Trích dự phòng nợ xấu tăng mạnh, ACB vẫn báo lãi hơn 3.104 tỷ đồng quý I/2021

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) ACB vừa công bố báo cáo tài chính quý I/2021, với lợi nhuận trước thuế đạt hơn 3.104 tỷ đồng sau thuế đạt 2.483 tỷ đồng, tăng trưởng 51,5% so với một năm trước. Trong khi, dự phòng rủi ro phải trích gấp 6,5 lần so cùng kỳ. 
Trích dự phòng nợ xấu tăng mạnh, ACB vẫn báo lãi hơn 3.104 tỷ đồng quý I/2021

Theo đó, lãi thuần từ hoạt động dịch vụ và kinh doanh ngoại hối lần lượt tăng 68,7% và 37,3%, đem về 625 tỷ đồng và 196 tỷ đồng.

Đáng chú ý, trong kỳ này lãi thuần từ mảng chứng khoán kinh doanh tăng đột biến lên 114 tỷ đồng, cao gấp gần 8 lần so cùng kỳ năm trước.

Trong khi đó, mảng chứng khoán đầu tư lại không gặp nhiều khả quan khi lãi thuần từ hoạt động này giảm mạnh 86% xuống 48,9 tỷ đồng. Bên cạnh đó, lãi thuần từ các hoạt động kinh doanh khác cũng giảm tới 39,2% xuống 49 tỷ đồng.

Tổng thu nhập ACB quý I/2021 đạt hơn 5.675 tỷ đồng, tăng 29,6%. ACB còn cắt giảm được 16,7% chi phí hoạt động so với cùng kỳ.

Trong quý này ACB tăng mạnh trích lập gần 606 tỷ đồng, chi phí dự phòng rủi ro tín dụng gấp 6,5 lần cùng kỳ năm trước.

Tuy nhiên, ACB vẫn báo lãi trước và sau thuế tăng 61% và 62% so cùng kỳ, đạt hơn 3.204 tỷ đồng và hơn 2.483 tỷ đồng.

Tổng tài sản tại ngày 31/3 đạt khoảng 449.500 tỷ đồng, tăng 5.000 tỷ đồng so với ngày đầu năm. Trong đó, vốn chủ sở hữu ghi nhận gần 37.930 tỷ. Cho vay khách hàng 320.755 tỷ, tăng xấp xỉ 4% so với ngày 1/1.

Tỷ lệ nợ xấu cuối kỳ là 0,91%, tương ứng với tổng giá trị nợ nhóm 3-5 là 2.954 tỷ đồng - tăng 60% so với đầu năm. Riêng giá trị nợ có khả năng mất vốn là 1.858 tỷ đồng, tăng 53%.

Lợi nhuận trước thuế khoảng 10.602 tỷ đồng, tăng hơn 10% so với kết quả năm 2020. Lợi nhuận sau thuế dự kiến là 8.482 tỷ đồng. Tỷ lệ nợ xấu kiểm soát dưới 2%.

Dự kiến sau khi trích lập các quỹ cho năm 2021, ACB sẽ còn hơn 7.009 tỷ đồng và sẽ dùng gần 6.755 tỷ đồng để chia cổ tức cho năm 2021 với tỷ lệ 25% bằng cổ phiếu.

Về kế hoạch tăng vốn, ĐHCĐ thường niên 2021 của ACB thông qua việc dùng 5.404 tỷ để chia cổ tức 2020 bằng cổ phiếu tăng vốn, tức tỷ lệ 25%.

Thời gian dự kiến hoàn thành việc tăng vốn điều lệ là quý 3/2021. Sau khi hoàn tất, vốn điều lệ của ACB sẽ tăng từ 21.615 tỷ đồng lên 27.019 tỷ đồng.

Chốt phiên giao dịch ngày 23/4, giá cổ phiếu ACB đứng ở mức 33.400 đồng/cổ phiếu, với khối lượng giao dịch trên 6,6 triệu đơn vị.

HĐQT ACB vừa phê duyệt phương án phát hành trái phiếu riêng lẻ lần 2 trong năm tài chính 2021 với tổng mệnh giá tối đa 4.000 tỷ đồng.

Trái phiếu thuộc loại không chuyển đổi, không kèm chứng quyền, không được đảm bảo bằng tài sản và không phải là nợ thứ cấp của ACB.

Tổng khối lượng phát hành là 4.000 trái phiếu với mệnh giá mỗi trái phiếu là 1 tỷ đồng. Giá phát hành dự kiến bằng mệnh giá. Trái phiếu có kỳ hạn 3 năm, được chia làm 4 đợt phát hành.

Lãi suất sẽ cố định trong suốt thời hạn trái phiếu, mức lãi suất cụ thể sẽ được quyết định tùy theo điều kiện thị trường, nhu cầu của nhà đầu tư và phương án phát hành.

Công ty Chứng khoán ACBS (trực thuộc ACB) sẽ là tổ chức tư vấn và đại lý phát hành, đồng thời là đại lý lưu ký và thanh toán trái phiếu.

Tin bài liên quan