Ông có thể cho biết, việc triển khai IFRS tại Việt Nam hướng đến mục tiêu nào?
Áp dụng IFRS tại Việt Nam đem lại lợi ích cho cho cả nền kinh tế, doanh nghiệp và người sử dụng báo cáo tài chính (BCTC).
Đối với nền kinh tế, triển khai IFRS góp phần thiết lập hệ thống công cụ quản lý hữu hiệu, đáp ứng yêu cầu quản lý kinh tế của nhà nước trong thời kỳ hội nhập, phục vụ quá trình cải cách thể chế của Chính phủ.
Triển khai IFRS là một trong những yếu tố để các tổ chức quốc tế xem xét, đánh giá và nâng hạng cho thị trường chứng khoán Việt Nam do thông tin tài chính của doanh nghiệp niêm yết được trình bày đầy đủ, trung thực và minh bạch hơn so với hệ thống chuẩn mực kế toán Việt Nam hiện hành.
Ông Trịnh Đức Vinh, Phó cục trưởng Cục Quản lý giám sát kế toán - kiểm toán (Bộ Tài chính).
Cơ sở dữ liệu đánh giá về thực trạng tài chính và hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp được cập nhật thường xuyên, liên tục một cách thận trọng, đề cao sự ổn định và an toàn tài chính lên trên mục tiêu lợi nhuận.
IFRS hướng đến việc trình bày thông tin tài chính sát với diễn biến của thị trường, từ đó giúp cho việc đưa ra các dự báo trong tương lai đạt hiệu quả cao hơn...
Trên khía cạnh lợi ích đối với doanh nghiệp, áp dụng IFRS góp phần nâng cao tính trung thực, minh bạch của của báo cáo tài chính, trách nhiệm giải trình của doanh nghiệp.
Theo quy định của hầu hết các nhà tài trợ quốc tế và cơ quan quản lý chứng khoán nước ngoài, việc trình bày thông tin tài chính theo chuẩn quốc tế là điều kiện bắt buộc nếu doanh nghiệp muốn niêm yết hoặc phát hành công cụ nợ trên thị trường quốc tế.
Do đó, cho phép áp dụng IFRS sẽ đáp ứng nhu cầu niêm yết trên thị trường quốc tế, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp huy động vốn với chi phí thấp từ các định chế tài chính quốc tế...
Với người sử dụng báo cáo tài chính, áp dụng IFRS sẽ giúp tăng cường niềm tin và bảo vệ quyền lợi hợp pháp của các nhà đầu tư, chủ nợ và công chúng do IFRS yêu cầu báo cáo tài chính của các doanh nghiệp phải được trình bày cho mục đích chung một cách trung thực, hợp lý và minh bạch, mà không phụ thuộc vào ý chí chủ quan của ban lãnh đạo doanh nghiệp khi cố tình phản ánh không trung thực tình hình tài chính của doanh nghiệp nhằm đi vay, đẩy giá cổ phiếu hoặc che dấu những khoản lợi nhuận để hưởng lợi về thuế...
Lợi ích là vậy, nhưng nhiều doanh nghiệp cho rằng họ khó đáp ứng các yêu cầu trong thời gian ngắn, Bộ Tài chính có giải pháp gì để đảm bảo tính khả thi cho triển khai IFRS?
Đúng là do chưa được đào tạo về IFRS, nên phần lớn các doanh nghiệp chưa thật sự sẵn sàng áp dụng, mà cần thời gian để chuẩn bị các điều kiện về nhân lực, nâng cấp hệ thống thông tin, phần mềm.
Theo kinh nghiệm của các doanh nghiệp Nhật Bản và châu Âu, để đảm bảo tính khả thi, doanh nghiệp cần phải có một khoảng thời gian chuẩn bị cần thiết, thường là từ 2-3 năm kể từ thời điểm công bố để chuyển đổi từ việc áp dụng Chuẩn mực quốc gia sang IFRS.
Bởi vậy, để đảm bảo tính khả thi, việc áp dụng IFRS tại Việt Nam được chia thành 3 giai đoạn: Đầu tiên là giai đoạn chuẩn bị từ năm 2020 đến 2021, tiếp đến là giai đoạn áp dụng tự nguyện từ năm 2022 đến 2025, giai đoạn cuối là từ sau năm 2025 thì mới áp dụng bắt buộc với một số đối tượng. Điều đó có nghĩa là có đủ thời gian cho doanh nghiệp chuẩn bị các yếu tố để áp dụng IFRS khả thi.
Đáng chú ý, ở giai đoạn thứ hai là áp dụng tự nguyện IFRS, chỉ các doanh nghiệp là công ty mẹ của tập đoàn kinh tế nhà nước quy mô lớn, các công ty mẹ là công ty niêm yết, công ty đại chúng quy mô lớn là công ty mẹ chưa niêm yết... có nhu cầu và đủ nguồn lực thì mới áp dụng IFRS để lập báo cáo tài chính hợp nhất, từ sau năm 2025 mới bắt buộc các doanh nghiệp này áp dụng IFRS.
Đối với lập báo cáo tài chính riêng, trên cơ sở đánh giá tình hình thực hiện áp dụng IFRS của giai đoạn 2, căn cứ nhu cầu, khả năng sẵn sàng của các doanh nghiệp, pháp luật có liên quan và tình hình thực tế, Bộ Tài chính sẽ quy định phương án, thời điểm áp dụng bắt buộc hoặc tự nguyện IFRS để lập báo cáo tài chính riêng cho từng nhóm đối tượng, đảm bảo tính hiệu quả và khả thi.
Cơ sở nào để nhà quản lý đưa ra định hướng áp dụng IFRS trước với các doanh nghiệp niêm yết, thưa ông?
IFRS là bộ chuẩn mực mang tính mực thước (mặc dù chưa thật sự hoàn hảo), cung cấp được phần lớn các thông tin tài chính mà nhà đầu tư bên ngoài doanh nghiệp mong muốn, đáp ứng được nhu cầu quản trị của những doanh nghiệp có quy mô lớn, nên hầu hết quốc gia trên thế giới đều có xu hướng áp dụng IFRS cho các đơn vị có lợi ích công chúng.
Tuy nhiên, để triển khai IFRS hiệu quả, doanh nghiệp cần phải có tiềm lực kinh tế và nguồn nhân lực đủ mạnh.
Việt Nam hiện có hơn 700 công ty niêm yết trên 2 Sở GDCK Hà Nội (HNX) và Sở GDCK TP.HCM (HOSE), cùng với gần 900 công ty đăng ký giao dịch trên sàn UPCoM, chưa kể một số lượng lớn công ty đại chúng quy mô lớn chưa niêm yết khác.
Các doanh nghiệp này có ảnh hưởng đáng kể đến công chúng và nền kinh tế, nên việc áp dụng IFRS trước hết sẽ góp phần công khai, minh bạch thông tin tài chính theo chuẩn quốc tế, bảo vệ lợi ích công chúng, nhà đầu tư...
Để đưa ra định hướng chính sách IFRS áp dụng với một số đối tượng doanh nghiệp tại Việt Nam, trong đó có các công ty niêm yết, Bộ Tài chính đã có quá trình nhiều năm khảo sát kỹ lưỡng, lắng nghe ý kiến từ các doanh nghiệp.
Cụ thể, tại hội thảo tiếp thu ý kiến cho hoàn thiện cơ chế áp dụng IFRS năm 2016, Bộ Tài chính đã tổ chức lấy ý kiến thăm dò của đại biểu tham dự tại hội thảo là đại diện từ các công ty niêm yết, các doanh nghiệp nhà nước, các đơn vị có lợi ích công chúng khác thuộc lĩnh vực ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm..., thì có 190/198 ý kiến cho rằng việc áp dụng IFRS là vấn đề cấp thiết và rất cấp thiết, chỉ có 8/198 ý kiến cho rằng vấn đề này chưa thật sự cấp thiết.
Đến hội thảo có nội dung tương tự năm 2018, có 190/191 ý kiến cho rằng đây là vấn đề cấp thiết và rất cấp thiết, chỉ có 1 ý kiến cho rằng đây là vấn đề không cấp thiết. Điều đó cho thấy nhu cầu áp dụng IFRS tại Việt Nam là thực tế khách quan, đặc biệt là với khối doanh nghiệp niêm yết, doanh nghiệp đại chúng quy mô lớn và các doanh nghiệp FDI...
Vì sao Bộ Tài chính lựa chọn phương án áp dụng tất cả IFRS tại cùng một thời điểm, mà không áp dụng từng chuẩn mực hoặc nhóm chuẩn mực theo lộ trình?
Các chuẩn mực IFRS có mối quan hệ mật thiết, ràng buộc với nhau chứ không đứng riêng rẽ, tách biệt. Ví dụ, khi doanh nghiệp muốn áp dụng IFRS 09 về công cụ tài chính, thì bắt buộc phải áp dụng cả IFRS 13 về giá trị hợp lý, IAS 36 về tổn thất tài sản...
Hay khi áp dụng IAS 16 về nhà xưởng, máy móc, thiết bị, thì doanh nghiệp phải áp dụng cả IFRS 05 về tài sản dài hạn nắm giữ để bán và hoạt động không liên tục, IAS 36...
Mặt khác, nhiều báo cáo tài chính hiện có cả chỉ tiêu được lập theo IFRS và Chuẩn mực kế toán Việt Nam (VAS), nếu không áp dụng đồng thời tất cả các chuẩn mực thì sẽ không so sánh được giữa các chỉ tiêu ngay trên cùng một báo cáo của một doanh nghiệp, do IFRS hướng đến việc ghi nhận, trình bày tài sản và nợ phải trả theo giá trị hợp lý, giá trị hiện tại..., còn VAS hướng đến ghi nhận và trình bày theo giá gốc.
Vì vậy, doanh nghiệp nếu đã chọn IFRS thì phải áp dụng theo nguyên tắc nhất quán trong cả năm tài chính và phải áp dụng tất cả các IFRS đã có hiệu lực theo quy định của Ủy ban Chuẩn mực báo cáo tài chính quốc tế (IASB) tại cùng một thời điểm.
Đối với các chuẩn mực được IASB ban hành mới, dự kiến sẽ tự động áp dụng tại Việt Nam sau 12 tháng kể từ thời điểm hiệu lực do IASB quy định.
Do doanh nghiệp sẽ phải thường xuyên đánh giá lại một số tài sản và nợ phải trả, nên khi áp dụng IFRS sẽ làm gia tăng khoảng cách giữa lợi nhuận kế toán và thu nhập chịu thuế.
Vì vậy, doanh nghiệp sẽ phải trình bày, thuyết minh chi tiết trong báo cáo tài chính đối với các nội dung khác biệt giữa lợi nhuận kế toán và thu nhập chịu thuế (nếu có). Doanh nghiệp thực hiện việc kê khai, nộp thuế theo quy định của pháp luật về thuế.
Về phần mình, Bộ Tài chính dự kiến ban hành các tiêu chí, hướng dẫn để đánh giá các thông tin tài chính của doanh nghiệp, đảm bảo tính so sánh giữa doanh nghiệp áp dụng và doanh nghiệp không áp dụng IFRS.
Đồng thời, công bố danh sách doanh nghiệp tự nguyện hoặc bắt buộc áp dụng IFRS lập báo cáo tài chính hợp nhất hoặc riêng lẻ trên Cổng thông tin điện tử của Bộ để việc triển khai được công khai, hiệu quả.
Theo Đề án, Ủy ban chứng khoán Nhà nước (UBCK) chịu trách nhiệm phối hợp với các đơn vị liên quan đánh giá tác động và kết quả áp dụng IFRS tại các đơn vị lựa chọn áp dụng tự nguyện thuộc lĩnh vực quản lý; phối hợp với Cục Quản lý giám sát kế toán - kiểm toán và các đơn vị liên quan xác định nhu cầu, khả năng sẵn sàng của các đơn vị thuộc lĩnh vực quản lý, đề xuất lộ trình và phương án áp dụng bắt buộc IFRS phù hợp với thực tiễn.
UBCK chủ trì và phối hợp với các đơn vị liên quan thực hiện giám sát báo cáo tài chính của các doanh nghiệp niêm yết, có lợi ích công chúng; phối hợp với Cục Quản lý giám sát kế toán - kiểm toán và các đơn vị liên quan xây dựng tài liệu hướng dẫn chuyên môn, nghiệp vụ để giúp các doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận, thực hiện IFRS.