Tỷ trọng Top 10 chiếm 60% vốn hóa thị trường
Ngày 17/5, CTCP Vinhomes đã chính thức niêm yết 2,68 tỷ cổ phiếu VHM trên Sở GDCK TP.HCM (HOSE) với giá tham chiếm 92.000 đồng/CP. Đóng cửa phiên này, cổ phiếu VHM tăng kịch trần (20%) lên 110.500 đồng/CP, giúp vốn hóa của VHM đạt 296.097 tỷ đồng và vượt qua cổ phiếu VNM của Vinamilk trở thành cổ phiếu có vốn hóa lớn thứ 2 trên TTCK Việt Nam, chỉ đứng sau cổ phiếu VIC của Công ty mẹ Vingroup.
VIC cũng chính là cổ phiếu có sự bứt phá mạnh nhất trong Top 10 cổ phiếu vốn hóa lớn nhất thị trường. Từ mức hơn 107.000 tỷ đồng, đứng thứ 3 trong Top 10 vào đầu tháng 5/2017, nhưng đến nay, vốn hóa của VIC đã tăng gần 3 lần, đạt 333.000 tỷ đồng và vươn lên vị trí dẫn đầu.
Trong 1 năm qua, tuy thị giá của các cổ phiếu trong Top 10 đều tăng trưởng, nhưng trật tự vốn hóa đã có sự xáo trộn đáng kể. Ngoài trường hợp của VIC như đã nêu ở trên, thì cổ phiếu ROS của CTCP Xây dựng FLC Faros đã bị đẩy ra khỏi nhóm bởi VHM.
Đáng chú ý, cổ phiếu SAB của CTCP Bia rượu nước giải khát Sài Gòn sau khi bứt phá mạnh mẽ nhờ câu chuyện thoái vốn của Bộ Công thương nửa cuối năm 2017 đã quay đầu giảm mạnh, từ ngôi vị á quân, hiện SAB đã bị đẩy xuống vị trí thứ 6.
Trong Top 10, có thể thấy sự phân nhóm rõ rệt, chiếm ưu thế về số lượng là nhóm ngân hàng với 3 đại diện là Vietcombank (mã VCB), Viettinbank (mã CTG) và BIDV (mã BID). Nhóm hàng tiêu dùng cũng có 3 cổ phiếu gồm SAB, VNM và MSN của CTCP Tập đoàn Masan.
Nhóm dầu khí với 2 đại diện là GAS (Tổng công ty Khí Việt Nam - PVGas) và PLX (Tổng công ty Xăng dầu Việt Nam - Petrolimex). Tuy nhiên, về mức độ ảnh hưởng, VIC và VHM mới là những cổ phiếu tác động lớn nhất đến VN-Index. Hiện tại, vốn hóa của cặp đôi này đạt 620.000 tỷ đồng, chiếm 19,9% vốn hóa của HOSE.
Như vậy, tại thời điểm đầu tháng 5/2017, vốn hóa của 10 cổ phiếu lớn nhất đạt 974.760 tỷ đồng, chiếm 51,47% tổng vốn hóa HOSE, thì đến 18/5/2018, với sự xuất hiện của VHM cũng như sự bứt phá của VIC, con số này đã tăng lên 1.853.700 tỷ đồng, tức tăng trưởng khoảng 90%, vượt qua tốc độ tăng trưởng vốn hóa toàn sàn.
Theo đó, tỷ trọng của Top 10 cũng tăng lên, chiếm 59,4% tổng vốn hóa HOSE, áp đảo so với quy mô của gần 350 cổ phiếu còn lại, chỉ chiếm 40,6%. Với mức độ tập trung cao, rõ ràng biến động tại Top 10 sẽ chi phối rất mạnh xu hướng của VN-Index.
Triển vọng tăng giá vẫn còn
Trong Top 10 doanh nghiệp vốn hóa lớn nhất HOSE, ngoại trừ VIC dự kiến sẽ tổ chức Đại hội đồng cổ đông (ĐHCĐ) trong nửa đầu tháng 6/2018, VHM chưa có kế hoạch do mới hoàn tất IPO và niêm yết, trong khi SAB vẫn đang trong quá trình tái cơ cấu tổ chức sau khi Thaibev sở hữu chi phối và xin lùi thời hạn tổ chức ĐHCĐ đến 30/6/2018, thì 7 công ty còn lại đều đã hoàn tất việc tổ chức ĐHCĐ thường niên 2018.
Điểm chung của các công ty này là đều lên kế hoạch tăng trưởng, nhưng mức độ phân hóa mạnh khi có doanh nghiệp lạc quan với mục tiêu tăng trưởng 2 con số, thì cũng có doanh nghiệp dè dặt với kế hoạch kinh doanh 2018.
Cụ thể, tại ĐHCĐ ngày 27/4/2018, VCB đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế (LNTT) 13.300 tỷ đồng trong năm nay, tăng 17% so với năm 2017. Nhiều chỉ tiêu khác cũng được VCB đặt kế hoạch tăng trưởng như tổng tài sản tăng 14%, huy động vốn và tín dụng tăng 15%... Tại MSN, ĐHCĐ ngày 24/4/2018 cũng đã thông qua kế hoạch tăng trưởng từ 20-25% về doanh thu, 10-30% về lợi nhuận so với năm 2017.
Trong khi đó, tại PLX, ĐHCĐ ngày 27/4/2018 đã thông qua mục tiêu doanh thu 158.000 tỷ đồng, LNTT 5.000 tỷ đồng, chỉ tăng 2,8% về doanh thu và 4,5% về lợi nhuận so với thực hiện năm 2017. Tương tự, ĐHCĐ ngày 31/3 của VNM đã thông qua mục tiêu doanh thu 2018 chỉ tăng 8,5%, lợi nhuận sau thuế (LNST) tăng 4,7% so với thực hiện 2017.
Với GAS, kế hoạch doanh thu và LNST năm 2018 lần lượt giảm hơn 15,5% và 36,5% so với thực hiện năm 2017. Kế hoạch này được xây dựng trên cơ sở giả định giá dầu bình quân ở mức chỉ 50 USD/thùng trước lo ngại giá dầu thế giới biến động bất thường, lượng tiêu thụ tại các sản phẩm chính như khí khô, condensate, LPG đều giảm.
Với việc giá dầu từ đầu năm đến nay đã tăng 50% so với giá lập kế hoạch, nhiều ý kiến cho rằng GAS đã quá thận trọng trong kế hoạch kinh doanh 2018. Tuy nhiên, đây vốn là "truyền thống" của GAS, doanh nghiệp này thường lên kế hoach kinh doanh thấp đầu năm, sau đó điều chỉnh theo biến động giá dầu, cũng như tiến độ thực hiện trong năm.
Thực tế, kết quả kinh doanh quý I/2018 của các doanh nghiệp trong Top 10 phần nào phản ánh triển vọng tích cực. Tại nhóm cổ phiếu ngân hàng, VCB báo LNTT quý I tăng tới 59% so với cùng kỳ 2017, hoàn thành 1/3 kế hoạch lợi nhuận cả năm. LNTT của CTG và BID cũng tăng tương ứng 19% và 9,1%.
Tại GAS, diễn biến giá dầu tích cực trong quý I/2018 giúp doanh thu thuần của Công ty tăng 11,72% so với cùng kỳ 2017, hoàn thành 32,6% kế hoạch lợi nhuận năm. LNST cũng tăng hơn 20% và hoàn thành 41% kế hoạch.
Tại MSN, con số lợi nhuận của quý I/2018 là tích cực nhất so với quý đầu năm của nhiều năm trở lại đây, với LNTT tăng gấp 3,3 lần cùng kỳ 2017 (đạt 1.172 tỷ đồng) nhờ vận hành hiệu quả, tiết giảm chi phí.
Tại VIC, doanh thu tại hầu hết các mảng kinh doanh đều tăng trưởng 2 con số, giúp tổng doanh thu hợp nhất tăng 84,4% so với cùng kỳ năm 2017 (đạt 29.125 tỷ đồng), LNTT và LNST tăng 103,7% và 70,1% (đạt 2.534 tỷ đồng và 1.009 tỷ đồng).
Sự tăng trưởng trong kết quả kinh doanh chính được kỳ vọng sẽ là nền tảng để hỗ trợ nhóm doanh nghiệp vốn hóa lớn duy trì đà tăng giá, qua đó hỗ trợ cho đà tăng của VN-Index. Bên cạnh đó, việc tăng vốn và thoái vốn nhà nước tại nhóm này cũng là câu chuyện được thị trường quan tâm.
Tại VCB, sau khi được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận vào tháng 12/2017, VCB đang dự kiến sẽ chào bán riêng lẻ 10% vốn điều lệ cho các nhà đầu tư nước ngoài để tăng vốn điều lệ. Trong đó, Quỹ đầu tư GIC (Singapore) được cho là ứng viên lớn nhất khi đã ký thỏa thuận hợp tác chiến lược từ năm 2016. Ngoài ra, cổ đông lớn Mizuho được cho là sẽ mua thêm cổ phiếu để duy trì tỷ lệ nắm giữ 15% sau tăng vốn.
BID cũng định hướng việc phát hành cổ phiếu cho nhà đầu tư nước ngoài là một trong những mục tiêu quan trọng nhất trong năm 2018 để tăng vốn điều lệ và KEB Hana Bank (Hàn Quốc) hiện là ứng viên nặng ký nhất khi hai bên đã ký thỏa thuận hợp tác chiến lược toàn diện vào tháng 8/2017.
Tại GAS và PLX, câu chuyện giảm vốn nhà nước được kỳ vọng sớm có những bước tiến mới, để có thể thực hiện vào năm 2019 theo đúng lộ trình.
Sau khi lập đỉnh 1.204,3 điểm trong phiên giao dịch ngày 9/4/2018, VN-Index đã có đợt sụt giảm mạnh nhất kể từ đầu năm 2017, với mức giảm gần 14% tính đến ngày 18/5/2018. Tuy xen kẽ trong đó là những nhịp hồi phục, nhưng việc dòng tiền vào thị trường dè dặt, giao dịch ảm đạm do yếu tố tâm lý khiến niềm tin của nhà đầu tư thiếu bền vững.
Thống kê diễn biến thị trường trong 12 năm qua cho thấy, tháng 5 không phải là giai đoạn tốt cho VN-Index khi có tới 7 năm giảm điểm. Vùng trống thông tin sau mùa ĐHCĐ và công bố kết quả kinh doanh quý đầu năm khiến thị trường thiếu điểm tựa. Theo đó, nhà đầu tư chủ yếu tìm cách bảo vệ thành quả hoặc đảo danh mục nhằm giảm giá vốn, thay vì rót tiền mua mới cổ phiếu.
Tuy vậy, sau hơn 1 tháng giảm mạnh vừa qua, nhiều công ty chứng khoán kỳ vọng rằng, mức 1.000 điểm là mốc hỗ trợ quan trọng đối với VN-Index trong bối cảnh thị trường đón nhận thêm những cổ phiếu tiềm năng lên sàn như VHM, hay sắp tới đây là Techcombank sẽ nâng đỡ chỉ số nhờ mức vốn hóa lớn, triển vọng tốt và giá chào sàn thấp hơn mức thị trường kỳ vọng. Bên cạnh đó, sau giai đoạn điều chỉnh mạnh, nhóm các cổ phiếu cơ bản đã rơi về vùng giá rẻ cũng được kỳ vọng sẽ thu hút được dòng tiền mới, giúp xu hướng tăng sớm quay trở lại.