Triệu tỷ đồng vốn rẻ có chảy ra nền kinh tế?

Một loạt lãi suất điều hành vừa được cắt giảm, hạn mức tín dụng cho các nhà băng cũng chuẩn bị được nới. Dòng vốn rẻ đã sẵn sàng, chỉ còn chờ sức hấp thụ của doanh nghiệp.
Lãi suất đầu vào rẻ hơn, thanh khoản được hỗ trợ là điều kiện cần thiết để các ngân hàng thương mại bơm vốn rẻ hơn ra thị trường.

Lãi suất đầu vào rẻ hơn, thanh khoản được hỗ trợ là điều kiện cần thiết để các ngân hàng thương mại bơm vốn rẻ hơn ra thị trường.

Vốn đã rẻ hơn

“Ngân hàng giảm lãi suất, doanh nghiệp rất mừng. Vốn rẻ hơn sẽ giúp doanh nghiệp giảm chi phí và giá thành sản xuất, tận dụng cơ hội để hồi phục sau dịch bệnh”, ông Nguyễn Văn Bình, Tổng giám đốc Công ty Xuất nhập khẩu Mỹ nghệ Artex Thăng Long cho biết khi nghe tin về việc ngân hàng giảm lãi suất cho vay. Là doanh nghiệp nằm trong lĩnh vực ưu tiên, Artex luôn được vay vốn ở mức thấp nhất thị trường. Thế nhưng, ông Bình vẫn hy vọng, lãi suất sẽ còn giảm xuống nữa.

Theo Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), doanh nghiệp mong chờ mặt bằng cho vay ở mức 4-5% với tiền đồng và 2-3% với vay USD, nghĩa là mức lãi suất hiện vẫn chưa đáp ứng được kỳ vọng của doanh nghiệp. Tuy nhiên, trong điều kiện hiện nay, đây có thể đã là mức cắt giảm tối đa mà ngành ngân hàng có thể thực hiện trong năm nay. Ngay sau khi Ngân hàng Nhà nước (NHNN) giảm lãi suất điều hành, nhiều ngân hàng thương mại đã đồng loạt điều chỉnh lãi suất huy động.

Lãi suất đầu vào rẻ hơn, thanh khoản được hỗ trợ là điều kiện cần thiết cho các ngân hàng thương mại bơm vốn rẻ hơn ra thị trường. Năm 2020, NHNN dự kiến tín dụng tăng thêm cho nền kinh tế khoảng 900.000 tỷ đồng đến 1,1 triệu tỷ đồng. Như vậy, chỉ cần lãi vay rẻ hơn 0,5-1%, doanh nghiệp đã được hưởng lợi hàng chục ngàn tỷ đồng. Tuy nhiên, để đánh giá việc giảm lãi suất có hiệu quả hay không - tức vốn rẻ có chảy vào nền kinh tế hay không - cần phải nhìn qua tấm gương phản chiếu là tín dụng.

Thời gian tới, NHNN sẽ tiếp tục theo dõi sát diễn biến tình hình thị trường trong và ngoài nước, kết quả triển khai các biện pháp điều hành chính sách tiền tệ, lãi suất. Trên cơ sở đó, chủ động, linh hoạt thực hiện các giải pháp điều hành chính sách tiền tệ nhằm kiểm soát lạm phát, ổn định vĩ mô, đảm bảo thanh khoản, an toàn hoạt động của hệ thống tổ chức tín dụng, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế.

Ông Phạm Thanh Hà, Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ (NHNN)   

Nhiều chuyên gia cho rằng, sau động thái giảm lãi suất của NHNN, tín dụng hệ thống sẽ được cải thiện. “Chắc chắn tín dụng sẽ tăng mạnh hơn sau khi NHNN giảm thêm lãi suất điều hành. Cùng với giảm lãi suất, Thống đốc NHNN đã thông báo sẽ nới thêm “room” tăng trưởng tín dụng để các ngân hàng thương mại linh hoạt hơn trong lựa chọn các phân khúc thị trường có khả năng hấp thụ được vốn”, TS. Lê Xuân Nghĩa, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia nhận định.

Tuy nhiên, theo chuyên gia này, rất khó để tín dụng tăng mạnh trở lại khi thị trường xuất nhập khẩu vẫn bị đóng băng, chuỗi cung ứng bị cắt đứt. Vì vậy, để “kích” tín dụng, ngân hàng phải hướng mạnh vào các doanh nghiệp phục vụ thị trường nội địa, đặc biệt các lĩnh vực như: du lịch, thương mại, dịch vụ, doanh nghiệp sản xuất hàng thiết yếu… Sau đó, tùy mức độ mở cửa thị trường đến đâu mà mở rộng phân khúc khách hàng đến đó.

Tăng tín dụng không chỉ phụ thuộc vào ngân hàng

Số liệu của NHNN cho thấy, tín dụng đến cuối tháng 4/2020 chỉ tăng 1,32%, thấp hơn nhiều so với mức tăng 4,6% cùng kỳ năm ngoái. Điểm tích cực là tín dụng tăng trưởng âm nửa đầu tháng 4/2020 đã quay đầu tăng trưởng dương trở lại vào nửa cuối tháng. Điều này cho thấy, nhu cầu vốn của doanh nghiệp phần nào phục hồi trở lại khi các biện pháp giãn cách xã hội được nới lỏng, nền kinh tế nước ta đang trở lại trạng thái bình thường sau dịch

Tuy nhiên, trong bối cảnh rủi ro vẫn đang chực chờ, sức cầu trong nước và thế giới còn yếu, xuất khẩu tăng chậm, doanh nghiệp sẽ rất thận trọng vay vốn, ngân hàng cũng thận trọng giải ngân. Điều này khiến tín dụng khó bật tăng trở lại, dù lãi suất đã giảm thêm.

Ông Nguyễn Quốc Hùng, Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (NHNN) khẳng định, tín dụng tăng chậm không phải từ phía ngân hàng. Cụ thể, các ngân hàng không thiếu vốn, nhiều ngân hàng muốn đẩy mạnh cho vay mà không được. Song không phải vì vậy mà ngân hàng nới lỏng chuẩn vay.

“Các doanh nghiệp chứng minh được mục đích vay vốn, dòng tiền, nguyên liệu đầu vào, có thị trường đầu ra… sẽ được ngân hàng lập tức cho vay. Nếu doanh nghiệp không chứng minh được hiệu quả dự án, khả năng trả nợ, ngân hàng không thể nhắm mắt cho vay”, ông Hùng khẳng định.

Lãnh đạo nhiều ngân hàng thương mại cũng cho hay, các ngân hàng đang rất muốn đẩy mạnh cho vay và cũng đã đề nghị NHNN “nới” room tín dụng để dự phòng nhu cầu vốn tăng cao nửa cuối năm. Tuy nhiên, việc tín dụng có “bật” lên được hay không phụ thuộc rất nhiều vào nhu cầu vốn và cả sức khỏe của doanh nghiệp. 

Ông Lê Đức Thọ, Chủ tịch HĐQT VietinBank - ngân hàng có tăng trưởng tín dụng âm 3 tháng đầu năm - cho biết, dù không thể hạ chuẩn vay, song VietinBank đang nỗ lực tìm kiếm khách hàng đủ điều kiện vay, giảm tối đa lãi suất cho vay, cải tiến thủ tục giải ngân một cách nhanh nhất.

TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia ngân hàng cho rằng, dù NHNN có thể nới chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng để các ngân hàng linh hoạt hơn trong tìm kiếm các phân khúc khách hàng tiềm năng, song khả năng tăng trưởng tín dụng năm nay chỉ ở mức 9-10%. Thực tế, hạn mức tín dụng được NHNN đưa ra khá thấp, nhưng nhiều ngân hàng thương mại có khả năng không sử dụng hết do cầu tín dụng rất yếu.

Tin bài liên quan