2019 sẽ là năm khả quan của hệ thống ngân hàng
Thông tin từ Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết, tăng trưởng tín dụng tính đến tháng 9/2019 đạt 8,64% với cơ cấu cho vay vẫn tập trung chủ yếu vào nông nghiệp (8,9%), công nghiệp và xây dựng (29,2%) và thương mại (21,9%) là những lĩnh vực được ưu tiên cho vay của Chính phủ. Mức cung tiền M2 tăng trưởng lũy kế hết 9 tháng năm 2019 đạt 8,6% so với đầu năm, tương đương mức tăng trưởng tín dụng. Cung cầu tín dụng được kiểm soát tốt sẽ giúp mặt bằng lãi suất ổn định (trung bình lãi suất cho vay ngắn hạn từ 6-9%/năm, trung và dài hạn ở mức 9-11%/năm).
Tỷ lệ cho vay/huy động của các ngân hàng có vốn nhà nước và ngân hàng tư nhân tiếp tục giữ ở mức cao (92,9% và 84,5%), vượt quá mức NHNN cho phép. Tuy nhiên, nhờ việc huy động tăng trưởng tốt, áp lực về tỷ lệ dư nợ tín dụng/vốn huy động (LDR) cao đang dần được cải thiện. Lãi suất huy động tại các kỳ hạn trung và dài tăng mạnh do nhu cầu bổ sung vốn trung - dài hạn khi bị hạn chế tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung - dài hạn trong thời gian tới. Lãi suất liên ngân hàng vẫn ở mức thấp và giảm chủ yếu do việc cắt lãi suất điều hành của NHNN (giảm tỷ lệ OMO xuống 4,5%), hiện đang ở mức 1,85% cho lãi suất qua đêm, 2,1% cho lãi suất 1 tuần. Lãi suất trái phiếu chính phủ tiếp tục giữ ở mức thấp từ 4-4,3%/năm cho kỳ hạn 10-15 năm và khó có thể cải thiện trong ngắn hạn.
Dự kiến biên lãi ròng (NIM) trong năm 2019 sẽ tăng nhẹ nhờ việc dịch chuyển cơ cấu cho vay do tăng trưởng tín dụng chậm lại. Bên cạnh đó, lãi suất huy động tăng ở các kỳ hạn dài, trong khi lãi suất cho vay ổn định, cơ cấu lại các khoản vay với lãi suất cao hơn. Thu nhập ngoài lãi, mảnh đất tiềm năng của các ngân hàng, dự kiến sẽ tiếp tục tăng trưởng từ 20-30% trong năm nay. Khoản này đến từ tăng trưởng từ phí dịch vụ 46% so với cùng kỳ nhờ việc tăng trưởng khách hàng và tăng phí dịch vụ, tích cực thu hồi nợ xấu ngoại bảng và thu từ bán chéo sản phẩm bancassurance.
Điểm đáng chú ý là các ngân hàng đang và sẽ tăng vốn điều lệ đáp ứng yêu cầu vốn theo yêu cầu Basel II thông qua hình thức trả cổ tức bằng cổ phiếu, phát hành tăng vốn cho cổ đông nước ngoài (VCB, BID), phát hành trái phiếu tăng vốn cấp 2. Tháng 7/2019, BIDV đã đàm phán xong việc bán 15% cho KEB Hana Bank với giá 33.640 đồng/cổ phiếu. Các ngân hàng khác như VPBank, TPBank… hiện đang phát hành các trái phiếu quốc tế thời hạn dài nhằm tăng vốn cấp 2, từ đó cải thiện hệ số an toàn vốn (CAR). Hiện nay, CAR Basel I của toàn ngành ước tính đang ở mức 11% (CAR theo Basel II sẽ thấp hơn từ 1-2%).
Một số ngân hàng dự kiến niêm yết trong thời gian tới bao gồm: OCB (vốn điều lệ 4.000 tỷ đồng), MSB (vốn điều lệ 11.750 tỷ đồng), SeABank (vốn điều lệ 5.466 tỷ đồng), ABBank (vốn điều lệ 5.319 tỷ đồng), Saigonbank (vốn điều lệ 3.080 tỷ đồng), Nam A Bank (vốn điều lệ 3.021 tỷ đồng), Viet A Bank (vốn điều lệ 3.500 tỷ đồng). Riêng OCB và MSB có thể sẽ lên sàn vào cuối năm 2019.
Tiếp tục ổn định thị trường, tăng cường kết nối ngân hàng với doanh nghiệp
Ông Phạm Thanh Hà, Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ (NHNN) cho biết, trên cơ sở các mục tiêu của Quốc hội, Chính phủ và diễn biến kinh tế vĩ mô, tiền tệ, NHNN tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, thận trọng, phối hợp hài hòa với chính sách tài khoá và các chính sách kinh tế vĩ mô khác nhằm kiểm soát lạm phát; duy trì ổn định vĩ mô, hỗ trợ tăng trưởng, ổn định thị trường tiền tệ và ngoại hối.
Cụ thể, điều hành nghiệp vụ thị trường mở, điều tiết thanh khoản của tổ chức tín dụng (TCTD) ở mức hợp lý để ổn định thị trường tiền tệ, góp phần thực hiện mục tiêu chính sách tiền tệ. Điều hành dự trữ bắt buộc đồng bộ với công cụ chính sách tiền tệ khác, phù hợp với diễn biến thị trường và mục tiêu chính sách tiền tệ.
“Tiếp tục tái cấp vốn cho TCTD để hỗ trợ thanh khoản, cho vay các chương trình được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, hỗ trợ cơ cấu lại các TCTD và xử lý nợ xấu. Điều hành lãi suất, tỷ giá phù hợp với cân đối vĩ mô, diễn biến thị trường và mục tiêu chính sách tiền tệ; kết hợp đồng bộ các công cụ chính sách tiền tệ, can thiệp thị trường linh hoạt nhằm ổn định thị trường ngoại tệ, góp phần ổn định vĩ mô, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế ở mức hợp lý và củng cố dự trữ ngoại hối Nhà nước khi có điều kiện thuận lợi. Tiếp tục kiểm soát cho vay ngoại tệ với lộ trình phù hợp”, ông Hà cho biết.
Ông Nguyễn Quốc Hùng, Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (NHNN) chia sẻ, cơ quan quản lý sẽ tiếp tục điều hành tín dụng nhằm kiểm soát quy mô tín dụng phù hợp với chỉ tiêu định hướng đi đôi với nâng cao chất lượng, mở rộng tín dụng tập trung vào lĩnh vực ưu tiên, lĩnh vực sản xuất kinh doanh, triển khai các chương trình, chính sách tín dụng đặc thù, góp phần hỗ trợ tăng trưởng kinh tế theo mục tiêu Chính phủ đề ra; kiểm soát chặt chẽ tín dụng vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro.
Tiếp tục chỉ đạo các TCTD triển khai các chương trình tín dụng theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; kịp thời phối hợp các bộ, ngành liên quan xử lý khó khăn, vướng mắc phát sinh trong quá trình thực hiện. Quyết liệt triển khai Kế hoạch hành động số 1178/QĐ-NHNN ngày 31/5/2019 của ngành ngân hàng triển khai Chỉ thị 12/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ đẩy mạnh tín dụng phục vụ sản xuất và tiêu dùng của người dân, góp phần cùng các bộ, ngành, địa phương liên quan đấu tranh đẩy lùi tín dụng đen.
Liên quan đến doanh nghiệp, ông Hùng cho biết, NHNN sẽ tiếp tục tăng cường phối hợp với các địa phương đẩy mạnh chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp tạo điều kiện thuận lợi trong việc tiếp cận vốn của người dân, doanh nghiệp, kịp thời thực hiện các giải pháp hỗ trợ khách hàng vượt qua khó khăn, ổn định và khôi phục sản xuất. Tiếp tục chỉ đạo Ngân hàng Chính sách xã hội thực hiện các chương trình tín dụng đối với hộ nghèo, các đối tượng chính sách, góp phần bảo đảm an sinh xã hội, nâng cao đời sống cho người dân.
Để phát huy những kết quả đã đạt được và hoàn thành tốt nhiệm vụ năm 2019, ông Nghiêm Thanh Sơn, Phó vụ trưởng Vụ Thanh toán (NHNN) cho biết, đơn vị đề ra một số định hướng nhằm đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt trong thời gian tới như sau: Thứ nhất, hoàn thiện và triển khai các quy định về thanh toán thanh toán điện tử, cụ thể là Nghị định thay thế Nghị định 101, Thông tư sửa đổi, bổ sung Thông tư hướng dẫn về dịch vụ trung gian thanh toán và một số thông tư trong hoạt động thanh toán khác theo chương trình xây dựng văn bản pháp luật đã đăng ký.
Thứ hai, tiếp tục triển khai có hiệu quả Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt giai đoạn 2016-2020 (Quyết định 2545/QĐ-TTg) và Đề án đẩy mạnh thanh toán qua ngân hàng đối với việc thu phí các dịch vụ công như điện, nước, học phí, viện phí và chi trả các chương trình an sinh xã hội (Quyết định 241/QĐ-TTg).
Thứ ba, tiếp tục nâng cấp hạ tầng thanh toán, đồng thời hoàn thiện kết nối hệ thống thanh toán điệt từ liên ngân hàng với những cấu phần nghiệp vụ mới; chỉ đạo triển khai và sớm đưa vào vận hành Hệ thống thanh toán bù trừ tự động phục vụ các giao dịch bán lẻ (ACH) vận hành 24/7, kết nối tích hợp với các ngành, lĩnh vực khác nhau nhằm cung ứng các sản phẩm, dịch vụ thanh toán an toàn, tiện lợi cho khách hàng, hỗ trợ sự vận hành, phát triển của nền kinh tế.
Thứ tư, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra tuân thủ các quy định về an toàn, bảo mật tại các TCTD, tổ chức trung gian thanh toán để chủ động phát hiện, xử lý kịp thời các hành vi vi phạm.
Thứ năm, đẩy mạnh công tác truyền thông, phổ biến kiến thức và phối hợp phòng, chống tội phạm công nghệ cao trong lĩnh vực ngân hàng; cảnh báo kịp thời những phương thức và thủ đoạn mới của tội phạm để có biện pháp phòng, chống hiệu quả.
TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia kinh tế dự báo, các ngân hàng sẽ có sự phân hóa về tốc độ tăng trưởng lợi nhuận. Các ngân hàng với chất lượng tài sản tốt như Vietcombank, MBBank, Techcombank… sẽ có tốc độ tăng trưởng mạnh hơn so với trung bình ngành. Với sự điều hành của nhà quản lý và sự nỗ lực từ nội tại của nhiều ngân hàng, nhà đầu tư sẽ ngày càng vững tâm hơn khi đầu tư vào cổ phiếu ngành ngân hàng trong bối cảnh chính sách quản lý, minh bạch, rõ ràng và truyền thông đầy đủ.