Vốn TPCP huy động không đủ để trả nợ gốc và lãi đến hạn

Năm 2015, theo kế hoạch, ngân sách nhà nước sẽ huy động tổng cộng 436.000 trái phiếu chính phủ (TPCP) tỷ đồng, gồm vay để bù đắp bội chi là 226.000 tỷ đồng; đầu tư 85.000 tỷ đồng và vay để đảo nợ khoảng 125.000 tỷ đồng.

9 tháng đầu năm 2015, khối lượng vốn huy động mới từ phát hành TPCP không đủ để thanh toán trả nợ khối lượng gốc và lãi TPCP đến hạn, thiếu hụt 33.211 tỷ đồng

9 tháng đầu năm 2015, khối lượng vốn huy động mới từ phát hành TPCP không đủ để thanh toán trả nợ khối lượng gốc và lãi TPCP đến hạn, thiếu hụt 33.211 tỷ đồng

Theo số liệu của Bộ Tài chính, trong 9 tháng đầu năm 2015, tổng khối lượng phát hành TPCP mới đạt được 127.473 tỷ đồng, bằng 51% kế hoạch; trong đó kỳ hạn 5 năm là 64.061 tỷ đồng và kỳ hạn từ 10 năm trở lên là 63.412 tỷ đồng, riêng TPCP kỳ hạn 20 năm đạt 4.230 tỷ đồng.

“Việc huy động TPCP kỳ hạn dài đã tạo điều kiện cho ngân sách nhà nước trong việc sử dụng vốn, cơ cấu lại danh mục nợ TPCP theo hướng nâng dần kỳ hạn nợ, giảm gánh nặng trả nợ trong ngắn hạn. Kỳ hạn phát hành TPCP bình quân đã được cải thiện tăng từ 4,84 năm trong năm 2014 lên 8,85 năm trong 9 tháng đầu năm 2015 và kỳ hạn còn lại bình quân danh mục nợ TPCP tăng từ 2,98 năm tại thời điểm cuối năm 2014 lên 4,14 năm tại thời điểm cuối tháng 9/2015”, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết.

Tuy nhiên, do Nghị quyết 78/2014/QH13 không cho phép phát hành TPCP kỳ hạn từ 5 năm trở lên, không thực hiện các khoản vay kỳ hạn ngắn cho bù đắp bội chi ngân sách nhà nước, giảm vay đảo nên theo ông Dũng, năm 2015, khối lượng phát hành TPCP rất khó đạt kế hoạch đề ra.

“Mặc dù đã triển khai đồng bộ các giải pháp để tăng cường huy động vốn cho ngân sách nhà nước, nhưng trong 9 tháng đầu năm 2015, khối lượng phát hành TPCP (gồm cả trái phiếu nội tệ và ngoại tệ) mới đạt 127.473 tỷ đồng, bằng 51% kế hoạch và bằng 60,6% so với cùng kỳ năm 2014. Nếu không được phát hành đa dạng hóa các kỳ hạn TPCP thì dự kiến cả năm 2015 chỉ huy động được khoảng 160.000 tỷ đồng”, ông Dũng lo lắng.

“Trong khi đó, khối lượng thanh toán gốc và lãi TPCP trong 9 tháng đầu năm 2015 là 160.684 tỷ đồng. Như vậy, trong 9 tháng đầu năm 2015, khối lượng vốn huy động mới từ phát hành TPCP không đủ để thanh toán trả nợ khối lượng gốc và lãi TPCP đến hạn, thiếu hụt 33.211 tỷ đồng”, người đứng đầu ngành tài chính cho biết thêm.

Bộ Tài chính không chỉ lo lắng trước việc rất khó để hoàn thành kế hoạch huy động TPCP mà còn lo ngại trước việc lãi suất huy động ngày càng tăng.

Cụ thể, lãi suất phát hành TPCP kỳ hạn 5 năm đã tăng từ 5,4%/năm tại thời điểm cuối tháng 5/2015 lên 6,6%/năm vào thời điểm cuối tháng 9/2015. Mặc dù vậy nhưng vẫn có nhiều phiên phát hành TPCP không thành công hoặc khối lượng phát hành đạt thấp.

“Lãi suất TPCP tăng không những làm tăng chi phí huy động vốn của ngân sách nhà nước mà còn ảnh hưởng tới lãi suất trên thị trường tiền tệ và thị trường tài chính nói chung, đồng thời còn tác động đến tâm lý nhà đầu tư do sự biến động của thị trường”, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng lo ngại.

Trong khi đó, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính-Ngân sách của Quốc hội, ông Phùng Quốc Hiển lại cho rằng, việc Nghị quyết 78/2014/QH13 không cho phép phát hành TPCP kỳ hạn ngắn là hoàn toàn đúng đắn.

“Kết quả đáng ghi nhận là kỳ hạn bình quân của tống thể khối lượng TPCP đang lưu hành trên thị trường tăng lên trên 4 năm, cao hơn so với mức bình quân khoảng 3 năm của năm 2014. Điều đó khẳng định quy định của Quốc hội về phát hành TPCP kỳ hạn từ 5 năm trở lên để huy động vốn cho bù đắp bội chi và tăng chí đầu tư phát triển là đúng đắn”.

Mặc dù vậy, trước thực tế không hoàn thành kế hoạch phát hành TPCP, tại Phiên họp thứ 42 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, ông Hiển vẫn đồng ý với đề xuất của Bộ Tài chính kiến nghị Quốc hội cho phép đa dạng hóa kỳ hạn phát hành TPCP. Tức là lại cho phép phát hành TPCP kỳ hạn dưới 5 năm như trước năm 2015.

Theo ông Hiển, nếu tiếp tục thực hiện phát  hành TPCP có thời hạn từ 5 năm trở lên thì từ nay đến cuối năm 2015 sẽ không huy động đủ lượng vốn cần thiết đáp ứng nhu cầu chi thực hiện các mục tiêu phát triên kinh tế xã hội theo Nghị quyết của Quốc hội.

Nếu được Quốc hội chấp thuận, ông Dũng cam kết vẫn tập trung phát hành TPCP có kỳ hạn dài từ 5 năm trở lên, dự kiến vào khoảng 60%-70% tổng khối lượng phát hành tùy vào tình hình thị trường.

“Với điều kiện kinh tế vĩ mô, thị trường ổn định và khối lượng huy động qua kênh TPCP phù hợp với khả năng hấp thụ của thị trường, dự kiến kỳ hạn phát hành bình quân của TPCP là 5,5 năm trong giai đoạn 2016 – 2020”, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng tính toán.

Bên cạnh đẩy mạnh huy động vốn ở thị trường tròn nước, ông Dũng cho biết, Chính phủ sẽ huy động vốn thông qua phát hành TPCP tại thị trường quốc tế, nhằm giảm bớt áp lực huy động vốn tại thị trường trong nước.

Đối với việc phát triển thị trường vốn trong nước, ông Dũng cho biết, Bộ tài chính sẽ thực hiện các giải pháp để phát triển thị trường thông qua việc phát triển hệ thống nhà đầu tư dài hạn (quỹ đầu tư, quỹ hưu trí), thu hút nhà đầu tư nước ngoài nhằm đẩy mạnh cầu đầu tư dài hạn trên thị trường TPCP, từng bước giảm bớt sự phụ thuộc vào hệ thống ngân hàng thương mại.

Tin bài liên quan