Tiết kiệm chảy một phần vào trái phiếu doanh nghiệp

Tiết kiệm chảy một phần vào trái phiếu doanh nghiệp

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) TTCK giật cục, sau một phiên tăng vài chục điểm có thể là phiên sụt giảm tương ứng mà không cần một lý do rõ ràng là diễn biến thường thấy trên TTCK Việt Nam. 

Người có tiền nhìn chứng khoán giảm là thấy cơ hội, nhưng diễn biến giật cục của thị trường luôn khiến họ cảm nhận rõ rủi ro.

Vậy nên chọn đầu tư như thế nào để không lỡ cơ hội, mà không quá rủi ro trên TTCK? Kênh đầu tư đang được nhiều môi giới dẫn dắt nhà đầu tư mới là mua trái phiếu doanh nghiệp. Nếu là trái phiếu trơn, người mua có cơ hội nhận lại gốc và lãi sau một thời gian nắm giữ.

Nếu là trái phiếu chuyển đổi, ngoài việc nhận lãi và gốc, nhà đầu tư còn có một lựa chọn khác là chuyển khoản đầu tư thành cổ phiếu khi đến hạn.

Các nhà đầu tư mới đến với TTCK cũng dễ chọn phương án mua trái phiếu hoặc dành một phần tài sản dự định đầu tư cho kênh trái phiếu. Sự nỗ lực của nhà môi giới cộng với tâm lý người mới, muốn thăm dò, cảm nhận thị trường đã khiến kênh đầu tư trái phiếu tăng mạnh trong thời gian gần đây.

Thống kê của CTCK MBS cho biết, nếu như quý I, kênh trái phiếu doanh nghiệp mới huy động được 47.000 tỷ đồng thì sang quý II/2020, số tiền chảy vào kênh trái phiếu doanh nghiệp tăng vọt lên 127.000 tỷ đồng. Như vậy, 6 tháng đầu năm nay, khối lượng trái phiếu doanh nghiệp được nhà đầu tư đón nhận đạt 174.237 tỷ đồng, tăng 48% so với cùng kỳ năm ngoái.

Dòng tiền nhàn rỗi chọn chảy vào trái phiếu doanh nghiệp còn đến từ việc kênh gửi tiết kiệm ngân hàng có lãi suất giảm dần.

Tăng trưởng tín dụng ở mức rất thấp (6 tháng đạt 3,26%), khiến các ngân hàng không có nhu cầu tăng lãi suất để huy động vốn. Với hiện trạng thị trường vừa qua, rõ ràng, một phần tiền tiết kiệm đã được chuyển sang kênh trái phiếu doanh nghiệp.

Tạm bỏ qua những vấn đề của thị trường trái phiếu doanh nghiệp, đặc biệt là ở việc quy định pháp lý còn lỏng lẻo, khiến các doanh nghiệp tranh thủ tận dụng lúc này để gọi vốn (từ 1/9/2020, Nghị định 81/2020/NÐ-CP có hiệu lực sẽ quản chặt việc phát hành trái phiếu doanh nghiệp), thì việc dòng tiền nhàn rỗi thay vì gửi ngân hàng đã phân bổ một phần vào trái phiếu là một tín hiệu vui với ngành chứng khoán non trẻ.

Hiện tại là kênh trái phiếu doanh nghiệp, nhưng dòng tiền nhàn rỗi kỳ vọng sẽ hướng nhiều hơn vào kênh cổ phiếu, đầu tư như một cách tiết kiệm và đó cũng là một trong những cái đích ngành chứng khoán đặt ra trong thời gian tới đây.

Quan sát TTCK từ năm 2017 đến nay cho thấy, giá trị giao dịch  cổ phiếu trên sàn HOSE bình quân/phiên có sự tăng, giảm đan xen nhưng chỉ quanh mức 5.000 tỷ đồng/phiên (năm 2017 là 4.245 tỷ đồng/phiên; năm 2018 là 5.575 tỷ đồng/phiên; năm 2019 là 4.128 tỷ đồng/phiên;  6 tháng năm 2020 đạt 5.300 tỷ đồng/phiên).

Dòng tiền luân chuyển trên TTCK như vậy còn rất nhỏ so với tiềm lực tài chính nhàn rỗi trong dân chúng.

Ðể giải bài toán niềm tin đầu tư vào kênh cổ phiếu, cái gốc là hàng hóa lên sàn phải đảm bảo chất lượng. Tổng giám đốc một công ty quản lý quỹ mới đây chia sẻ câu chuyện làm ông tá hỏa: đầu tư vào 1 DN sau 3 năm mới biết họ toàn làm báo cáo ảo.

Năm gần nhất, DN báo lãi 20 tỷ đồng, trong khi thực chất lỗ 30 tỷ đồng. Tiếp tay cho hành vi này là sự thông đồng của công ty kiểm toán.

Các số liệu tài chính doanh nghiệp xây nên được công ty kiểm toán xác nhận “trung thực, chuẩn mực”, lừa không chỉ nhà đầu tư cá nhân, mà còn cả quỹ đầu tư trên thị trường.

Tiết kiệm chảy một phần vào trái phiếu doanh nghiệp là một nét mới trong bức tranh TTCK Việt Nam.

Ðể dòng chảy này duy trì và mở rộng sang kênh cổ phiếu giúp thanh khoản TTCK không quẩn quanh mức 5.000 tỷ đồng, đòi hỏi niềm tin của nhà đầu tư phải được xác lập theo hướng mua mà không lo bị mất vì những rủi ro doanh nghiệp làm giả, ảo, đội lái làm giá, thao túng trên thị trường.

Tin bài liên quan