Ảnh Shutterstock.

Ảnh Shutterstock.

Tranh chấp đơn giản, vì sao thủ tục giải quyết vẫn kéo dài?

(ĐTCK) Quy định về thủ tục rút gọn trong giải quyết tranh chấp dân sự, giải quyết nợ xấu của ngân hàng đã có từ lâu, tuy nhiên, việc áp dụng còn hạn chế.

Vừa qua, Tòa án Nhân dân thị xã Từ Sơn (Bắc Ninh) đã giải quyết một vụ kiện tranh chấp hợp đồng tín dụng.

Ngân hàng Vietinbank cho ông Nguyễn Đức Q. và bà Trần Thị T. vay số tiền 1,5 tỷ đồng để bổ sung vốn phục vụ hoạt động mua bán, sản xuất gỗ mỹ nghệ. Hết thời hạn vay, khách hàng không trả được nợ. Ngân hàng khởi kiện ra tòa đòi 1,7 tỷ đồng nợ gốc và lãi.

Quá trình giải quyết tại Tòa án, khách hàng thừa nhận việc vay vốn, thừa nhận số nợ gốc và lãi. Do kinh doanh thua lỗ nên vợ chồng ông Q. chưa trả được nợ.

Đối với tài sản bảo đảm là quyền sử dụng đất và tài sản trên đất, ông bà cũng đồng ý xử lý theo quy định pháp luật. Bên bị đơn chỉ đề nghị ngân hàng cho trả dần trong 3 năm và xin trả gốc trước.

Có thể nói, vụ tranh chấp này khá đơn giản khi bị đơn thừa nhận nghĩa vụ cũng không có mâu thuẫn về tài sản bảo đảm.

Vụ việc được giải quyết trong vòng 3 tháng kể từ ngày Tòa án thụ lý đơn khởi kiện. So với nhiều vụ kiện tranh chấp hợp đồng tín dụng kéo dài vài năm hoặc chục năm thì vụ việc này đã được giải quyết trong thời gian rất ngắn. 

Trên thực tế, có rất nhiều vụ kiện tranh chấp hợp đồng tín dụng với số tiền nhỏ, nội dung đơn giản, hồ sơ, chứng cứ đầy đủ, rõ ràng, việc giải quyết theo thủ tục chung kéo dài một cách không cần thiết và có thể giải quyết nhanh hơn theo thủ tục rút gọn, mà vẫn đảm bảo được các mục tiêu mà pháp luật tố tụng đã đặt ra.

Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 đã có quy định về thủ tục rút gọn, theo đó, việc xét xử sơ thẩm, phúc thẩm theo thủ tục rút gọn do một thẩm phán tiến hành. Đối với tranh chấp hợp đồng tín dụng có liên quan tài sản bảo đảm, Quốc hội ban hành Nghị quyết 42 cho phép giải quyết tranh chấp tín dụng theo thủ tục rút gọn.

Ngày 15/5/2018, Tòa án Nhân dân Tối cao ban hành Nghị quyết số 03/2018/NQ-HĐTP (có hiệu lực từ ngày 1/7/2018) hướng dẫn áp dụng các quy định của Nghị quyết 42.

Tuy nhiên, việc áp dụng trong thực tế rất hạn chế.

Một số luật sư, chuyên gia pháp lý bày tỏ không dám khẳng định chưa có vụ việc nào được giải quyết theo thủ tục rút gọn vì chưa có thống kê cụ thể của tòa án.

Tuy nhiên, một luật sư hiện đang là Chủ nhiệm Đoàn Luật sư Thành phố Hà Nội cho biết, thực tiễn công tác của bản thân cũng như đồng nghiệp trong Đoàn luật sư chưa ghi nhận trường hợp như vậy.

Một chuyên gia đang công tác trong ngành tòa án cho biết, theo nắm bắt thông tin cá nhân thì hầu như chưa có vụ việc nào được giải quyết theo thủ tục rút gọn.

Vị chuyên gia nhìn nhận, việc áp dụng thủ tục rút gọn không chỉ giúp các đương sự nhanh chóng giải quyết tranh chấp, mà còn giúp tòa án giảm bớt áp lực quá tải khi các vụ việc đơn giản, rõ ràng được giải quyết trong vòng 1 tháng.

Tuy nhiên, đây là chế định mới, để quy định pháp luật đi vào cuộc sống, cần thời gian, cần vai trò của truyền thông, phổ biến để người có trách nhiệm và người được hưởng quy chế đó hiểu giá trị tích cực của thủ tục đó. Ngoài ra, quy trình ban hành văn bản pháp luật cần thời gian nhất định.

Mặc dù Luật ban hành đã có quy định về thủ tục rút gọn, nhưng để ban hành được Nghị quyết của Hội đồng thẩm phán hay thông tư liên tịch, cần qua 8 - 9 bước từ tổng kết thực tiễn xây dựng báo cáo, xây dựng dự thảo, lấy ý kiến, xin ý kiến cơ quan tổ chức cơ quan...

Cũng có ý kiến cho rằng, các tòa án chưa mạnh dạn triển khai thực hiện thủ tục rút gọn vì có tâm lý sợ sai sót. Thủ tục rút gọn thì nhanh, nhưng thông thường giải quyết nhanh, rủi ro sai sót cao hơn.

Trong bối cảnh hiện nay, quy định pháp luật, yêu cầu xã hội đối với thẩm phán rất khắt khe, tỷ lệ án hủy, sửa do lỗi chủ quan là một yếu tố quan trọng khi xem xét tái bổ nhiệm thẩm phán.

Trước áp lực này, các thẩm phán rất thận trọng và có xu hướng lựa chọn phương thức giải quyết vụ án đúng đắn nhất có thể.

Ở một số nước, thẩm phán có quyền giải thích pháp luật, phát triển pháp luật, có quyền được hiểu quy định của luật, tuy nhiên ở Việt Nam thì khác.

Ví dụ, Khoản 1, Điều 137, Bộ luật Tố tụng dân sự quy định, tòa án giải quyết vụ án dân sự theo thủ tục rút gọn khi có đủ các điều kiện sau: vụ án có tình tiết đơn giản, quan hệ pháp luật rõ ràng.

Thực tiễn ở Việt Nam, những thuật ngữ, khái niệm như “tình tiết đơn giản, "quan hệ pháp luật rõ ràng” có thể gây tranh cãi. Ngay cả khi đã có cách hiểu chung thì vẫn có thẩm phán chờ hướng dẫn giải thích chính thức mới dám áp dụng.

Bên cạnh đó, quy định vụ án giải quyết theo thủ tục rút gọn phải có chứng cứ đầy đủ, bảo đảm đủ căn cứ để giải quyết vụ án và tòa án không phải thu thập tài liệu, chứng cứ.

Thực tế, khi xảy ra nợ xấu, đa phần khách hàng trốn tránh, không hợp tác với tổ chức tín dụng để phối hợp xử lý, nên việc xác nhận này rất khó thực hiện.

Tin bài liên quan