Triển vọng dùng vốn ngoại để tái cấu trúc ngân hàng

Triển vọng dùng vốn ngoại để tái cấu trúc ngân hàng

(ĐTCK) Đề án Cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng (TCTD) giai đoạn 2011 - 2015 nêu rõ, sẽ xem xét cho phép TCTD nước ngoài mua lại, sáp nhập TCTD yếu kém của Việt Nam và tăng giới hạn sở hữu cổ phần TCTD nước ngoài tại các ngân hàng TMCP yếu kém được cơ cấu lại. Tuy nhiên, thu hút các nhà đầu tư ngoại tham gia tái cơ cấu các TCTD yếu kém là không dễ dàng, có thể phải sau năm 2015.

Cần nhưng không dễ

“Việc tham gia của nhà đầu tư nước ngoài là cần thiết, bởi khi có sự tham gia của nhà đầu tư nước ngoài với sự hỗ trợ về vốn, công nghệ, kỹ năng quản trị…, quá trình tái cơ cấu có thể diễn ra nhanh hơn, hiệu quả hơn”, TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế nhận định.

Nhìn nhận tầm quan trọng của vốn ngoại trong việc tái cơ cấu hệ thống TCTD, đặc biệt là các TCTD yếu kém, ngay từ đầu năm 2014, Chính phủ đã ban hành Nghị định 01/2014/NĐ-CP quy định về việc nhà đầu tư nước ngoài mua cổ phần của các TCTD Việt Nam. Theo đó, trong trường hợp đặc biệt, Thủ tướng Chính phủ sẽ quyết định tỷ lệ sở hữu cổ phần của một tổ chức nước ngoài, một nhà đầu tư chiến lược nước ngoài. Tổng mức sở hữu cổ phần của các nhà đầu tư nước ngoài tại một TCTD cổ phần yếu kém được cơ cấu lại có thể vượt quá giới hạn quy định tại Nghị định 01 đối với từng trường hợp cụ thể.

“Trong trường hợp của GP Bank, việc bán 100% cổ phần cho nhà đầu tư nước ngoài là hoàn toàn có thể khi được sự cho phép của Thủ tướng, NHNN”, TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia kinh tế nói.

TS. Hiếu phân tích, các định chế tài chính nước ngoài (bên mua) chỉ chấp nhận đầu tư vào các thương vụ và tài sản có tiềm năng, có khả năng sinh lời nhanh. Việc đầu tư vào một TCTD yếu kém thậm chí có thể ảnh hưởng đến uy tín và thương hiệu của bên mua, nhìn chung không thuộc “khẩu vị” đầu tư của các định chế tài chính quy mô lớn. Do đây không phải là một thương vụ truyền thống và phổ biến với những định chế tài chính này, nên quá trình thẩm định và thương lượng kéo dài, gây khó khăn cho các bên liên quan.

Nhìn nhận ở góc độ bên bán, một chuyên gia kinh tế khác cho rằng, về lý thuyết, việc kêu gọi vốn ngoại tham gia tái cơ cấu các TCTD yếu kém là chủ trương đúng, nhưng mọi việc cũng không phải là dễ dàng.

GP Bank vẫn đang đàm phán bán 100% cổ phần cho Tập đoàn UOB (Singapore)

Kỳ vọng sau năm 2015

Kinh nghiệm xử lý nợ xấu ở Hàn Quốc trong giai đoạn đầu cho thấy, bên mua nợ xấu nói chung không phải là các ngân hàng thương mại, mà là các quỹ đầu tư mạo hiểm. Sau khi mua lại một ngân hàng yếu kém, họ tiến hành thuê một đội ngũ chuyên gia vào xử lý và từng bước vực dậy ngân hàng được mua.

Cũng cần lưu ý tới một nét đặc thù của các TCTD yếu kém tại Việt Nam là việc cho vay với khách hàng là các bên liên quan khá phổ biến, do đó, nếu có nhà đầu tư nước ngoài vào tiến hành thẩm định chi tiết trước khi mua cổ phần, việc xử lý và đánh giá về tài chính thường không đạt được kết quả khả quan theo tiêu chuẩn quốc tế của bên mua.

Như vậy, việc tham gia của nhà đầu tư nước ngoài vào quá trình tái cơ cấu các TCTD Việt Nam có thể được thực hiện với những đối tượng nào, trong giai đoạn cụ thể nào? Hiện khái niệm “TCTD yếu kém” còn mang tính tương đối và khái niệm này cần được hiểu dưới nhiều góc độ khác nhau. Tình hình kinh tế trong nước khó khăn cùng với việc xử lý vấn đề sở hữu chéo trong hệ thống ngân hàng thương mại Việt Nam có thể dẫn đến một thực trạng: một số ngân hàng thương mại tuy chưa gặp khó khăn, yếu kém về tài chính, nhưng vẫn tiềm ẩn rủi ro về quản trị, cơ cấu sở hữu… Những TCTD đó cũng cần tái cơ cấu không kém các TCTD được Quyết định 254 liệt vào nhóm “TCTD yếu kém”. Do đó, NHTM cần chủ động phát hiện và xử lý những tồn tại, hạn chế của mình trước khi lâm vào tình trạng yếu kém phải xử lý theo quy định của pháp luật.

Tổng giám đốc một ngân hàng thương mại nêu quan điểm, việc nhà đầu tư nước ngoài tham gia vào quá trình tái cơ cấu ở ngay thời điểm TCTD chưa thực sự lâm vào khó khăn tài chính có thể đem lại nhiều lợi ích hơn cho các bên liên quan: bên mua có động lực hơn khi đánh giá, thẩm định về mặt tài chính, bên bán tránh được nguy cơ bị ép giá và những thiệt hại phát sinh nếu tự mình tái cơ cấu khi quá trễ, hệ thống TCTD Việt Nam cũng tránh được nguy cơ bất ổn do những TCTD yếu kém, mất thanh khoản gây ra.

Với quan điểm nhìn toàn cảnh và dài hạn về quá trình tái cơ cấu hệ thống ngân hàng thương mại Việt Nam, cần có một chính sách thông thoáng hơn về sự tham gia của nhà đầu tư nước ngoài. Theo đó, có thể xem xét cho phép bên nước ngoài tham gia quá trình tái cơ cấu với nhóm đối tượng rộng hơn, vào những thời điểm sớm hơn (không đợi tới khi TCTD rơi vào khó khăn tài chính).

“Quá trình tái cơ cấu không nên chỉ tập trung vào những ngân hàng đã được xác định là yếu kém và có khó khăn về tài chính, mà còn phải tạo cơ chế giúp các ngân hàng thương mại hiện thời chưa bị yếu kém nhưng đã có những dấu hiệu “không lành mạnh” không trượt sâu vào tình trạng xấu hơn tình trạng hiện tại của họ. Với một cơ chế thông thoáng và sự tham gia của nhà đầu tư nước ngoài như trên, quá trình tái cơ cấu hệ thống ngân hàng thương mại Việt Nam sẽ diễn ra nhanh hơn, hiệu quả hơn”, vị tổng giám đốc trên nhấn mạnh.

“Tôi không kỳ vọng dòng vốn ngoại sẽ tham gia tái cơ cấu các TCTD yếu kém trong nước, mà sẽ tìm ngân hàng khỏe mạnh để đầu tư. Tái cấu trúc hệ thống TCTD trong giai đoạn 1 có lẽ phải sang năm 2015 mới kết thúc và giai đoạn này chúng ta phải dùng nội lực để tái cơ cấu. Sau đó, từ năm 2016 bắt đầu giai đoạn 2 khi năng lực tài chính các TCTD được tăng cường, lành mạnh và mới mẻ, lúc đó dòng vốn ngoại mới quay lại hệ thống ngân hàng”, TS. Hiếu nói. 

Bài viết này nằm trong Đặc san Toàn cảnh Ngân hàng Việt Nam 2014, do Báo Đầu tư Chứng khoán - Báo Đầu tư xuất bản ngày 5/5/2014. Tinnhanhchungkhoan.vn sẽ lần lượt đăng tải bài viết của Đặc san này trong thời gian tới.

Quý vị độc giả có thể theo dõi tất cả các bài viết trong Đặc san tại:Toàn cảnh ngân hàng Việt Nam 2014: “Đón vận hội mới”

Tin bài liên quan