Triển vọng sáng nhóm cổ phiếu bất động sản công nghiệp

Triển vọng sáng nhóm cổ phiếu bất động sản công nghiệp

(ĐTCK) Làn sóng dịch chuyển cơ sở sản xuất từ Trung Quốc sang các quốc gia Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam đang giúp cổ phiếu các công ty bất động sản công nghiệp trở nên hấp dẫn trong mắt nhà đầu tư.

Doanh thu, lợi nhuận tăng trưởng

Giới quan sát phân tích, chi phí lao động và giá đất công nghiệp tại Trung Quốc đang leo thang do định hướng nâng cao chuỗi giá trị đối với hàng tiêu dùng trong nước, dịch vụ và hàng hóa xuất khẩu. Chi phí lao động ở Việt Nam hiện tại chỉ bằng khoảng 1/3 Trung Quốc, điều này khuyến khích các công ty di dời cơ sở sản xuất về Việt Nam trong vài năm trở lại đây. Căng thẳng thương mại giữa Trung Quốc và Mỹ càng đẩy nhanh quá trình này.

Ngay từ quý I/2019, Tổng công ty Phát triển đô thị Kinh Bắc (KBC) đã tiếp đón nhiều nhà đầu tư nước ngoài đến đặt vấn đề thuê đất làm nhà xưởng, trong đó có nhiều nhà đầu tư trước đó đặt công xưởng tại Trung Quốc. Khi đó, bà Nguyễn Thị Thu Hương, Phó tổng giám đốc KBC cho biết, Công ty đang có lợi thế vàng về sở hữu quỹ đất lớn và đây là động lực tăng trưởng mạnh mẽ cho KBC trong năm 2019. KBC hiện đang khai thác các khu công nghiệp Quang Châu, Tân Phú Trung, Tràng Duệ, Quế Võ.

Báo cáo tài chính nửa đầu năm 2019 của KBC đã phản ánh triển vọng của mảng kinh doanh bất động sản rất tích cực, với doanh thu 1.570 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 511 tỷ đồng, tăng trưởng lần lượt 56% và 76% so với cùng kỳ 2018. Trong cơ cấu doanh thu của KBC, doanh thu cho thuê đất chiếm gần 1.400 tỷ đồng, tức chiếm 87%.

Cổ phiếu KBC đang giao dịch quanh mốc 15.000 đồng/cổ phiếu với khối lượng giao dịch khớp lệnh trung bình 10 phiên hơn 3,1 triệu đơn vị. Mới đây, Công ty Chứng khoán TP.HCM (HSC) đã ra báo cáo phân tích với khuyến nghị mua vào mã này.

Cổ phiếu NTC của CTCP Khu công nghiệp Nam Tân Uyên đã tăng gần 100.000 đồng/cổ phiếu trong vòng hơn 3 tháng, từ mức 98.850 đồng/cổ phiếu ngày 2/5 lên 193.500 đồng/cổ phiếu vào ngày 16/8. Ðà tăng này được hỗ trợ bởi hiệu quả kinh doanh rất khả quan. Sáu tháng đầu năm, lợi nhuận sau thuế của Công ty đạt 130,5 tỷ đồng, tăng 48,76% so với cùng kỳ năm ngoái.

Trong khi đó, Tổng công ty Ðầu tư và phát triển công nghiệp (Becamex- BCM) công bố doanh thu 6 tháng đạt 3.379 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 1.323 tỷ đồng, tăng trưởng lần lượt 12% và 34,4% so với cùng kỳ năm ngoái.

Ông Stephen Wyatt, Tổng giám đốc JLL Việt Nam cho rằng, chiến tranh thương mại không phải là nguyên nhân duy nhất cho sự phát triển mạnh mẽ của Việt Nam trong lĩnh vực công nghiệp. Hiệp định CPTPP và EVFTA cho thấy Việt Nam luôn nỗ lực hội nhập quốc tế, đem lại nhiều cơ hội và tạo động lực để Việt Nam tái lập môi trường kinh doanh.

Giá cho thuê đất có xu hướng tăng

Theo báo cáo của JLL, đến năm 2018, Việt Nam có khoảng hơn 80.000 ha đất khu công nghiệp (năm 1986 chỉ có 335 ha). Sự tăng trưởng ngoạn mục này là nhờ nền kinh tế phát triển mạnh mẽ trong những năm qua, định hướng xuất khẩu và các hiệp định thương mại tự do (FTA) được ký kết.

Việt Nam đang là một trong những điểm đến hấp dẫn nhất của ngành công nghiệp trong khu vực Ðông Nam Á. Tổng giám đốc JLL Việt Nam cho rằng, nhu cầu mạnh mẽ cùng với sự mở rộng của các nhà sản xuất từ Trung Quốc đã đẩy giá đất lên một mặt bằng giá mới. Quý II/2019, giá đất trung bình ở thị trường khu công nghiệp phía Nam xấp xỉ 95 USD/m2/chu kỳ thuê, tăng 15,8% so với cùng kỳ năm ngoái.

JLL kỳ vọng, công nghiệp sẽ tiếp tục là lĩnh vực hấp dẫn nhất trong nửa sau năm 2019 và sự quan tâm từ nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam vẫn tiếp tục vững mạnh.

Triển vọng tăng trưởng của nhóm cổ phiếu ngành bất động sản công nghiệp cũng được giới quan sát nhìn nhận sẽ kéo dài. Theo Công ty Chứng khoán BIDV (BSC), các khu công nghiệp vẫn tiếp tục hưởng lợi nhờ chiến tranh thương mại, Hiệp định EVFTA có hiệu lực sẽ thu hút nguồn vốn FDI. Cùng với đó, giá cho thuế tăng trung bình từ 7 - 15%/năm. Các doanh nghiệp phát triển khu đô thị liền kề khu công nghiệp cũng có thể mang lại dòng tiền lớn.

Tin bài liên quan