Triển vọng sáng của doanh nghiệp ngành xi măng

Triển vọng sáng của doanh nghiệp ngành xi măng

(ĐTCK) Nhu cầu tiêu thụ xi măng trong nước và thị trường xuất khẩu đều tăng trưởng tích cực, ngành xi măng đang có triển vọng sáng.

Vicem: “Sản xuất tới đâu, bán hết tới đó”

Tổng công ty Công nghiệp Xi măng Việt Nam (Vicem), doanh nghiệp đang chiếm gần 40% thị phần xi măng trong nước cho biết, trong nửa đầu năm nay, doanh thu thuần toàn Tổng công ty đạt 17.640 tỷ đồng, tăng 4,3% so với cùng kỳ; lợi nhuận trước thuế đạt 1.657 tỷ đồng, tăng 62,3% so với cùng kỳ năm ngoái.

Sản lượng sản xuất xi măng 6 tháng đạt hơn 12,9 triệu tấn, tăng trưởng 12% so với cùng kỳ 2018; sản lượng tiêu thụ đạt 13,1 triệu tấn, tăng 11,4%. Về sản phẩm clinker, Công ty sản xuất được 10,3 triệu tấn, tăng 2,5% so với cùng kỳ; tiêu thụ được 1,87 triệu tấn, bằng 75% cùng kỳ năm ngoái.

Ông Bùi Hồng Minh, Tổng giám đốc Vicem cho biết, các nhà máy xi măng của Vicem đều chạy hết công suất, sản xuất tới đâu bán tới đó.

Tại CTCP Xi măng Bỉm Sơn (BCC), công ty con của Vicem, từ đầu năm đến nay, hoạt động kinh doanh ghi nhận tăng trưởng rất tích cực. Trong quý I/2019, doanh thu tăng 17,25%, tương ứng với tăng 135,88 tỷ đồng so với cùng kỳ năm ngoái; lợi nhuận trước thuế tăng 591,73%, tương ứng tăng 35,89 tỷ đồng so với cùng kỳ năm ngoái. Năm nay, BCC đặt kế hoạch doanh thu trên 4.005 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 171 tỷ đồng, tương đương tăng 8,9% và 82,7% so với năm 2018.

Một công ty thành viên khác của Vicem là Xi măng Vicem Bút Sơn (BTS) đặt kế hoạch doanh thu 3.504 tỷ đồng, tăng trưởng 13,1%, nhưng mục tiêu lợi nhuận sau thuế ở mức 71,1 tỷ đồng, tăng đột biến 243,4% so với mức thực hiện trong năm qua.

Tăng mạnh về sản lượng và giá trị xuất khẩu

Theo phân tích của Công ty Fiingroup - đơn vị cung cấp thông tin về tài chính doanh nghiệp, công suất thiết kế của ngành xi măng Việt Nam dự kiến sẽ tăng mạnh nhờ sự mở rộng mạnh mẽ của các doanh nghiệp tư nhân địa phương, bao gồm Thành Thắng, Vissai, Thai Group (trước đây là Xuân Thành) và Long Sơn.

“Các cơ sở mới được đặt tại miền Trung, nơi nhu cầu tương đối thấp so với miền Bắc và miền Nam. Dường như những doanh nghiệp tư nhân này đang nhắm tới thị trường xuất khẩu”, Fiingroup nhận định.

Năm nay, ngành xi măng đặt mục tiêu xuất khẩu khoảng 25 triệu tấn và tiêu thụ trong nước từ 69 - 70 triệu tấn xi măng. Số liệu cập nhật nhất từ Tổng cục Hải quan, trong 5 tháng đầu năm, ngành xi măng đã xuất khẩu được hơn 13,8 triệu tấn. Dù chỉ tăng 4% về lượng, nhưng giá trị xuất khẩu đã tăng đến 23,2% so với cùng kỳ năm ngoái. Ðây là mức tăng rất ấn tượng trong bối cảnh các doanh nghiệp xuất khẩu xi măng trong nước liên tục đối diện với các vụ kiện phòng vệ thương mại từ các quốc gia trong và ngoài khu vực thời gian gần đây. Theo Hiệp hội Xi măng Việt Nam, hiện sản phẩm xi măng Việt Nam đã xuất khẩu trên 40 thị trường.

Ông Nguyễn Quang Cung, Chủ tịch Hiệp hội Xi măng cho biết, hoạt động của doanh nghiệp xi măng tốt hơn nhờ thị trường xuất khẩu tích cực, sản lượng xuất khẩu có khả năng vượt con số 32 triệu tấn. Trước đây, cơ cấu xuất khẩu thường là clinker chiếm 2/3, 1/3 còn lại là xi măng, nhưng hiện nay, lượng xuất khẩu xi măng đang tăng lên, giúp doanh nghiệp gia tăng giá trị. Triển vọng của doanh nghiệp xi măng trong nửa cuối năm sẽ tiếp tục khởi sắc, đặc biệt là vào mùa xây dựng cuối năm.

Tăng trưởng nhu cầu xi măng ở mức 5% cho tới 2020

Dẫu vậy, ông Cung cho rằng, những doanh nghiệp có công nghệ lạc hậu, quy mô sản xuất nhỏ vẫn gặp khó khăn, vì không xuất khẩu được. Thực tế này đòi hỏi doanh nghiệp phải đầu tư công nghệ cao, thân thiện môi trường, tiết kiệm năng lượng. Nếu không làm được điều đó thì sẽ bị triệt tiêu như công nghệ xi măng lò đứng giai đoạn trước.

Với Vicem, Tổng giám đốc Bùi Hồng Minh cho biết, Tổng công ty sẽ triển khai thực hiện đề án tái cơ cấu giai đoạn 2019 - 2025; đồng thời triển khai tái cấu trúc toàn diện Tổng công ty, trong đó tập trung vào ngành nghề chủ chốt, tối ưu hóa sản xuất hiện tại để tăng thêm năng lực sản xuất, tăng năng suất lao động, tạo khả năng cạnh tranh. Năm 2019, Vicem đặt mục tiêu tăng năng suất lao động từ 7 - 10%.

Dư địa tăng trưởng của các doanh nghiệp ngành xi măng vẫn còn lớn, theo Fiin Group dự báo, thị trường xi măng Việt Nam sẽ đạt đến trạng thái cân bằng vào năm 2028. Dựa trên phân tích của Fiingroup về kinh tế vĩ mô và nhu cầu xi măng lịch sử từ năm 2000, tăng trưởng nhu cầu đối với xi măng được dự báo ở mức tăng trưởng 5% cho đến năm 2030.

Tin bài liên quan