Tranh thủ bán cổ phiếu ngân hàng trước làn sóng niêm yết, chuyển sàn

0:00 / 0:00
0:00

Làn sóng chuyển sàn, niêm yết tác động lên giá của cổ phiếu ngân hàng, nên các lãnh đạo nhà băng, quỹ ngoại và các tổ chức tranh thủ bán cổ phiếu "vua".

Tranh thủ bán cổ phiếu ngân hàng trước làn sóng niêm yết, chuyển sàn

Ngân hàng Hàng Hải (MSB) thông báo giao dịch của Phó tổng giám đốc - bà Nguyễn Hương Loan thành công với việc bán toàn bộ 195.993 cổ phiếu MSB theo phương thức thỏa thuận từ ngày 11/11 đến 16/11.

Hiện giá cổ phiếu MSB đang giao dịch trên sàn giao dịch chứng khoán phi tập trung (OTC) với giá xoay quanh 13.000-14.000 đồng/cổ phiếu.

Trước đó, Phó tổng giám đốc VPBank đăng ký bán ra hơn 40.700 cổ phiếu VPB nhằm mục đích tài chính cá nhân. Giao dịch diễn ra từ ngày 28/9 tới ngày 27/10/2020.

Mở cửa ngày giao dịch 18/11, thị giá VPB dừng ở 24.950 đồng/cổ phiếu, tăng gần 20% so với mức ghi nhận vào cuối tháng 7/2020.

Trong khi đó, hai phó tổng giám đốc Saigonbank cũng muốn bán sạch cổ phiếu SGB của Saigonbank ngay sau khi cổ phiếu SGB lên giao dịch trên sàn UpCom ngày 15/10 vừa qua. Cổ phiếu SGB chào sàn UpCom với giá tham chiếu 25.800 đồng/cổ phiếu.

Tuy nhiên, ngay khi chào sàn, giá cổ phiếu này đã liên tục lao dốc và chốt phiên ở mức 15.500 đồng/cổ phiếu, giảm kịch sàn 40% so với mức giá chào sàn.

Nhưng cũng trong ngày 15/10, Saigonbank thông báo giao dịch cổ phiếu của người nội bộ, dự kiến thực hiện từ ngày 15/10-15/11.

Cụ thể, ông Nguyễn Ngọc Lũy, Phó tổng giám đốc Saigonbank đăng ký bán gần 248.000 cổ phiếu. Đây cũng là toàn bộ số cổ phiếu SGB mà ông Lũy đang sở hữu.

Ngoài ra, ông Phạm Hoàng Hồng Thịnh, Phó tổng giám đốc cũng đăng ký bán toàn bộ gần 107.000 cổ phiếu SGB đang sở hữu.

Lượng cổ phiếu này dự kiến được giao dịch từ ngày 12/10-12/11. Trước đó, ông Thịnh đã đăng ký bán số cổ phiếu trên trong thời gian từ 24/7-24/8 nhưng không thành công.

Giá cổ phiếu SGB đang giao dịch trong phiên sáng ngày 18/11 ở mức 12.800 đồng/cổ phiếu, giảm mạnh so với mức giá chào sàn UpCOM.

Không chỉ cổ đông nhỏ lẻ mà ngay cả nhà đầu tư lớn là hai quỹ ngoại cũng vừa bán xong cổ phiếu ACB. Cụ thể, hai quỹ thuộc Dragon Capital là Quỹ First Burns Investments Limited (FBIL) và quỹ Asia Reach Investments Limited (ARIL) vừa bán xong hơn 46 triệu triệu cổ phiếu ACB.

Trong khi đó, ACB dự kiến lên sàn HoSE vào cuối năm nay và hiện HOSE đã nhận hồ sơ niêm yết của ngân hàng này. Tổng giám đốc ACB - ông Đỗ Minh Toàn cho biết, việc chuyển sàn có thể diễn ra trong tháng 11 hoặc 12/2020 sau khi nhà băng này vừa hoàn tất tăng vốn lên trên 21.000 tỷ đồng.

Trong phiên giao dịch sáng ngày 18/11, giá cổ phiếu ACB ở 27.200 đồng/cổ phiếu, vượt mức đỉnh lịch sử 26.300 đồng/cổ phiếu được thiết lập vào ngày 9/4/2018. Đây cũng là lý do để các nhà đầu tư ngoại chốt lời khi mức giá cổ phiếu đạt kỳ vọng.

Được biết, gần 176,4 triệu cổ phiếu STB của Sacombank cũng đang được Kienlongbank đàm bán với các nhà đầu tư để chuyển nhượng, với giá không dưới 20.000 đồng/cổ phiếu. Trong khi, giá cổ phiếu STB giao dịch trong phiên sáng ngày 18/11 ở mức 13.850 đồng/cổ phiếu.

Gần 176,4 triệu cổ phiếu STB nói trên thuộc sở hữu của các cá nhân trong nước, được thế chấp tại Kienlongbank và hiện ngân hàng này muốn rao bán để thu hồi nợ.

Trước đó, Kienlongbank đã 2 lần bán đấu giá 176.373.887 triệu cổ phiếu STB để thu hồi nợ xấu, song chưa bán thành công.

Cụ thể, lần 1 vào ngày 22/1/2020 với mức giá khởi điểm là 24.000 đồng/cổ phiếu và lần thứ 2 từ ngày 17/2/2020 với giá khởi điểm là 21.600 đồng/cổ phiếu, thấp hơn so với mức giá khởi điểm lần đầu nhưng cao hơn nhiều so với mức thị giá tại thời điểm này là 11.500 đồng/cổ phiếu.

Xử lý xong khoản nợ này sẽ đóng góp đáng kể vào lợi nhuận năm 2020 của Kienlongbank đặt ra ở mức 750 tỷ đồng trước thuế.

Không chỉ Kienlongbank, mà Eximbank cũng đang tập trung xử lý bán cổ phiếu STB để thu hồi nợ xấu.

Cụ thể, tại Eximbank, ngày 2/10/2019, Ngân hàng Nhà nước đã có công văn chấp thuận cho Eximbank được xử lý tài sản đảm bảo là hơn 74,9 triệu cổ phiếu STB để thu hồi nợ vay theo quy định. Do đó, Hội đồng quản trị (HĐQT) Eximbank cho biết, năm 2020, Ngân hàng sẽ tập trung xử lý khoản nợ này.

Bởi các khoản nợ thế chấp bằng hàng trăm triệu cổ phiếu STB khiến nợ xấu và chi phí dự phòng của Eximbank cao. 9 tháng đầu năm 2020, Eximbank đã trích lập dự phòng rủi ro khoảng 200 tỷ đồng.

Ngân hàng đang muốn đầy nhanh xử lý khoản nợ khó đòi trên, song xem ra không khả thi trong năm nay. Theo một nguồn tin đáng tin cậy cho hay, Ngân hàng Eximbank đang cố gắng để xử lý khoản nợ xấu trên, song khó có thể hoàn tất năm nay, vì chưa có phương án cụ thể.

Ngoài khoản nợ trên, hiện Eximbank còn nắm giữ gần 2.000 tỷ đồng trái phiếu VAMC, nhưng ngân hàng cũng đã trích lập gần đủ cho số này từ lợi nhuận để lại.

Trong khi đó, tổ chức liên quan Thành viên HĐQT của Sacombank là Công ty cổ phần Chứng khoán Liên Việt đã tranh thủ trong khoảng thời gian giá cổ phiếu STB tăng bán ra toàn bộ cổ phiếu.

Theo đó, Công ty cổ phần Chứng khoán Liên Việt đã bán ra toàn bộ 3 triệu cổ phiếu STB, sau giao dịch tổ chức này không còn sở hữu cổ phần nào của STB.

Được biết, giao dịch thực hiện từ 31/8 đến 24/9/2020. Trong đó, phương thức giao dịch là khớp lệnh trên sàn HOSE.

Chứng khoán Liên Việt là tổ chức liên quan tới ông Nguyễn Văn Huynh, Thành viên HĐQT của STB. Ngoài ra, Chủ tịch HĐQT STB là ông Dương Công Minh cũng được bổ nhiệm chức Chủ tịch HĐQT của Chứng khoán Liên Việt tháng 6/2013.

Tin bài liên quan