Tranh kho hàng thế chấp: chuyện không cá biệt

Tranh kho hàng thế chấp: chuyện không cá biệt

(ĐTCK) Để không rơi vào cảnh phải xử lý tranh chấp kho hàng, mất vốn, ngân hàng cần phải nâng cao chất lượng công tác quản trị rủi ro.

Tranh kho hàng thế chấp: chuyện không cá biệt  ảnh 1Luật sư Trần Minh Hải

 

Gần đây, thị trường đã ghi nhận một số vụ tranh chấp tài sản bảo đảm là hàng hóa tồn kho luân chuyển giữa các ngân hàng khi DN thế chấp ở nhiều nơi để vay vốn. Theo Luật sư Trần Minh Hải, Giám đốc điều hành Công ty Luật Basico, đây không phải là những tình huống cá biệt, bởi cho vay bằng tài sản đảm bảo là hàng hóa tồn kho luân chuyển đang chiếm tỷ lệ cao trong cho vay khách hàng DN và Việt Nam vẫn chưa có bên thứ ba độc lập đứng ra đảm bảo về tài sản thế chấp.

Thưa ông, khi ngân hàng cho vay và nhận tài sản bảo đảm, hẳn phải có biện pháp để ngăn ngừa tình trạng tài sản đã được thế chấp ở nhiều nơi, nhiều lần?

Đối với các tài sản bảo đảm hiện hữu về giấy tờ pháp lý như nhà đất, phương tiện vận tải, nhìn chung, các ngân hàng có thể ngăn ngừa được nguy cơ này. Nhưng khi tài sản thế chấp hàng hóa thì ngân hàng khá mơ hồ.

Tại các ngân hàng, cho vay đảm bảo bằng hàng hóa tồn kho luân chuyển chiếm tỷ lệ lớn trong cho vay khách hàng DN. Đây cũng là tài sản chủ đạo của các DN sản xuất, DN càng lớn thì càng thường xuyên sử dụng kho hàng làm tài sản đảm bảo.

Về nguyên tắc, khi nhận tài sản đảm bảo là hàng hóa tồn kho luân chuyển thì giá trị tài sản đảm bảo phải lớn hơn giá trị khoản vay. Đối với loại tài sản bảo đảm này, ngân hàng thường sử dụng biện pháp bảo đảm thế chấp, có nghĩa là tài sản hàng hóa bảo đảm được quản lý tại kho của khách hàng với bảo vệ trông kho do phía ngân hàng thuê hoặc thuê kho của bên thứ ba. Nhưng thông thường, một khoản vay của khách hàng chỉ có giá trị một phần so với kho hàng và DN cũng chỉ dùng phần hàng hóa trong kho tương ứng với khoản vay làm tài sản bảo đảm. Như vậy, DN cũng có thể dùng kho hàng làm tài sản bảo đảm để vay nợ nhiều nơi khi mà họ thực hiện một khoản vay khác và mua thêm hàng hóa. Vấn đề là khi đó, trong hàng tấn, hàng chục nghìn tấn hàng hóa trong kho, ngân hàng không thể biết đâu là tài sản bảo đảm của ngân hàng mình. Điều này chả khác nào nhận một con lợn con trong đàn lợn làm tài sản bảo đảm, không thể biết con nào là của mình. Do đó, khi DN không có khả năng thanh toán, đã dẫn đến cảnh ngân hàng bao vây, chặn lối vào kho hàng.

 

Còn rủi ro nào khác mà ngân hàng phải đối mặt khi nhận tài sản bảo đảm là hàng hóa?

DN khi dùng khoản vay mua hàng, có thể xuất hiện tình huống chưa thanh toán hết cho bên bán hàng. Như vậy, tài sản đó chưa phải là tài sản của DN và bên bán hàng cũng có quyền xử lý kho hàng đó để thu hồi nợ. Trong trường hợp này, ngân hàng không chỉ phải tranh chấp với nhau, mà còn phải tranh chấp với cả bên bán hàng.

Khi xử lý tài sản đảm bảo để thu hồi nợ, ngân hàng thường đối mặt với nguy cơ giá bán giảm, nguy cơ “tuồn kho”, khó bán tài sản, nếu tiếp tục duy trì kho hàng thì tốn chi phí vận hành như đông lạnh, bảo vệ... Ngoài ra, tài sản bảo đảm này là hàng hóa luân chuyển, tức là liên tục có nhập hàng, xuất hàng, khối lượng hàng hóa thay đổi liên tục. Nhằm đề phòng DN rút ruột kho hàng, ngân hàng thường thỏa thuận tài sản bảo đảm là lượng hàng hóa trong kho ở mọi thời điểm và nếu hàng hóa sụt giảm thì DN phải bù đắp dư nợ hoặc tài sản khác, nếu không ngân hàng sẽ chuyển khoản nợ thành nợ quá hạn và thu hồi nợ trước hạn. Nhưng trên thực tế, việc quản lý tài sản thế chấp là hàng tồn kho cũng gần như quản lý tài sản vô hình.

 

Vậy, theo ông, ngân hàng có thể sử dụng biện pháp gì khi cấp tín dụng để không rơi vào tình huống phải bao vây kho hàng siết nợ DN?

Có một công thức chung cho việc nhận bảo đảm bằng hàng hóa, đó là “thế chấp bằng tín chấp”, “cầm cố bằng chắc chắn”.

Xét về các biện pháp bảo đảm nghĩa vụ thanh toán, hiện các ngân hàng sử dụng biện pháp thế chấp đối với hàng hóa tồn kho luân chuyển, tài sản bảo đảm được quản lý tại kho của khách hàng với bảo vệ trông kho do phía ngân hàng thuê hoặc thuê kho của bên thứ ba. Tuy nhiên, với biện pháp thế chấp này, ngân hàng không trực tiếp nắm giữ tài sản, nên có nhiều rủi ro như đã nói ở trên.

Để hạn chế rủi ro khi sử dụng biện pháp bảo đảm bằng kho của bên thứ ba, tốt nhất các ngân hàng nên trực tiếp ký hợp đồng hai bên với bên cho thuê kho và trực tiếp trả tiền thuê để bảo đảm duy nhất một đầu mối quan hệ, tránh trường hợp ký ba bên như hiện nay, khiến cho bên cho thuê kho chỉ biết đến khách hàng của ngân hàng.

Giải pháp tốt hơn là ngân hàng sử dụng biện pháp cầm cố, tức là quản lý trực tiếp hàng hóa tại kho của ngân hàng. Hiện có ngân hàng muốn lựa chọn biện pháp này, nhưng lại vướng mắc quá nhiều trên thực tế, từ kinh phí cho đến việc bố trí quản lý kho, tổng kho theo địa bàn tập trung hàng hóa vùng miền, rào cản pháp lý về chức năng cho thuê kho... Nếu muốn, ngân hàng thường phải thành lập công ty con có chức năng quản lý nợ và khai thác tài sản và kho hàng sẽ do công ty này quản lý. Tuy nhiên, thủ tục rất phức tạp và phải được Ngân hàng Nhà nước cho phép.

 

Trong trường hợp phát sinh việc khách hàng dùng kho hàng thế chấp nhiều lần và hàng hóa không đủ trả nợ tất cả khoản vay, các ngân hàng phải giải quyết ra sao? Khoản nợ nào sẽ được ưu tiên?

Về nguyên tắc, không có khoản nợ nào được ưu tiên vì hàng hóa đã bị trộn lẫn trong kho và không thể chứng minh con cá hay thanh thép trong kho là của ngân hàng nào. Trong tình huống này, các ngân hàng phải trông chặt kho hàng để tránh tình trạng tẩu tán hàng hóa. Nếu kho đã hết hàng thì các ngân hàng phải ngồi lại với nhau để có giải pháp. Lựa chọn giải pháp cụ thể nào thì tùy từng ngân hàng, cũng có ngân hàng lựa chọn cách thức đưa ra cơ quan công an. Nhưng về nguyên tắc, cơ quan công an chỉ điều tra, xác định vi phạm pháp luật hình sự đối với từng cá nhân, do đó, việc đưa ra cơ quan công an không thể giải quyết mục tiêu thu hồi nợ của các ngân hàng. Nếu khởi kiện dân sự thì tốn kém và mất thời gian.

Phòng bệnh hơn chữa bệnh, do vậy, để không rơi vào cảnh phải xử lý tranh chấp kho hàng, mất vốn, ngân hàng cần phải nâng cao chất lượng công tác quản trị rủi ro. Trước khi phê duyệt khoản vay bằng tài sản đảm bảo là kho hàng, ngân hàng cần thẩm định kỹ về tài sản đảm bảo này cũng như xây dựng được phương thức quản trị tốt nhất với khoản vay.

 

Theo luật sư Trần Minh Hải, ở một số nước có nền kinh tế phát triển, một số hãng kho vận uy tín đứng ra làm trung gian gửi giữ hàng hóa. Khi các DN gửi hàng vào kho, họ sẽ được cấp chứng chỉ ghi nhận thông tin về số lượng, chất lượng, chủng loại và sở hữu về hàng hóa. Các DN có thể đem các chứng chỉ này thế chấp vay vốn tại các ngân hàng. Với uy tín của hãng kho vận, ngân hàng sẽ mặc nhiên ghi nhận các thông tin để nhận thế chấp hàng hóa mà không nhất thiết phải thẩm định trực tiếp hàng. Khi cần xử lý tài sản bảo đảm, chỉ với chứng chỉ này, ngân hàng cũng có thể bán được hàng hóa với sự hợp tác của hãng kho vận qua các thủ tục pháp lý hợp lý.