Tranh chấp với SongHong Land, Tòa bác yêu cầu của Diêm Thống Nhất

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Ngày 21/8, HĐXX Tòa án nhân dân TP. Hà Nội đã tuyên án phúc thẩm đối với vụ tranh chấp hợp đồng giữa CTCP Diêm Thống Nhất và CTCP Đầu tư địa ốc Sông Hồng (SongHong Land).
 
Tranh chấp với SongHong Land, Tòa bác yêu cầu của Diêm Thống Nhất

Theo đó, Tòa án buộc CTCP Diêm Thống Nhất phải chịu khoản bồi thường thiệt hại 4,9 tỷ đồng, SongHong Land phải trả lại Diêm Thống Nhất số tiền 11,8 tỷ đồng. Đối trừ nghĩa vụ, SongHong Land còn phải trả cho Diêm Thống Nhất số tiền 6,9 tỷ đồng.

Được biết, năm 2011, giữa Diêm Thống Nhất và SongHong Land ký hợp đồng nguyên tắc số 24 về việc cho thuê đất và cơ sở hạ tầng tại Cụm Công nghiệp Đông Thọ (Bắc Ninh). Diện tích thuê là 32.000 m2, tổng giá trị hợp đồng hơn 32 tỷ đồng, thời hạn thuê 47 năm, thanh toán làm 3 đợt.

Diêm Thống Nhất đã thanh toán được số tiền 11,8 tỷ đồng, nhưng sau đó không thanh toán tiếp.

Hai bên đã có nhiều văn bản trao đổi về vấn đề thanh toán, bồi thường thiệt hại, chấm dứt hợp đồng nhưng không đạt được thống nhất.

Cuối cùng, Diêm Thống Nhất khởi kiện đề nghị Tòa án tuyên hợp đồng số 24 vô hiệu vì lý do thẩm quyền.

Cụ thể, người ký hợp đồng đại diện cho Diêm Thống Nhất là ông Nguyễn Hưng, Tổng giám đốc, Chủ tịch HĐQT kiêm người đại diện theo pháp luật của công ty tại thời điểm đó.

Hợp đồng có giá trị khoảng 32 tỷ đồng, vượt quá 50% tổng giá trị tài sản của Công ty trong BCTC năm gần nhất 2010 (42 tỷ đồng). Điều lệ Công ty quy định với các hợp đồng như vậy phải thông qua ĐHCĐ, nhưng Tổng giám đốc Công ty trước khi ký đã không thông qua ĐHCĐ.

Về công văn Phó tổng giám Hoàng Tùng của Công ty Diêm Thống Nhất ký gửi SongHong Land có nội dung chấp thuận chấm dứt hợp đồng, đề nghị giảm 50% khoản bồi thường thiệt hại, phía Công ty Diêm Thống Nhất cho rằng, ông Tùng ký với tư cách cá nhân, không đại diện cho Diêm Thống Nhất. Điều lệ công ty quy định việc ký thay phải có văn bản ủy quyền.

Phía SongHong Land có yêu cầu phản tố, đề nghị Tòa án buộc Diêm Thống Nhất phải bồi thường thiệt hại với số tiền 4,9 tỷ đồng. Hợp đồng số 24 ấn định mức bồi thường thiệt hại là 50% giá trị đợt thanh toán đầu tiên, tương ứng với 4,9 tỷ đồng.

Vụ kiện bắt đầu từ năm 2012. Bản án sơ thẩm lần đầu tuyên chấp nhận yêu cầu khởi kiện của Diêm Thống Nhất tuyên hợp đồng vô hiệu, các bên trả lại nhau những gì đã nhận. SongHong Land phải trả cho Diêm Thống Nhất số tiền 11,8 tỷ đồng, bác yêu cầu phản tố của doanh nghiệp này.

Sau đó, năm 2014, Tòa cấp phúc thẩm hủy án sơ thẩm vì vi phạm tố tụng. Đến năm 2019, bản án sơ thẩm lần 2 xác định hợp đồng nguyên tắc số 24 có hiệu lực pháp luật và đã chấm dứt hiệu lực pháp luật. Bản án tuyên buộc SongHong Land phải trả 11,8 tỷ đồng, Diêm Thống Nhất phải bồi thường thiệt hại 4,9 tỷ đồng.

Tại phiên tòa phúc thẩm diễn ra ngày 18/8, 21/8, hai bên tiếp tục tranh luận về vấn đề hiệu lực pháp luật của hợp đồng số 24 và bồi thường thiệt hại.

Diêm Thống Nhất cho rằng, SongHong Land không có thiệt hại. Bị đơn không cung cấp được các chứng cứ chứng minh khoản thiệt hại thực tế.

SongHong Land cho rằng, Công ty chịu thiệt hại khoảng 20 tỷ đồng bao gồm các chi phí giải phóng mặt bằng, chi phí thi công, thiệt hại do không cho thuê được. Tuy nhiên, SongHong Land không yêu cầu bồi thường các thiệt hại thực tế này, mà yêu cầu bồi thường theo mức ấn định trong hợp đồng là 4,9 tỷ đồng.

Sau khi nghị án, HĐXX bác yêu cầu khởi kiện của Diêm Thống Nhất, xác định hợp đồng số 24 có hiệu lực pháp luật, dù Tổng giám đốc của Diêm Thống Nhất ký vượt thẩm quyền, không thông qua ĐHCĐ, nhưng công văn do Diêm Thống Nhất gửi SongHong Land vẫn thể hiện chấp nhận hợp đồng, chấp nhận chấm dứt hợp đồng, đề nghị giảm 50% mức bồi thường thiệt hại.

Tin bài liên quan