VIB là một trong những ngân hàng sớm công bố hoàn thành kế hoạch kinh doanh 2020.

VIB là một trong những ngân hàng sớm công bố hoàn thành kế hoạch kinh doanh 2020.

Triển vọng kinh doanh của doanh nghiệp niêm yết: Lạc quan lan tỏa

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Ngoạn mục vượt qua sóng gió của năm 2020, nhiều doanh nghiệp dự kiến kế hoạch kinh doanh tăng trưởng cao trong năm nay.

Về đích 2020

Dù chưa đến thời hạn công bố báo cáo tài chính năm, nhưng con số ước tính doanh thu, lợi nhuận của doanh nghiệp đang được thị trường quan tâm. Năm 2020, nhiều ngành được dự báo sẽ có kết quả khởi sắc, trong đó phải kể đến nhóm ngân hàng, chứng khoán, công nghệ thông tin hay một số doanh nghiệp bất động sản…

Đối với nhóm ngân hàng, theo Fiin Group, trong quý IV/2020, NIM (chênh lệch giữa lãi suất cho vay và lãi suất huy động) của các ngân hàng ở mức cao do lãi suất huy động tiếp tục giảm.

Ngoài ra, lãi thuần từ hoạt động dịch vụ vẫn tăng trưởng so với quý trước đó, trong khi tỷ lệ chi phí trên thu nhập (CIR) cũng tăng trong quý cuối cùng như những năm trước. Các ngân hàng cũng sẽ cân đối kết quả kinh doanh với việc trích lập dự phòng trong quý IV/2020 để dự phòng cho tương lai khi Thông tư 01/2020/TT-NHNN hết hiệu lực.

Vì vậy, dự đoán lợi nhuận sau thuế của 21 ngân hàng niêm yết năm 2020 sẽ tăng 10,2% so với năm 2019, giảm đáng kể so với mức tăng trưởng các năm trước nhưng vẫn là mức khả quan so với một năm khó khăn như 2020. Một số ngân hàng đã công bố vượt kế hoạch lợi nhuận như ACB, VIB, Sacombank...

2020 cũng là năm thắng lớn với nhiều công ty chứng khoán. Công ty cổ phần Chứng khoán Agribank (AGR) ước tính đạt lợi nhuận trên 120 tỷ đồng, hoàn thành 140% kế hoạch được giao.

Cùng với chuyển biến tích cực về hiệu quả kinh doanh, giá cổ phiếu AGR của Agriseco từ đầu năm ghi nhận mức tăng 3 lần và thuộc Top những cổ phiếu có mức tăng giá mạnh nhất trên thị trường chứng khoán.

Doanh nghiệp cùng ngành là Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDS) thông báo, năm 2020, tổng doanh thu ước đạt 456 tỷ đồng, vượt 45% kế hoạch, lợi nhuận trước thuế ước đạt 180 tỷ đồng và sau thuế 144 tỷ đồng, gấp 4 lần kế hoạch và cũng là năm Công ty ghi nhận mức lợi nhuận cao nhất trong lịch sử.

Một số công ty chứng khoán thuộc Top đầu như Công ty Chứng khoán TP.HCM, VN Direct… cũng dự báo con số lợi nhuận tăng trưởng mạnh so với cùng kỳ và vượt xa so với kế hoạch, kết quả chính thức sẽ công bố trong tuần tới.

Trong bối cảnh ngành dầu khí toàn cầu tiếp tục chịu ảnh hưởng nặng nề từ “khủng hoảng kép” do dịch Covid-19, cả sức cầu và giá dầu đều giảm mạnh, bình quân giá dầu năm 2020 ở mức 44 USD/thùng, thấp hơn rất nhiều so với giá kế hoạch là 60 USD/thùng, nhiều doanh nghiệp trong ngành vẫn vượt chỉ tiêu lợi nhuận.

Ông Phạm Việt Anh, Tổng giám đốc Tổng công ty cổ phần Vận tải Dầu khí Việt Nam – PVTrans (mã PVT) cho biết, lợi nhuận hợp nhất năm 2020 của PV Trans ước đạt 955 tỷ đồng, bằng 170% so với kế hoạch đã được Đại hội đồng cổ đông thông qua.

Chưa đưa ra con số cụ thể về lợi nhuận nhưng theo Tổng công ty Khoan và Dịch vụ Khoan Dầu khí (mã PVD), tổng doanh thu hợp nhất ước đạt 5.400 tỷ đồng, vượt 15% kế hoạch năm. 9 tháng đầu năm 2020, PVD ghi nhận doanh thu thuần 4.409 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 110 tỷ đồng, thực hiện được 94% kế hoạch doanh thu và 184% chỉ tiêu lợi nhuận cả năm.

Trong một báo cáo phân tích giữa tháng 12/2020, VNDirect dự báo doanh thu hợp nhất năm 2020 của PVD đạt 5.400 tỷ đồng, tăng 23,6% so với cùng kỳ, tương đương 115,4% kế hoạch cả năm.

Tăng trưởng doanh thu đến từ đóng góp của ba giàn thuê và giá cho thuê các giàn tự nâng sở hữu ước tính tăng 7 - 9% so với cùng kỳ, bù đắp cho hiệu suất sử dụng trung bình giàn tự nâng giảm (73% so với 90% trong năm 2019).

Trong khi đó, Công ty cổ phần Điện lực Dầu khí - PV Power (mã POW) ước đạt doanh thu 30.472 tỷ đồng, vượt 7% kế hoạch năm; lợi nhuận sau thuế ước đạt 2.335 tỷ đồng, vượt 14% kế hoạch năm.

Không chỉ hoàn thành vượt mức chỉ tiêu lợi nhuận, PV Power cũng ghi nhận những bước tiến lớn trong triển khai các kế hoạch đầu tư dự án mới như phê duyệt dự án đầu tư và lựa chọn nhà thầu dự án Nhà máy nhiệt điện Nhơn Trạch 3&4; triển khai công tác thu xếp mặt bằng, thu xếp vốn và chuẩn bị lựa chọn nhà thầu EPC.

Doanh nghiệp cũng xúc tiến đầu tư các dự án điện khí LNG, thành lập Công ty Năng lượng tái tạo Điện lực Dầu khí (PV Power REC) để triển khai các dự án năng lượng tái tạo.

Những kịch bản lạc quan cho 2021

Vượt qua một năm mà nhiều doanh nghiệp, doanh nhân cho rằng “khó khăn chưa từng thấy” với kết quả khả quan, nhiều doanh nghiệp đang lên kế hoạch cho năm 2021 với mức tăng trưởng mạnh.

Đơn cử, Tổng công ty cổ phần Đầu tư phát triển Xây dựng (DIG) dự kiến trình cổ đông kế hoạch kinh doanh năm nay với doanh thu hợp nhất 2.750 tỷ đồng, tăng trưởng 6% so với ước thực hiện 2020; lợi nhuận trước thuế hợp nhất 1.550 tỷ đồng, tăng trưởng 115,27% so với con số ước tính 2020 và dự kiến trả cổ tức ở mức 20%.

Nhiều doanh nghiệp bất động sản cũng đang lên kế hoạch tăng trưởng tối thiểu 10% so với năm 2020. Riêng các doanh nghiệp bất động sản niêm yết thuộc phân khúc trung cấp, ngoài DIC Corp (mã DIG), còn có Khang Điền (mã KDH), Đất Xanh (mã DXG), Nam Long (mã NLG), Phát Đạt (mã PDR) có doanh số bán hàng tăng mạnh, tạo cơ sở ghi nhận doanh thu cao trong năm 2021 nếu tiến độ bàn giao đúng kế hoạch.

Theo Fiin Group, đối với ngành bất động sản, yếu tố tích cực cơ bản nhận thấy là lượng tiền người mua nhà trả trước của khách hàng tại cuối quý III/2020 ở nhiều doanh nghiệp tăng cao ở mức kỷ lục trong vòng 5 năm qua, cho thấy những doanh nghiệp này có cơ sở ghi nhận doanh thu cao trong năm 2021.

Ngoài ra, Nghị quyết 164/NQ-CP được kỳ vọng tháo gỡ “nút thắt” pháp lý liên quan đến thủ tục chấp thuận đầu tư dự án bất động sản, giúp tái khởi động nhiều dự án bị tạm dừng trong thời gian vừa qua.

Trong khi đó, bất động sản khu công nghiệp tiếp tục hưởng lợi từ sự dịch chuyển dòng vốn đầu tư trực tiếp vào Việt Nam.

Dự kiến trong năm 2021, riêng Công ty cổ phần Vinhomes (mã VHM) sẽ đóng góp 28,4% doanh thu và 66,5% lợi nhuận của nhóm bất động sản nhà ở.

Dự kiến trong năm 2021, riêng Công ty cổ phần Vinhomes (mã VHM) sẽ đóng góp 28,4% doanh thu và 66,5% lợi nhuận của nhóm bất động sản nhà ở. Động lực tăng trưởng của Vinhomes sẽ đến từ việc tiếp tục bàn giao tại 3 đại dự án Vinhomes Ocean Park, Vinhomes Smart City và Vinhomes Grand.

Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình (HBC) nhận định, lĩnh vực xây dựng có thể phục hồi từ năm 2022, hoặc sớm hơn là nửa cuối năm 2021 do Chính phủ có các chính sách hỗ trợ thị trường nhà ở.

Công ty ước tính lợi nhuận cả năm 2020 đạt 60 tỷ đồng, chỉ hoàn thành 48% kế hoạch đặt ra do tăng chi phí trích lập dự phòng khoản phải thu. Tuy nhiên, năm 2021, Ban lãnh đạo Công ty đặt mục tiêu doanh thu 13.500 tỷ đồng, tăng 8% và lợi nhuận sau thuế khoảng 270 - 300 tỷ đồng.

Triển vọng kinh doanh của nhóm ngân hàng được dự báo sẽ sáng sủa trong năm 2021. Theo Công ty cổ phần Quản lý Quỹ Dragon Capital, nền kinh tế Việt Nam đang dần hồi phục sau khi kiểm soát tốt dịch Covid-19.

Bước sang năm 2021, nền kinh tế Việt Nam sẽ được mở cửa hơn, đặc biệt là kỳ vọng vắc-xin Covid-19 xuất hiện trong 2 quý đầu năm này, giúp đà tăng trưởng kinh tế trở nên mạnh mẽ hơn.

Là “trụ đỡ” của nền kinh tế, ngành ngân hàng được đánh giá là một trong những động lực tăng trưởng chính trong năm tới.

Bởi khi nền kinh tế hồi phục, sức khỏe doanh nghiệp tốt lên, cầu vốn tín dụng cũng tăng dần. Sức hấp thụ vốn của nền kinh tế tăng trở lại sẽ tác động tích cực lên hoạt động tín dụng của ngành ngân hàng.

Dù nhìn nhận “thách thức vẫn còn rất lớn” và “chúng tôi tạm xây dựng kế hoạch lợi nhuận năm 2021 ở mức 600 - 700 tỷ đồng” – mức thấp hơn nhiều so với con số thực hiện của năm 2020, song Tổng giám đốc PV Trans Phạm Việt Anh cho biết, mục tiêu của Công ty vẫn là vượt so với kế hoạch.

Tin bài liên quan