thực hiện chuyển giao quyền đại diện chủ sở hữu tại DN về SCIC trong năm 2019 để thoái vốn bao gồm 41 doanh nghiệp, trong đó gồm 15 doanh nghiệp thuộc các Bộ Công thương, Lao động thương binh và xã hội, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Xây dựng… cùng 26 DN thuộc địa phương.
Số DN do các Bộ, địa phương thực hiện thoái vốn chiếm tỷ lệ nhiều nhất với tổng cộng 168 DN, trong đó 11 DN thuộc các Bộ gồm 4 DN thuộc Bộ xây dựng thoái vốn theo kế hoạch thoái vốn năm 2017, 2018 quy định tại Quyết định 1232/QĐ-TTg nhưng đến nay đã hoàn thành cơ bản các thủ tục để thoái vốn, 1 thuộc Bộ Y tế trong danh mục được đề xuất Nhà nước giữ lại 1 phần vốn nhà nước sau khi thoái vốn và 7 DN thuộc kế hoạch thoái vốn năm 2019, 2020 theo quyết định 1232/QĐ-TTg.
Cũng trong số 168 DN này gồm có 157 DN thuộc địa phương đã được các địa phương đánh giá và khẳng định tính khả thi trong hoàn thành thoái vốn giai đoạn đến hết năm 2020.
Ngoài ra trong phương án trình, doanh nghiệp thực hiện theo chỉ đạo riêng của Thủ tướng gồm 11 DN bao gồm các DN chưa thống nhất, không đủ điều kiện chuyển giao về SCIC, DN quy mô lớn đặc thù trong hoạt động, doanh nghiệp còn đang vướng mắc về tài chính, quyết toán vốn nhà nước, DN đề xuất thay đổi hình thức sắp xếp khác… như Tập đoàn xăng dầu Việt nam, Tổng Công ty Hàng không Việt Nam, Công ty CP Thế dục thể thao Việt Nam, Công ty CP Trung tâm triển lãm Việt Nam…
Qua rà soát và tổng hợp ý kiến của các Bộ và địa phương, Bộ kế hoạch và Đầu tư cho rằng đề xuất của các Bộ và địa phương về việc chưa thực hiện thoái vốn toàn bộ vốn nhà nước tại 24 DN trong giai đoạn đến năm 2020 cơ bản đáp ứng các tiêu chí nêu tại Thông báo số 267/TB-VPCP gồm các doanh nghiệp Nhà nước cần nắm giữ cổ phần chi phối để quản lý, không đảm bảo hoàn thành thoái vốn trước năm 2020…
Liên quan đến dự kiến nguồn thu cổ phần hóa, thoái vốn trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025, trên cơ sở mức vốn chủ sở hữu của các DN thuộc danh sách 24 DN này vào năm 2017, Bộ đã ước tính việc giảm nguồn thu từ thoái vốn trong trường hợp Nhà nước không thoái toàn bộ vốn tại các DN này giai đoạn 2017 - 2020 dự kiến là 8.500 tỷ đồng tính trên giá trị sổ sách, trong đó riêng việc không thực hiện thoái vốn 30,4% vốn nhà nước tại Vietnam Airlines dự kiến đã làm giảm nguồn thu từ thoái vốn giai đoạn này là hơn 6700 tỷ đồng.
Đồng thời nguồn thu dự kiến khi nhà nước thực hiện thoái vốn tại 173 DN (chưa kể doanh nghiệp thuộc diện chuyển giao về SCIC để thoái vốn) là khoảng 30.000 tỷ đồng tính theo mức vốn chủ sở hữu trên sổ sách của DN năm 2017.