Trái phiếu doanh nghiệp sẽ hạ “cơn sốt nóng”

Trái phiếu doanh nghiệp sẽ hạ “cơn sốt nóng”

(ĐTCK) Góc nhìn từ các ngân hàng thương mại, nhà đầu tư, cũng như doanh nghiệp cho rằng, động thái Ngân hàng Nhà nước cảnh báo đối với hoạt động đầu tư vào trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) của các ngân hàng thương mại sẽ không ảnh hưởng đáng kể đến sự phát triển sôi động của thị trường. Tuy nhiên, thị trường cần được ứng xử hài hòa để phát triển lành mạnh, tích cực.

Không lo sụt cầu

Tiếp nối đà sôi động của thị trường TPDN 6 tháng đầu năm nay, với tổng giá trị trái phiếu doanh nghiệp phát hành riêng lẻ đạt 116.765 tỷ đồng, tăng 74,3% so với cùng kỳ năm 2018, những thông tin cập nhật từ thị trường cho thấy diễn biến này tiếp tục được duy trì.

Theo ghi nhận của Hiệp hội Thị trường trái phiếu Việt Nam (VBMA), trong tổng số 23 thương vụ phát hành TPDN trong tháng 7/2019, chỉ có một thương vụ phát hành thất bại của CTCP Ðầu tư Ðường Mặt trời. Trong 22 thương vụ phát hành TPDN thành công, chỉ có một thương vụ là phát hành ra công chúng, còn lại là phát hành riêng lẻ (chi tiết xem bảng).

Ðiểm đáng chú ý trên thị trường TPDN tháng 7/2019 là trong số các thương vụ phát hành TPDN thành công có nhiều doanh nghiệp niêm yết như: CTCP Ðầu tư hạ tầng kỹ thuật TP.HCM (CII), CTCP Tập đoàn Ðất Xanh (DXG), Công ty Chứng khoán Trí Việt (TVB), Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPB)… Trong đó, đợt phát hành của VPB là thương vụ huy động được lượng vốn lớn nhất và đây cũng là đợt phát hành ra đại chúng duy nhất. Theo đó, VPB đã huy động được 300 triệu USD trái phiếu quốc tế, với lãi suất cố định 6,25%/năm. Ðây là loại trái phiếu có kỳ hạn 3 năm, không chuyển đổi, không kèm chứng quyền, không có tài sản đảm bảo.

Ðáng chú ý, trong tổng số 22 thương vụ phát hành thành công, riêng CTCP Ðầu tư và Phát triển Du lịch Phú Quốc đã phát hành thành công tới 9/9 đợt, qua đó huy động được 1.710 tỷ đồng. Cả 9 đợt phát hành này đều là phát hành riêng lẻ với lãi suất cố định 10%/năm, 1 năm đầu lãi suất thả nổi là bình quân lãi suất tiết kiệm kỳ hạn 1 năm của 4 ngân hàng + 4%/năm.

Các thương vụ phát hành trái phiếu riêng lẻ thành công trong tháng 7/2019 có mặt bằng lãi suất phổ biến từ 10 - 12%/năm. Ðơn vị trả lãi suất cố định cao nhất cho đợt phát hành riêng lẻ thành công trong tháng 7/2019 là CTCP Ðầu tư Thành Thành Công. Theo đó, Công ty đã huy động được 100 tỷ đồng trái phiếu có kỳ hạn 2 năm, lãi suất cố định 12%/năm.

Trong bối cảnh thị trường đang diễn biến khá sôi động như vậy, Ngân hàng Nhà nước vừa có Công văn số 6128/NHNN-TTGSNH gửi các ngân hàng thương mại trong nước yêu cầu kiểm soát rủi ro trong hoạt động đầu tư TPDN.

Xuất phát từ thực tế một số ngân hàng có số dư đầu tư TPDN chiếm tỷ trọng lớn trong tổng tài sản và tiếp tục tăng nhanh, đặc biệt là số dư đầu tư trái phiếu vào lĩnh vực xây dựng, bất động sản lớn; đồng thời, một số ngân hàng tiếp tục đầu tư trái phiếu với mục đích cơ cấu lại nợ của tổ chức phát hành trong năm 2019...,

Ngân hàng Nhà nước yêu cầu các ngân hàng thương mại không được mua TPDN, trong đó có mục đích để cơ cấu lại các khoản nợ của doanh nghiệp phát hành. Ðồng thời, phải kiểm soát chặt chẽ hoạt động đầu tư trái phiếu có mục đích đầu tư vào các chương trình, dự án thuộc lĩnh vực kinh doanh bất động sản để hạn chế rủi ro…

Từ động thái trên của cơ quan điều hành chính sách tiền tệ, câu hỏi đặt ra là có ảnh hưởng đến sức cầu của thị trường trái phiếu trong thời gian tới?

Theo nhận định của giám đốc đầu tư và quản lý danh mục đầu tư thuộc khối nguồn vốn của một ngân hàng đang niêm yết, thực ra, các chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước không có gì mới, mà chỉ là nhắc nhở các ngân hàng tuân thủ các quy định về đảm bảo tỷ lệ an toàn vốn, kiểm soát chặt rủi ro khi đầu tư vào TPDN. Dù là đầu tư vào TPDN hay cho vay tín dụng, thì các ngân hàng đều đang bị kiểm soát bởi trần tăng trưởng tín dụng hàng năm. Do đó, trên thực tế ngân hàng nào đầu tư nhiều vào TPDN thì giảm quy mô cho vay tín dụng và ngược lại.

Do đó, sau động thái của Ngân hàng Nhà nước, sức cầu trên thị trường TPDN sẽ ít bị tác động, bởi các ngân hàng trên cơ sở chủ động kiểm soát rủi ro, cũng như đảm bảo tỷ lệ an toàn vốn, họ sẽ vẫn ưa thích đầu tư vào TPDN vì khoản đầu tư cho phép mua bán linh hoạt, nhờ thị trường thanh khoản tốt. Ðiều này sẽ giúp cho thị trường tiếp tục diễn biến sôi động trong thời gian tới.

“Tất nhiên, để giảm thiểu rủi ro cho cả ngân hàng với tư cách là bên mua TPDN, cũng như các đối tượng nhà đầu tư khác, nhà quản lý cần thúc đẩy phát triển thị trường định mức tín nhiệm, khắc phục hiệu quả tình trạng kém thông tin vẫn tồn tại…”, vị chuyên gia trên nói.

Trong trường hợp sức cầu từ thị trường bị ảnh hưởng thì có khả năng cũng ở diện hẹp vì chỉ giới hạn ở một số ngân hàng mua TPDN với mục đích cơ cấu lại nợ của tổ chức phát hành như Ngân hàng Nhà nước chỉ ra.

Một chuyên gia ở VBMA nhìn nhận, số ngân hàng đầu tư trái phiếu với mục đích này là gần như không đáng kể, nên sẽ ít tác động làm suy giảm sức cầu trên thị trường. Bởi vậy, diễn biến thị trường TPDN dự báo sẽ tiếp tục sôi động.

Tất nhiên, sau cảnh báo của Ngân hàng Nhà nước, các ngân hàng thương mại có thể sẽ phải chặt chẽ hơn trong lựa chọn các phương án đầu tư vào TPDN theo hướng hưởng lãi suất thấp hơn, nhưng tỷ lệ an toàn cao hơn.

Tránh điều hành… giật cục

So với sự quá trầm lắng của thị trường TPDN những năm trước, sự phát triển của thị trường từ đầu năm đến nay tạo ra cảm giác thị trường sốt nóng. Nhưng theo góc nhìn của cơ quan quản lý thị trường, cũng như nhà đầu tư, thực ra xét về bản chất thì chưa đến mức như vậy.

Bởi vậy, câu hỏi đặt ra là cần ứng xử ra sao với thị trường? Một chuyên gia trong lĩnh vực chứng khoán nhìn nhận, để phát triển thị trường TPDN tích cực, cần sự phối hợp chính sách để dịch chuyển nhanh lượng vốn mà các ngân hàng đang cho vay tín dụng sang hình thức đầu tư vào TPDN như thông lệ các nước. Do đó, các chính sách điều hành cần hỗ trợ cho nỗ lực này, qua đó giúp thị trường TPDN mở rộng quy mô, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp huy động vốn, giảm gánh nặng tài trợ vốn cho hệ thống tổ chức tín dụng…

Một chuyên gia ở Bộ Tài chính nhìn nhận, sự phát triển của thị trường TPDN Việt Nam mới ở giai đoạn ban đầu, nên cần sự giám sát, điều hành chặt chẽ từ phía nhà quản lý, nhưng không vì thế mà vội vàng đưa ra những quy định giật cục làm ảnh hưởng đến sự phát triển của thị trường hiện nay.

Hơn nữa, chủ yếu các đợt phát hành TPDN từ đầu năm đến nay là phát hành riêng lẻ với đại đa số là nhà đầu tư tổ chức, chuyên nghiệp tham gia, nên họ có khả năng nhận diện rủi ro khá tốt. Ðể thị trường phát triển lành mạnh, một mặt nhà quản lý đang thúc đẩy nhanh việc phát triển thị trường định mức tín dụng, để tạo lợi cho nhà đầu tư đánh giá rủi ro của các sản phẩm trái phiếu.

Minh bạch thông tin thị trường cũng đang được tăng cường, qua đó góp phần giảm thiểu rủi ro. Ngoài ra, Luật Chứng khoán đang được sửa đổi theo hướng chỉ nhà đầu tư tổ chức, chuyên nghiệp mới được tham gia thị trường TPDN, nên sẽ giúp cho thị trường phát triển lành mạnh, tích cực.           

Trái phiếu doanh nghiệp sẽ hạ “cơn sốt nóng” ảnh 1
Tin bài liên quan