Triển vọng thu hút FDI thiết lập chuỗi cung ứng mới

0:00 / 0:00
0:00

Theo ông Lương Hoàng Thái, Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công thương), không gian kinh tế được mở ra trong RCEP đồng nghĩa với việc thúc đẩy dòng vốn đầu tư nhờ quy mô thị trường rộng lớn.

Ông Lương Hoàng Thái, Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công thương).

Ông Lương Hoàng Thái, Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công thương).

Thưa ông, FTA lớn nhất thế giới là Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) đã được ký kết sau 8 năm đàm phán. Với quy mô GDP gần 27.000 tỷ USD, chắc hẳn ý nghĩa về thu hút dòng vốn FDI với Việt Nam sẽ rất đáng kể?

15 nước thành viên RCEP đều là đối tác đầu tư lớn của Việt Nam. Đặc biệt, trong danh sách 10 quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư lớn tại Việt Nam, thì có tới 6 đối tác đến từ RCEP. Lớn nhất là Hàn Quốc với 70,38 tỷ USD, tiếp đó là Nhật Bản 59,89 tỷ USD, Singapore 55,7 tỷ USD, Trung Quốc 18 tỷ USD, Malaysia 12,8 tỷ USD, Thái Lan 12,5 tỷ USD.

Nguồn: Bộ Công thương

Thực tế, với các cam kết về mở cửa thị trường trong lĩnh vực hàng hóa, dịch vụ, đầu tư và hài hòa hóa quy tắc xuất xứ giữa tất cả các bên tham gia, cũng như tăng cường các biện pháp tạo thuận lợi thương mại, RCEP sẽ tạo cơ hội để phát triển các chuỗi cung ứng mới trong khu vực, nhờ đó kích thích đầu tư phát triển chuỗi cung ứng.

Dù RCEP không tạo ra hiệu ứng về mở cửa thị trường mới do ASEAN, trong đó có Việt Nam đã có FTA với các quốc gia trong khối, nhưng về khía cạnh gián tiếp, chính không gian kinh tế được mở ra giữa ASEAN và các đối tác Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Australia, New Zealand, thì việc thúc đẩy dòng vốn đầu tư nhờ tạo dựng quy mô thị trường lớn của RCEP là hoàn toàn hiện thực.

Không gian rộng lớn sẽ thúc đẩy hoạt động đầu tư, nhưng sẽ tập trung vào những ngành/lĩnh vực nào, thưa ông?

Cùng với các nước ASEAN, Việt Nam có cơ hội trở thành địa điểm thu hút FDI từ những nước tham gia Hiệp định RCEP. Các ngành viễn thông, công nghệ thông tin, dệt may, giày dép và điện tử là những lĩnh vực Việt Nam có khả năng thu hút FDI.

Với một không gian kinh tế lớn như RCEP thì nhà đầu tư có thể chọn địa điểm đầu tư có lợi cho họ nhất.

Hiện tại, một số quốc gia như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và kể cả Singapore, Thái Lan, Malaysia đều đang tăng tốc đầu tư ra nước ngoài để mở rộng chuỗi sản xuất và cung ứng.

Tuy nhiên, tác động về thu hút FDI đến đâu còn phụ thuộc vào sự vận động của mỗi quốc gia như chính sách thu hút đầu tư quốc gia, cũng như chính sách với từng lĩnh vực cụ thể. Đây là cơ sở rất quan trọng để các nhà đầu tư xem xét và quyết định sẽ đầu tư vào đâu.

Có ý kiến cho rằng, lợi ích mà RCEP có thể mang lại cho Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc cao hơn các quốc gia thành viên khác. Quan điểm của ông về vấn đề này ra sao?

Hiệp định RCEP dự kiến mang lại lợi ích cho tất cả các nước tham gia, nhưng xét về lợi ích cụ thể thì các nhóm nước khác nhau có lợi ích cũng khác nhau.

Cụ thể, với các nước ASEAN thì đây là FTA không hướng đến giá trị gia tăng mới về mở cửa thị trường, do ASEAN đều có FTA với các đối tác.

Thay vào đó, với góc độ hài hòa các quy định hiện có của các hiệp định mà ASEAN đã có với các đối tác, thì RCEP được coi là có giá trị cao trong việc giảm chi phí giao dịch, thu hút FDI và tăng cường vị trí trung tâm của ASEAN trong việc giải quyết các xung đột về thương mại trong khu vực.

Tôi cũng muốn nhấn mạnh rằng, trong bối cảnh thế giới đang có nhiều biến động, đặc biệt là việc Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) không thể đóng vai trò hiệu quả trong việc giải quyết các xung đột thương mại như trước, thì đây là giá trị không hề nhỏ cho các nước có quy mô kinh tế vừa phải như các quốc gia thành viên ASEAN.

Để doanh nghiệp trong nước tận dụng tốt lợi ích từ RCEP khi hiệp định này có hiệu lực, tới đây Bộ Công thương sẽ có những hành động cụ thể gì để giúp doanh nghiệp?

Để hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam sớm tiếp cận và khai thác tối ưu những cơ hội mà RCEP mang lại, Bộ Công thương đã chuẩn bị lộ trình triển khai kế hoạch tuyên truyền, phổ biến RCEP tới các đơn vị, tổ chức liên quan và các doanh nghiệp trong nước, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa; xây dựng các chương trình hỗ trợ cụ thể cho từng ngành hàng, dịch vụ mà Việt Nam có thế mạnh, tiềm năng.

Ngoài ra, Bộ sẽ tiếp tục xây dựng các chương trình phát triển thị trường cho những mặt hàng xuất khẩu được cho là có lợi thế của Việt Nam vào thị trường RCEP.

Tin bài liên quan