Triển vọng khả quan cho các quỹ gọi vốn 2018

Triển vọng khả quan cho các quỹ gọi vốn 2018

(ĐTCK) Với bối cảnh nền kinh tế và diễn biến tích cực của thị trường chứng khoán hiện tại, trao đổi với Báo Đầu tư Chứng khoán, ông Bùi Sỹ Tân, Phó tổng giám đốc Công ty Quản lý quỹ Vietcombank (VCBF) cho rằng, cơ hội cho các quỹ gọi vốn sẽ rộng mở trong thời gian tới. 

Thị trường chứng khoán tiếp tục khởi sắc, nhu cầu đầu tư vào thị trường này đang có triển vọng tích cực. Theo ông, điều này có giúp cho các công ty quản lý quỹ, quỹ đầu tư thuận lợi trong huy động vốn thành lập các quỹ mới trong năm nay?

Chúng tôi nhận thấy bối cảnh thị trường hiện nay có nhiều khía cạnh tích cực. Thứ nhất, kinh tế tăng trưởng ổn định, lãi suất ngân hàng thấp, cùng với sự tăng trưởng khá bền vững của thị trường chứng khoán trong những năm qua đã thúc đẩy nhiều nhà đầu tư tìm đến chứng khoán.

Các quỹ mở trên thị trường nói chung, của VCBF nói riêng đạt lợi suất bình quân hơn 20%/năm trong 3 năm qua, gấp hơn 3 lần lãi suất tiết kiệm làm cho các nhà đầu tư đang đầu tư vào quỹ hài lòng. Điều này sẽ thu hút các nhà đầu tư mới hứng khởi quan tâm tìm hiểu cơ hội đầu tư vào các quỹ.

Triển vọng khả quan cho các quỹ gọi vốn 2018 ảnh 1

 Ông Bùi Sỹ Tân

Thứ hai, quy mô thị trường tăng lên, nhiều công ty mới lên sàn khiến thị trường ngày càng “có thể đầu tư được”, theo cách nói của một số nhà đầu tư nước ngoài. Khi đó, một mặt vốn nước ngoài vào nhiều hơn sẽ thúc đẩy thị trường, mặt khác, thị trường sẽ phân hoá với nhiều hàng hoá, nhiều thông tin khác nhau. Trong bối cảnh đó, nhà đầu tư sẽ tìm nhiều hơn đến quỹ mở để khai thác tính hệ thống, tính chuyên nghiệp của các quỹ trong hoạt động phân tích và đầu tư.

Thứ ba, trong bối cảnh các quỹ mở, trong đó có các quỹ của VCBF tập trung huy động vốn từ các nhà đầu tư cá nhân, chúng tôi nhận thấy lượng tiền tích lũy trong những năm kinh tế khởi sắc vừa qua hiện lớn và sẵn sàng tham gia thị trường chứng khoán. Trong khi đó, xu hướng mà chúng tôi nhận thấy ngày một rõ là quy mô của các quỹ mở đang được mở rộng.

Trên bình diện con số thống kê, tính đến năm 2017, cả nước mới có 21 quỹ mở với tổng tài sản quản lý gần 8.000 tỷ đồng, chiếm 0,15% GDP. Trong khi đó, ở châu Á, trung bình tổng tài sản hệ thống quỹ mở quản lý chiếm 9% GDP, còn nhiều nước ở khu vực Đông Nam Á, chẳng hạn như ở Indonesia và Philippines, nơi mà thị trường nhỏ hơn, thì quy mô của hệ thống quỹ mở cũng đạt khoảng 2,5% GDP. Do tiềm năng của thị trường quỹ đầu tư tại Việt Nam còn rất lớn, nên việc có nhiều quỹ mới sẽ được thành lập trong thời gian tới là điều chắc chắn.

Từ cuối năm 2017 đến nay, khối ngoại tích cực tham gia thị trường chứng khoán Việt Nam. Ông nhìn nhận gì về triển vọng hút dòng vốn ngoại tham gia các sản phẩm quỹ đầu tư nội địa do các công ty quản lý quỹ Việt Nam thành lập và quản lý?

Khối ngoại nhìn thấy những yếu tố để tham gia thị trường chứng khoán Việt Nam ngày một tích cực hơn. Là một công ty quản lý quỹ liên doanh, chúng tôi theo dõi rất sát sao dòng vốn nước ngoài. Như đã chia sẻ ở trên, chúng tôi nhận thấy tiềm năng rất lớn của thị trường Việt Nam.

Vì vậy, chúng tôi nghĩ rằng, cả dòng vốn ngoại và vốn nội đang ở trạng thái tích cực đối với các sản phẩm quỹ đầu tư nội địa, không chỉ riêng với chúng tôi.

Ông có cho rằng các sản phẩm quỹ hiện khá đơn điệu và tương đồng nhau giữa các công ty quản lý quỹ, nên chưa giúp các công ty này đa dạng trong thu hút các dòng vốn?

Kinh nghiệm của chúng tôi là thị trường cần có nhiều yếu tố để phát triển, khi đã phát triển thì phát triển rất nhanh. Các nước gần chúng ta với lịch sử phát triển quỹ mở khoảng 10 - 20 năm, thì ngành quỹ mở có quy mô đạt gần 10% GDP.

Thị trường quỹ nội địa Việt Nam mới ra các sản phẩm quỹ mở khoảng trên 4 năm trở lại đây, nên ở mức độ phát triển hiện nay thì các sản phẩm hiện tại là phù hợp. Đặc biệt chúng tôi nhận thấy hiểu biết của nhà đầu tư ngày càng cao về các sản phẩm đầu tư, cụ thể là sản phẩm phục vụ các mục tiêu tài chính dài hạn và các kế hoạch tài chính cá nhân trọn đời.

Đồng thời, nhà đầu tư cũng ngày càng hiểu rõ về mối quan hệ giữa lợi nhuận kỳ vọng và rủi ro. Thông tin về các quỹ ngày càng đến được với nhiều người. Khi các yếu tố này đạt đến mức độ nhất định, chúng tôi nghĩ là các sản phẩm phức tạp hơn, hay các sản phẩm có tính chất rủi ro hơn sẽ sớm ra đời. 

Khuôn khổ pháp lý hiện tại có gây khó cho các công ty quản lý quỹ trong thiết kế đa dạng các sản phẩm quỹ không?

Khi khuôn khổ pháp lý về quỹ hưu trí ra đời và có hướng dẫn cụ thể, cùng với hạ tầng để vận hành quỹ hưu trí hoàn thiện thì đó sẽ là một yếu tố thuận lợi rất lớn đối với thị trường quỹ mở.

Ngoài ra, còn khó khăn nào khác khiến các công ty quản lý quỹ khó gọi vốn để lập quỹ mới?

Như tôi đã chia sẻ, khó khăn của chúng ta là thời gian để gia tăng sự hiểu biết của nhà đầu tư, thời gian để thị trường phát triển lên mức độ “có thể đầu tư được” cao hơn. Khi đó, thị trường sẽ có nhu cầu đa dạng, có các công cụ đầu tư phù hợp với các nhu cầu đó. Sự kết hợp giữa các công cụ đầu tư đó sẽ hình thành các sản phẩm quỹ hiện đại để phục vụ nhu cầu đầu tư đa dạng của nhà đầu tư.

Để vượt quá những khó khăn, hạn chế trên, ông có nhận thấy các công ty quản lý quỹ đang làm mới quá trình nghiên cứu, thiết kế các sản phẩm quỹ đầu tư, để hấp dẫn nhà đầu tư?

Nhận thấy những hạn chế trên, chúng tôi không những cùng với các công ty quản lý quỹ khác làm mới quá trình nghiên cứu, thiết kế các sản phẩm quỹ đầu tư phù hợp mà còn tham gia vào việc phát triển thị trường và đào tạo, truyền bá thông tin tới thị trường.

Mục tiêu hiện tại của chúng tôi là giới thiệu sản phẩm tới các đối tượng chưa đầu tư quỹ để gia tăng mức độ phủ rộng của quỹ, sau đó sẽ tăng mức độ phủ sâu bằng các sản phẩm khác phức tạp hơn. Chúng tôi cũng đang tiến hành cải tiến quy trình đầu tư vào quỹ mở của VCBF được dễ dàng, tiện lợi hơn.

Ngoài "làm mới" sản phẩm, để hấp dẫn các dòng vốn tham gia đầu tư qua quỹ, các công ty quản lỹ quỹ đang và sẽ triển khai những hình thức gọi vốn mới nào?

Cách làm của các công ty quản lý quỹ khá đa dạng. Ở VCBF, năm ngoái, chúng tôi đã giới thiệu sản phẩm mới VCBF Premier hướng đến các doanh nhân, tỷ phú Việt Nam có nhiều tiền nhàn rỗi, nhưng lại bận rộn điều hành kinh doanh riêng với mức vốn ủy thác từ 10 tỷ đồng trở lên.

Ngoài ra, đây cũng là một kênh đầu tư tiềm năng cho các doanh nghiệp có nhiều nguồn vốn nhàn rỗi. Từ khi được giới thiệu, sản phẩm của chúng tôi nhận được sự quan tâm khá lớn. Chúng tôi cũng sẽ đa dạng hoá cách gọi vốn bằng việc giới thiệu kênh đầu tư trái phiếu tới các cá nhân, qua đó gia tăng cơ hội đầu tư cho các nhà đầu tư này.

Theo ông, cơ quan quản lý, mà trực tiếp là Bộ Tài chính, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, cần triển khai các giải pháp nào để tiếp sức cho ngành quỹ phát triển nói chung, các quỹ đầu tư thuận lợi hơn trong phát triển, cũng như gọi thêm vốn để thành lập các quỹ mới nói riêng?

Chúng tôi nghĩ các giải pháp về cơ bản là ưu đãi thuế trong giai đoạn đầu phát triển đối với quỹ mở và quỹ hưu trí. Đồng thời, hạ tầng đầu tư cũng quan trọng như cải thiện thủ tục đầu tư cho nhà đầu tư trong nước và nước ngoài tham gia quỹ mở dễ dàng hơn (đầu tư online), chuẩn hoá danh sách các nhà cung cấp dịch vụ (như ngân hàng lưu ký, ngân hàng giám sát, nhà phân phối), vận hành cơ quan xếp hạng quỹ hoặc cung cấp thông tin về quỹ trên website của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước.

Cùng với đó là thúc đẩy thị trường bằng cách tạo thêm hàng hoá, thúc đẩy tiến trình cổ phần hoá, mở rộng thị trường cổ phiếu và trái phiếu doanh nghiệp. Ngoài ra, giải pháp về đào tạo như tăng cường đào tạo chứng khoán và quỹ, kể cả đưa thêm chương trình dạy về kinh tế và quản lý tài chính cá nhân vào các trường đại học và tiến tới là trường trung học.

Tin bài liên quan