GDP Trung Quốc sẽ vẫn tăng trưởng chậm cho đến hết 2014. Ảnh: Bloomberg

GDP Trung Quốc sẽ vẫn tăng trưởng chậm cho đến hết 2014. Ảnh: Bloomberg

Triển vọng kinh tế thế giới tiếp tục ảm đạm

Khu vực đồng euro sẽ khó bứt phá trong năm tới, Mỹ không thể tăng tốc phục hồi vì thất nghiệp và nợ công, trong khi GDP Trung Quốc được dự báo vẫn ì ạch đến hết 2014.

Châu Âu cuối cùng đã thoát khỏi suy thoái. Nhật Bản cũng tăng trưởng trở lại sau 2 thập kỷ trì trệ. Kinh tế Mỹ cùng lúc phát tín hiệu đang tiến về phía trước. Tuy nhiên, khảo sát mới nhất của AP với hơn 20 nhà kinh tế lại cho rằng tăng trưởng toàn cầu vẫn chưa thể phục hồi hoàn toàn trong vòng 15 tháng tới.

 

Liên tục tăng trưởng yếu sẽ khiến các nền kinh tế lớn nhất thế giới càng khó giải quyết thách thức. Đó là tỷ lệ thất nghiệp cao kỷ lục ở châu Âu, người tiêu dùng và doanh nghiệp thắt chặt chi tiêu tại Mỹ, các khoản nợ công khổng lồ ở những nền kinh tế lớn. Bên cạnh đó là kinh tế bất ổn tại các nước mới nổi.

 

Các nhà kinh tế cho rằng 17 quốc gia khu vực đồng euro sẽ chỉ tăng trưởng trên 1% nửa cuối 2013 và năm 2014. Eurozone đã tăng trưởng dương trong quý II, lần đầu tiên sau 6 quý suy thoái. Tuy nhiên, tốc độ này sẽ khó đột phát trong một năm rưỡi tới.

 

Mỹ và Nhật Bản cũng có thể chỉ khá hơn đôi chút. Các nhà kinh tế cho rằng Mỹ sẽ tăng trưởng 2,3% nửa cuối năm nay và 2,6% năm tới. GDP Nhật Bản có thể tăng 2,2% năm 2014, nhưng vẫn yếu hơn nhiều tốc độ 3,8% hồi quý II.

 

Trong điều kiện bình thường, các nước tiên tiến sẽ tăng trưởng từ 3% hàng năm trở lên. Giai đoạn 1976 – 2007, tốc độ này ở Mỹ đạt trung bình 3,25%. Nhưng từ năm 2005, việc này đã không còn nữa.

 

“Hầu hết các nền kinh tế trên thế giới đang tăng trưởng rất chậm. Người ta không thể biết được hôm sau kinh tế thế giới sẽ khá lên hay xấu đi”, Susan Stern, nhà kinh tế thuộc tổ chức Economic Analysis Associates nhận xét.

 

Theo quan điểm của các chuyên gia, quá trình tăng tốc phục hồi ở Mỹ gặp rất nhiều trở ngại. Đó là tăng trưởng việc làm và tiền lương yếu, chủ trương tăng thuế an sinh xã hội, cắt giảm chi tiêu Chính phủ và cuộc chiến nâng trần nợ với Quốc hội. Nếu trần nợ không được nâng, Mỹ có thể rơi vào cảnh vỡ nợ vào giữa tháng 10, khiến nước có nguy cơ bị hạ tín nhiệm.

 

Tỷ lệ thất nghiệp của Mỹ cũng sẽ không quay lại được mức của một nền kinh tế khỏe mạnh, tức từ 5% - 6%, trước năm 2015. Có lẽ thời điểm này phải là năm 2016 hoặc xa hơn nữa. Tỷ lệ thất nghiệp hiện nay ở Mỹ là 7,3%. Con số này từng lên đến 10% trong thời kỳ suy thoái và đã giảm khá ổn định gần đây. Tuy nhiên, phần lớn tỷ lệ thất nghiệp giảm vì một lý do không mấy kích lệ: Ngày càng nhiều người bỏ tìm kiếm việc làm. Trong trường hợp này, Chính phủ sẽ không tính họ vào diện bị thất nghiệp.

 

Triển vọng ảm đạm tại nhiều nước tiên tiến cũng được áp lên các nền kinh tế mới nổi, sau nhiều năm tăng trưởng mạnh mẽ. Ví dụ, GDP Trung Quốc đã tăng chậm lại trong quý II xuống 7,5%. Tốc độ này vẫn được coi là bùng nổ theo chuẩn mực của các nước phát triển, nhưng là thấp nhất đối với Trung Quốc trong hai thập kỷ qua. Các nhà kinh tế trong khảo sát của AP dự đoán tình hình này sẽ không có nhiều thay đổi cho đến hết năm 2014.

 

Trong khi đó, các nhà kinh tế cũng lưu ý tình trạng lão hóa dân số có thể kìm hãm tăng trưởng ở Nhật Bản và châu Âu. Khi số người nghỉ hưu lớn hơn lao động trẻ tuổi, lực lượng lao động sẽ giảm đi và tăng trưởng kinh tế có xu hướng chậm lại.

 

Thủ tướng Shinzo Abe đã tìm cách hồi sinh nền kinh tế đang yếu ớt của Nhật bằng cách tăng chi tiêu Chính phủ và thúc đẩy Ngân hàng Trung ương khởi động mua trái phiếu. Những nỗ lực này đã dẫn đến sự bùng nổ tăng trưởng trong nửa đầu năm nay. Tuy nhiên, các nhà kinh tế đang lo ngại thuế tiêu dùng tăng trong năm tới sẽ kéo tụt những thành quả này.