(Ảnh: Internet)

(Ảnh: Internet)

Tranh chấp Austnam và Megastudy

(ĐTCK) Ngày 5/4, TAND TP Hà Nội đã đưa ra xét xử vụ tranh chấp hợp đồng thuê nhà giữa CTCP Megastudy Hocmai.vn và CTCP Austnam.

Diễn biến vụ tranh chấp như sau: tháng 11/2009, CTCP Austnam cho Công ty Megastudy thuê Tòa nhà Austnam ở ngõ 109 đường Trường Chinh, quận Thanh Xuân, Hà Nội. Thời hạn thuê là 3 năm, tiền đặt cọc là 39.138 USD, khoản tiền đặt cọc này nhằm đảm bảo bên thuê thực hiện đúng hợp đồng.

Sau khi ký kết hợp đồng thuê nhà, phía Megastudy đã tiến hành sửa chữa, cải tạo nội thất, đầu tư lắp đặt các thiết bị cho phù hợp với mục đích thuê, với tổng số tiền là 3,5 tỷ đồng. Việc thuê nhà suôn sẻ cho đến năm 2011, khi tòa nhà xuống cấp, điện nước không còn ổn định, gây ảnh hưởng đến hoạt động của Megastudy. Phía Megastudy yêu cầu Austnam phải sửa chữa, vì theo hợp đồng, đây là trách nhiệm của Austnam. Do phía Austnam không sửa chữa nên Megastudy cho rằng, mình có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng và yêu cầu bên cho thuê trả lại số tiền đặt cọc. Tuy nhiên, Austnam cho rằng, Megastudy tự ý chấm dứt hợp đồng nên không trả lại tiền đặt cọc. Không thỏa thuận được, Megastudy đã khởi kiện Austnam ra TAND TP Hà Nội.

Tại tòa, bảo vệ quyền và lợi ích của nguyên đơn, luật sư Đặng Văn Cường (Văn phòng Luật sư Đức Tín) chỉ ra rằng, hợp đồng thuê văn phòng nói trên là hợp đồng vô hiệu cả về nội dung và hình thức. Thứ nhất, hợp đồng không được công chứng, chứng thực theo đúng quy định của Bộ luật Dân sự: “hợp đồng thuê nhà phải được lập thành văn bản, nếu thời hạn thuê từ 6 tháng trở lên phải có công chứng hoặc chứng thực và phải đăng ký”. Do đó, về hình thức, hợp đồng này vô hiệu.

Thứ hai, Luật Nhà ở quy định, nhà ở phải có Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở thì mới đủ điều kiện tham gia giao dịch. Theo đó, thời điểm ký kết hợp đồng thuê nhà, Tòa nhà Austnam vẫn chưa được cấp Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà, nên ngôi nhà này không đủ điều kiện tham gia giao dịch.

Ngoài ra, hợp đồng thuê nói trên được thanh toán bằng USD là vi phạm quy định về quản lý ngoại hối. Pháp lệnh Ngoại hối quy định, mọi giao dịch, thanh toán trên lãnh thổ Việt Nam không được thực hiện bằng ngoại hối. Vậy nhưng, các bên trong hợp đồng đã quy định việc thanh toán tiền thuê, tiền đặt cọc bằng USD và thực tế cũng thanh toán bằng USD. Do vi phạm điều cấm của pháp luật nên hợp đồng này vô hiệu.

Pháp luật quy định, trong trường hợp hợp đồng vô hiệu, các bên phải giao trả nhau những gì đã nhận.

Sau khi nghị án, Hội đồng xét xử đã tuyên hợp đồng nói trên vô hiệu và Austnam phải trả cho Megastydy Hocmai.vn số tiền 39.138 USD.