Tuần thứ 2 tháng 5/2014: Lợi suất trái phiếu đi ngang

Tuần thứ 2 tháng 5/2014: Lợi suất trái phiếu đi ngang

(ĐTCK) Lãi suất huy động tiếp tục giảm bởi một số ngân hàng lớn, còn trên thị trường trái phiếu đầu tuần này, lợi suất đi ngang. Về giao dịch, nhà đầu tư nước ngoài chiếm khoảng 13% trong tổng số giao dịch, khối này đã mua ròng khoảng 187 tỷ đồng từ ngày 5 - 7/5.

Với giá trị niêm yết khoảng 550.000 tỷ đồng, thị trường trái phiếu chính phủ Việt Nam ngày càng khẳng định vai trò quan trọng trong nền kinh tế, đồng thời là một kênh đầu tư đáng quan tâm. 

Để thông tin về thị trường trái phiếu - một trong ba trụ cột của thị trường tài chính, báo Đầu tư Chứng khoán sẽ phối hợp với CTCK VPBS thực hiện Chuyên mục Thi trường trái phiếu hàng tuần, để cập nhật thông tin thị trường và giúp độc giả đến gần hơn với các cơ hội trên thị trường trái phiếu. Những diễn biến trong tuần về phát hành, giao dịch trên thị trường thứ cấp sẽ được cập nhật một cách đầy đủ.

Trên thị trường trái phiếu sơ cấp, trong tuần bắt đầu từ 5/5, Kho bạc Nhà nước (KBNN) và Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) đã gọi thầu 8.000 tỷ đồng trái phiếu kỳ hạn 2, 3 và 5 năm và 1.000 tỷ đồng trái phiếu kỳ hạn 3 và 5 năm. Tuy nhiên, trong ngày 5/5, phiên đấu thầu của NHCSXH không thành công, do vùng lãi suất đặt thầu cao hơn trong phiên tuần trước. Đối với kỳ hạn 3 năm, vùng lãi suất đặt thầu cao hơn 20 điểm so với lãi suất trúng thầu trong phiên tuần trước ở mức 6,8%/năm. Đối với kỳ hạn 5 năm, lãi suất đặt thầu thấp nhất vẫn ở mức 7,6%/năm, mức lãi suất trúng thầu gần nhất, nhưng có lẽ cao hơn lãi suất trần của nhà phát hành. Tỷ lệ dự thầu chỉ khoảng 1,1 lần, thấp hơn so với phiên trước đó là 1,95 lần, cho thấy NĐT đã phần nào mất hứng thú đối với loại trái phiếu này.

Tuần trước, Kho bạc Nhà nước, nhà phát hành duy nhất trong tuần nghỉ lễ, huy động thành công toàn bộ khối lượng gọi thầu 8.000 tỷ đồng. Tỷ lệ trúng thầu ở mức cao, 100%. Lợi suất trái phiếu tiếp tục giảm nhẹ. Cụ thể, trái phiếu kỳ hạn 2,3 và 5 năm giảm 8, 13 và 12 điểm, lần lượt xuống mức 5,58%/năm, 6,07%/năm và 7,12%/năm.

Trên thị trường thứ cấp, từ ngày 5 - 7/5, tổng giao dịch đạt 3.104 tỷ đồng, trung bình khoảng 1.034 tỷ đồng/phiên, giảm 55,6% so với tuần trước (2,336 tỷ đồng/phiên). Trong đó, giao dịch outright trái phiếu chiếm 56% (1.728 tỷ đồng). Trái phiếu được giao dịch chủ yếu là trái phiếu kỳ hạn 2 và 3 năm. Bên cạnh đó, giao dịch repo chiếm tới 44% tổng giao dịch (1.375 tỷ đồng) với kỳ hạn dao động trong khoảng 34 - 180 ngày.

Giao dịch NĐT nước ngoài chiếm khoảng 13% trong tổng số giao dịch. Họ đã mua ròng khoảng 187 tỷ đồng từ ngày 5 - 7/5.

Lợi suất trái phiếu chính phủ hầu như đi ngang ở mọi kỳ hạn. Theo chúng tôi quan sát, kỳ hạn 1 và 2 năm tăng nhẹ khoảng 2 điểm, lên mức 4,84%/năm và 5,62%/năm trong khi kỳ hạn 3 năm giảm khoảng 3 điểm, xuống 6,11%/năm (số liệu đóng cửa ngày 7/5). Ở các kỳ hạn 5 năm và 10 năm, lợi suất vẫn ổn định ở mức 7,15%/năm và 8,72%/năm. Các kỳ hạn còn lại là kỳ hạn 7 năm và 15 năm giảm nhiều nhất, khoảng 8 điểm và 4 điểm xuống lần lượt ở mức 8,17%/năm và 8,93%/năm.

Lãi suất liên ngân hàng ở tất cả các kỳ hạn ngắn đã khá ổn định ở mức thấp. Lãi suất qua đêm các kỳ hạn 1, 2, 3 tháng giảm, còn lần lượt 2,457%/năm, 2,714%/năm và 2,957%/năm.

Tỷ giá USD/VND khá ổn định trong tháng 4, nhưng bất ngờ giảm mạnh vào cuối tháng do số liệu dự trữ ngoại hối được công bố đạt mức cao kỷ lục 35 tỷ USD. Tỷ giá tại Vietcombank niêm yết ổn định quanh mức 21.080–21.120 VND/USD, trước khi giảm xuống mức 21.065 – 21.105 vào ngày 29/4, mức thấp nhất tính từ sau Tết. Tuy nhiên, căng thẳng trên biển Đông giữa Việt Nam và Trung Quốc đã một phần đẩy tỷ giá USD/VND chào bán tại Vietcombank tăng 25 đồng so với giá đóng cửa hôm qua, niêm yết ở mức 21.080 – 21.140 VND/USD vào sáng nay.

Tuần trước, 2 trong số các ngân hàng thương mại lớn của Việt Nam là ACB và Sacombank tiếp tục giảm lãi suất huy động. Lãi suất huy động của ACB đã được điều chỉnh giảm từ 40 - 80 điểm cơ bản ở các kỳ hạn khác nhau. Tại Sacombank, lãi suất huy động đã giảm từ 10 - 20 điểm cơ bản cho kỳ hạn từ 7 - 11 tháng.

Những sự thay đổi này phù hợp với mức thanh khoản cao trong hệ thống ngân hàng tại thời điểm hiện tại. Ngày 29/4, Thống đốc NHNN cho biết, NHNN đã mua 10 tỷ USD trong 4 tháng đầu năm nay, tăng dự trữ ngoại hối lên mức cao kỷ lục 35 tỷ USD.

Để hút bớt lượng tiền đồng cung ra thị trường để mua ngoại tệ, NHNN đã bán ra 328.940 tỷ đồng (tương đương 15,66 tỷ USD) tín phiếu trong 4 tháng đầu năm, cao hơn so với mức ước tính khoảng 173.850 tỷ đồng vào năm 2011 và 256.000 tỷ đồng vào năm 2012. Tính đến cuối tháng 4, lượng cung tiền đã tăng 4,18%, trong đó tổng lượng tiền gửi tăng 3,41%, trong khi đó tín dụng đã tăng nhẹ lên gần 1% so với đầu năm, thấp hơn mức tăng tiền gửi rất nhiều

Trong tháng này, thông tư sửa đổi Thông tư 13/2010/TT-NHNN sửa đổi về tỷ lệ an toàn trong hoạt động ngân hàng dự kiến sẽ được ban hành. Theo đó, tỷ lệ cho vay đối với tiền gửi sẽ được nâng từ mức 80% như hiện nay lên 85%. Nếu các ngân hàng không tận dụng cơ hội này để tăng giải ngân tín dụng, các ngân hàng vẫn sẽ tiếp tục chịu sức ép cắt giảm lãi suất huy động để cắt giảm chi phí. 

Với thị trường vàng ổn định và dự trữ ngoại hối dồi dào đảm bảo đồng nội tệ không bị mất giá, việc tiếp tục cắt giảm lãi suất huy động có tính khả thi mà không làm tiền gửi bị rút ra khỏi hệ thống ngân hàng và nhiều khả năng lợi suất trái phiếu chính phủ sẽ tiếp tục giảm trên thị trường sơ cấp.

Tin bài liên quan