Đơn cử, trong 5 vụ án điển hình thi hành án gồm vụ Dương Trí Dũng, vụ Giang Kim Đạt, vụ Hà Văn Thắm, vụ Huỳnh Thị Huyền Như và vụ Phạm Công Danh, tổng số tiền thi hành án là 16.847 tỷ đồng, nhưng đến nay mới thi hành được 5.331 tỷ đồng, trong đó chủ yếu đến từ số tiền thi hành tại vụ Phạm Công Danh với hơn 5.200 tỷ đồng nhờ cho giải chấp 124 sổ tiết kiệm. Còn lại 4 vụ án, số tiền thi hành án rất thấp, chỉ đạt khoảng 2%.
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến trình trạng này, chẳng hạn tài sản kê biên, phong tỏa không nhiều so với số phải thi hành án, tài sản trong diện tranh chấp hoặc phải chờ ý kiến địa phương...
Điều này khiến việc thi hành án bị chậm trễ, thậm chí nhiều khi còn phát sinh tranh chấp mới. Ví dụ như trường hợp thi hành án vụ án Hà Văn Thắm.
Tháng 4/2018, Tòa án nhân dân cấp cao tại TP. Hà Nội đã đưa ra xét xử theo trình tự phúc thẩm vụ án Hà Văn Thắm và đồng phạm. Bên cạnh hình phạt tù, tòa án còn ra quyết định đối với phần trách nhiệm dân sự, bao gồm nghĩa vụ bồi thường và xử lý nhiều tài sản.
Bản án phúc thẩm có hiệu lực kể từ ngày được tuyên án, nhưng đến nay việc thực thi phần dân sự vẫn còn nhiều khúc mắc. Được biết, tháng 8/2018, Cục Thi hành án dân sự TP. Hà Nội đã ra Quyết định số 41 về cưỡng chế thi hành án dân sự để cưỡng chế, kê biên, xử lý tài sản của ông Hà Văn Thắm, nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị Ngân hàng Thương mại cổ phần Đại Dương (Oceanbank), trong đó gần 69 triệu cổ phiếu OGC của Công ty cổ phần Tập đoàn Đại Dương (Oceanbank là cổ đông lớn của OGC) đứng tên Doanh nghiệp tư nhân Hà Bảo (ông Thắm là chủ doanh nghiệp) và hơn 3,3 triệu cổ phiếu OGC đứng tên ông Hà Văn Thắm. Số cổ phiếu này tương đương với 24,0374% vốn điều lệ của OGC.
Cũng theo quyết định này, ông Hà Văn Thắm và Doanh nghiệp tư nhân Hà Bảo không được chuyển nhượng số cổ phần nêu trên cho đến khi thi hành xong bản án, hoặc có quyết định khác của cơ quan Thi hành án dân sự TP. Hà Nội.
Căn cứ vào Quyết định 41, tại Đại hội đồng cổ đông của OGC, Đoàn Chủ tịch đã từ chối yêu cầu thực hiện quyền cổ đông của Doanh nghiệp tư nhân Hà Bảo. Chủ tọa Đại hội cho rằng, việc chấm dứt quyền cổ đông của ông Thắm và Doanh nghiệp tư nhân Hà Bảo không thuộc trách nhiệm của Hội đồng quản trị OGC, đây là các quyết định của cơ quan nhà nước, Hội đồng quản trị OGC chỉ thông báo việc này cho cổ đông. Khối tài sản là cổ phần OGC đã thuộc về Nhà nước.
Được biết, tại cuộc họp cổ đông nêu trên, OGC đã miễn nhiệm một thành viên Hội đồng quản trị là ông Hà Trọng Nam, anh trai ông Hà Văn Thắm và bầu bổ sung 2 thành viên khác.
Ngay sau đại hội, Doanh nghiệp tư nhân Hà Bảo đã khởi kiện ra Tòa án nhân dân Quận Ba Đình đề nghị tòa án hủy Nghị quyết Đại hội đồng cổ đông nói trên. Tiếp đó, Tòa án đã ra quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời, yêu cầu cấm thực hiện Nghị quyết Đại hội đồng cổ đông thường niên 2018 cho đến khi có quyết định khác vì cho rằng việc thực hiện Nghị quyết sẽ ảnh hưởng đến quá trình giải quyết vụ án, ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của các đương sự.
Đáp trả lại, OGC thực hiện thủ tục khiếu nại, yêu cầu hủy quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời với lý do không có cơ sở và không cần thiết, thủ tục ra quyết định sai quy định...
Như vậy, vụ việc đã ra đến cửa tòa và phải trải qua quá trình tố tụng dân sự. Việc này có thể kéo dài nhiều tháng, thậm chí cả năm nếu các đương sự tiếp tục kháng cáo, đề nghị giám đốc thẩm.
Trong nhiều vụ án kinh tế khác như vụ án tại Tổng công ty cổ phần Xây lắp dầu khí Việt Nam (PVC), Công ty cổ phần Bất động sản điện lực dầu khí Việt Nam (PV Power Land)..., cơ quan điều tra đã kê biên, phong tỏa nhiều cổ phiếu.
Tuy nhiên, ngoài vấn đề tranh chấp nội bộ như trường hợp OGC, việc xử lý tài sản này vẫn còn những vướng mắc khác. Cục Thi hành án dân sự TP. Hà Nội cho biết, đã kê biên hơn 300 triệu cổ phiếu, nhưng khi bán tài sản gặp khó khăn vì chưa biết bán như thế nào và hiện đang chờ hướng dẫn.