Tranh kho hàng, 7 ngân hàng đều thua cuộc?

Tranh kho hàng, 7 ngân hàng đều thua cuộc?

(ĐTCK) Liên quan đến vụ việc cưỡng chế thi hành án đối với Công ty TNHH Trường Ngân để thu hồi nợ cho Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB), ĐTCK đã có cuộc trao đổi với Luật sư Trần Minh Hải, Giám đốc Công ty Luật Basico, người đã theo sát diễn tiến vụ việc ngay từ đầu.

Trong vụ việc này, các ngân hàng còn lại khá là bức xúc, ông nhận xét thế nào về cách thức thu hồi nợ của OCB? Phải chăng OCB đã “thắng cuộc”?

Phải nói là việc các ngân hàng cùng tranh chấp một khối tài sản, đặc biệt là kho hàng, không phải hiện tượng mới, cũng đã có trường hợp tương tự xảy ra trong quá khứ. Riêng trong vụ này, tôi cho là OCB đã có phương pháp giải quyết khá “thời thượng”, đảm bảo nguyên tắc thượng tôn pháp luật.

Có thể thấy cho tới nay, trong số các ngân hàng cùng nhận thế chấp kho hàng của Trường Ngân, chỉ duy nhất OCB có một quyết định có hiệu lực của Tòa án - cơ quan có thẩm quyền giải quyết tranh chấp.

Tuy nhiên, tôi không cho là OCB đã thắng cuộc, các ngân hàng đều thua cuộc, đều mất, chỉ là OCB đã tìm được cách để hạn chế cái mất ít nhất.

Thế nhưng các ngân hàng khác cũng nhận tài sản bảo đảm là hàng hóa trong kho và đang trong quá trình giải quyết?

Vậy phải xem các ngân hàng đã giải quyết như thế nào. Thực tế, đứng trước một kho hàng bị bao vây, phong tỏa, các ngân hàng không có nhiều lựa chọn.

Hoặc hình sự hóa, gửi hồ sơ, đơn thư sang cơ quan điều tra để xem xét vi phạm pháp luật từ chủ DN. Hoặc ngân hàng dĩ hòa vi quý, từ từ giải quyết và cơ bản là không ai hành động.

Nhưng hàng hóa bảo đảm ở đây là cafe, không giống các mặt hàng khác, có sự suy giảm chất lượng và giá trị theo thời gian. Nếu không nhanh chóng giải quyết, cafe sẽ kém chất lượng, hỏng và không bán được.

Thông thường khi có tranh chấp, các bên đều có những lý lẽ riêng, nhưng ai đúng thì câu trả lời thuộc về Tòa án và phán quyết của Tòa án mới là cơ sở pháp lý để giải quyết mọi việc. Ở đây, OCB đã nắm bắt cơ hội và hành động nhanh để tạo thành lợi thế tố tụng.

Trong quá trình giải quyết vụ kiện của OCB, Tòa án đã căn cứ vào đâu để cho phép OCB phát mãi tài sản hay nói khác đi, OCB đã chuẩn bị các “chỗ dựa” pháp lý như thế nào để có thể xử lý kho hàng của Trường Ngân?

OCB tiến hành khởi kiện khách hàng theo thủ tục hợp pháp và Tòa án đã thụ lý, tiến hành điều tra, xác minh. Vụ án đã được Tòa án ra quyết định công nhận thỏa thuận của các đương sự. Quyết định này sau đó không bị đề nghị xem xét lại từ 2 bên đương sự và phát sinh hiệu lực, có giá trị chung thẩm như một bản án có hiệu lực pháp luật.

Trong quá trình khởi kiện, OCB đã đưa ra hợp đồng tín dụng và những con số rành mạch về gốc, lãi và bị đơn đều xác nhận. Về tài sản bảo đảm, Tòa án không dễ dàng chấp nhận yêu cầu của OCB nếu như không có căn cứ xác đáng.

Trên thực tế, khi nhận tài sản bảo đảm, một số ngân hàng nhận tài sản bảo đảm là hàng tồn kho luân chuyển.

Đây là phương thức bảo đảm mà khách hàng chỉ đơn thuần cam kết với ngân hàng sẽ duy trì một khối lượng hàng hóa với mức giá trị nào đó trong kho hàng, còn quyền xuất nhập hàng hóa thuộc về khách hàng, ngân hàng không kiểm soát.

Do đó, phương thức này vướng vào “lỗi” đặc thù của sản phẩm tín dụng là không xác định được đâu là hàng hóa được thế chấp cho ngân hàng mình. Nhưng cũng có ngân hàng nhận tài sản bảo đảm là hàng hóa theo lô, theo nguyên tắc tiền vào, hàng ra và OCB là một trong những ngân hàng đó.

Các ngân hàng đã phản ứng với việc cưỡng chế thi hành án. Liệu có thể có sai sót gì không, thưa ông?

Quyết định công nhận thỏa thuận của các đương sự đã được ban hành từ tháng 6/2013. Các ngân hàng khác chỉ phản ứng khi biết tin cưỡng chế. Nếu đó là vụ “cướp” hàng thông thường như đã từng thấy, thì các ngân hàng có thể chặn không cho chuyển hàng. Nhưng đây là thi hành bản án có hiệu lực pháp luật, nếu ngăn chặn, cản trở, gây khó dễ thì có thể phạm vào tội cản trở việc thi hành án.

Ông đánh giá vụ việc sẽ diễn biến ra sao?

Các ngân hàng có thể tiến hành thủ tục khiếu nại đề nghị hoãn thi hành án, có đơn đề nghị cơ quan có thẩm quyền kháng nghị quyết định công nhận thỏa thuận của Trường Ngân và OCB hoặc chính thức khởi kiện Trường Ngân.

Tuy nhiên, việc hoãn thi hành án là vô lý, vì cơ quan thi hành án đã ra quyết định và thực hiện cưỡng chế. Còn khởi kiện, không phải trường hợp nào ngân hàng kiện khách hàng ra Tòa, ngân hàng đều thắng. Ngoài ra, khi đã chính thức khởi kiện, Tòa án sẽ xem xét việc cho vay, giải ngân, áp dụng lãi, nhận tài sản bảo đảm… có thực hiện đúng quy trình, đúng pháp luật không, như vậy, sẽ mất nhiều thời gian.

Trước mắt, cơ quan thi hành án sẽ thu cafe về kho, sau đó bán và thu hồi tiền (vì café không thể để lâu được). Theo nguyên tắc, số tiền thu hồi được phải trả cho người được thi hành án.

Ông có thể cho biết “lỗi” của sản phẩm cho vay nhận tài sản bảo đảm là hàng trong kho? Câu chuyện của Trường Ngân để lại kinh nghiệm gì cho các ngân hàng khi xử lý nợ?

Khi nhận tài sản bảo đảm là hàng hóa luân chuyển trong kho thì nguy cơ thế chấp trùng là rất lớn và rủi ro cho ngân hàng cũng không phải ít, khi không quản lý được khối tài sản này và hoàn toàn phụ thuộc vào “lương tâm”, cũng như sức khỏe tài chính của DN. Đây có thể coi là “lỗi” nhưng cũng có thể coi là bản chất của sản phẩm tín dụng này.

Giải pháp lâu dài là cần kết hợp đủ 3 yếu tố: Thứ nhất, nên hình thành các hãng kho vận uy tín đứng ra làm trung gian. DN gửi hàng vào kho và được hãng kho vận cấp chứng chỉ ghi nhận thông tin về số lượng, chất lượng, chủng loại và sở hữu về hàng hóa.

Chứng chỉ này thậm chí có thể thế chấp vay vốn tại ngân hàng hoặc bán để thu hồi nợ với sự hợp tác của hãng kho vận. Sự phối hợp trên sẽ giảm thiểu hầu hết rủi ro của thế chấp hàng hóa. Mô hình này đã được nhiều nước áp dụng.

Thứ hai là định chế nghiệp vụ ngân hàng cần được xử lý theo phương thức tăng cường quản trị rủi ro pháp lý đối với sản phẩm cho vay thế chấp bằng kho hàng hóa. Thứ ba, là có sự đào tạo nghiệp vụ pháp lý, nâng cao khả năng, kinh nghiệm nhận thức phòng chống rủi ro pháp lý cho cán bộ ngân hàng, bởi họ chính là những người gác gôn cho sự an toàn tín dụng của ngân hàng.