Tiền nóng chọn trái phiếu doanh nghiệp, cảnh báo “bỏng tay” (Kỳ 2): Coi chừng… “bỏng tay”

Tiền nóng chọn trái phiếu doanh nghiệp, cảnh báo “bỏng tay” (Kỳ 2): Coi chừng… “bỏng tay”

(ĐTCK) Số liệu được đưa ra từ Bộ Tài chính, trong nửa đầu năm nay, khối lượng trái phiếu doanh nghiệp phát hành đã chạm ngưỡng 90.000 tỷ đồng, bằng 134% so với cùng kỳ năm trước. Dòng tiền chảy mạnh vào kênh trái phiếu doanh nghiệp trong bối cảnh thị trường còn nhiều “gót chân Asin” khiến các cơ quan hữu quan đang tăng cường theo dõi và giám sát.

Kỳ 2: Coi chừng… “bỏng tay”

Sức nóng của thị trường trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) đang ở giai đoạn ban đầu, nên nhiều ý kiến dự báo thị trường sẽ còn tăng nhiệt. Trong bối cảnh này, việc nhà đầu tư cá nhân với khả năng phân tích và dự báo còn hạn chế, nhưng vì sức hấp dẫn của lãi suất cao mà lao vào vòng xoáy rót vốn vào trái phiếu dễ dẫn tới những rủi ro như cảnh báo của người trong cuộc.

Nhà đầu tư cá nhân bị cuốn vào vòng xoáy?

Tuy đa phần các thương vụ phát hành TPDN diễn ra trong 6 tháng đầu năm nay là phát hành riêng lẻ (khoảng 95% theo tổng hợp của Hiệp hội Thị trường trái phiếu Việt Nam - VBMA), nhưng một điểm đáng chú ý là tại nhiều thương vụ, số lượng nhà đầu tư cá nhân tham gia áp đảo nhà đầu tư tổ chức.

Cùng với đó, trong không ít thương vụ thành công, giá trị trái phiếu do nhà đầu tư cá nhân nắm giữ chiếm tỷ trọng gần như tuyệt đối, thậm có nhiều thương vụ đối tượng nhà đầu tư này nắm giữ đến 100% lượng cổ phiếu phát hành thành công.

Điển hình là đợt huy động 44,2 tỷ đồng trái phiếu, với lãi suất lên tới 13%/năm vào ngày 24/6 vừa qua của Công ty cổ phần Vận chuyển Mercury, có tới 49 nhà đầu tư cá nhân tham gia mua toàn bộ lượng trái phiếu phát hành thành công, không có nhà đầu tư tổ chức nào tham gia.

Một thương vụ phát hành trái phiếu khác nhà đầu tư cá nhân cũng nắm giữ 100% là của Công ty Chứng khoán An Bình. Theo đó, tại đợt phát hành ngày 23/4 - 30/6, Công ty huy động được 18,15 tỷ đồng, với lãi suất 9,5%/năm. Lượng trái phiếu này được bán toàn bộ cho 4 nhà đầu tư cá nhân, không có nhà đầu tư tổ chức nào.

Liên tiếp trong 3 đợt phát hành trái phiếu từ ngày 11/4 - 30/6, Công ty cổ phần Đầu tư và cho thuê tài sản TNL huy động được gần 150 tỷ đồng với lãi suất 9%/năm. Trong cả 3 đợt chào bán này, toàn bộ lượng trái phiếu được phân phối cho nhà đầu tư cá nhân.

Một thương vụ khác cũng thu hút nhiều nhà đầu tư cá nhân tham gia là trong đợt phát hành từ ngày 1 - 4/7, Công ty Chứng khoán Trí Việt huy động được 80 tỷ đồng trái phiếu với lãi suất 10,53%/năm từ 42 nhà đầu tư cá nhân (nắm giữ 49,88% lượng trái phiếu phát hành thành công), trong khi chỉ có một nhà đầu tư tổ chức tham gia… (chi tiết xem bảng).

Tiền nóng chọn trái phiếu doanh nghiệp, cảnh báo “bỏng tay” (Kỳ 2): Coi chừng… “bỏng tay” ảnh 1

“Với mức lãi suất 12 - 14%/năm, các đợt phát hành trái phiếu đang tạo ra sức hút với các nhà đầu tư, trong đó có cả nhà đầu tư nhân. Do đó, nếu các hoạt động kiểm tra, giám sát từ nhà quản lý không chặt, thì vì sức hấp dẫn của lãi suất cao, có nguy cơ nhà đầu tư cá nhân nhỏ lẻ đu theo các "tay to" để nhập cuộc chơi trên thị trường TPDN, trong khi họ hạn chế về khả năng tự phân tích và đánh giá rủi ro, dẫn đến ẩn họa những tác động tiêu cực mang tính dây chuyền trên thị trường...”, Phó tổng giám đốc một ngân hàng nhìn nhận.

Ông cho biết thêm, đặc thù của đầu tư vào trái phiếu là giá trị lớn, trong khi nhiều đợt phát hành theo hình thức riêng lẻ, không có tài sản đảm bảo, nên rủi ro lớn với nhà đầu tư. Đây là điều cần cảnh báo và không thể xem thường, nhất là trong bối cảnh thị trường TPDN mới ở trong giai đoạn phát triển ban đầu, nhà đầu tư cá nhân không dễ nhận diện sâu sắc các rủi ro.

Tại cuộc họp báo Chính phủ tháng 7 vừa diễn ra, Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai cho biết, lãi suất của TPDN 7 tháng năm 2019 cao hơn so với năm 2018, khi dao động ở mức 10 - 12%/năm. Riêng đợt phát hành TPDN của CTCP Phát triển bất động sản Phát Đạt có mức lãi suất 12 - 14,5%/năm.

Đây là một trong những doanh nghiệp huy động trái phiếu có mức lãi suất cao nhất. Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Tài chính đã rà soát, đánh giá mức lãi suất mà các doanh nghiệp huy động qua phát hành trái phiếu cho thấy chưa có xu hướng biến động đáng ngại. Tuy nhiên, Bộ đang theo dõi, đánh giá, phân tích thường xuyên, nếu có bất thường thì sẽ có giải pháp phù hợp…

Thêm nhiều rủi ro khác

Ngoài việc lãi suất nóng dễ khiến nhà đầu tư “bỏng tay" khi rót mạnh tiền vào TPDN, ý kiến từ chuyên gia nhìn nhận, còn nhiều rủi ro khác mà nhà đầu tư đang phải đối mặt.

Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư Chứng khoán, ông Đỗ Ngọc Quỳnh, Tổng thư ký VBMA cho rằng, thị trường TPDN chưa hình thành các công cụ bảo hiểm rủi ro cho nhà đầu tư nước ngoài như thị trường trái phiếu chính phủ hay cổ phiếu.

Cụ thể, thị trường thiếu các công cụ phái sinh phòng ngừa rủi ro, đặc biệt là rủi ro tỷ giá... khiến cho các hoạt động đầu tư thêm rủi ro. Các chuẩn mực về sản phẩm, quy trình phát hành, mẫu biểu, mẫu hợp đồng giao dịch trên thị trường TPDN Việt Nam cũng chưa được hình thành rõ ràng, dẫn đến một số đợt phát hành triển khai lộn xộn, ảnh hưởng đến chất lượng trái phiếu phát hành và quyền lợi của nhà đầu tư…

Hiện thị trường định hạng tín nhiệm tại Việt Nam đang ở giai đoạn manh nha hình thành. Cho tới nay, mới có một đơn vị là Công ty cổ phần Sài Gòn Phát Thịnh Rating được Bộ Tài chính cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ xếp hạng tín nhiệm. Bên cạnh đó, hoạt động cung cấp dịch vụ xếp hạng tín nhiệm còn rất hạn chế, do chưa có quy định bắt buộc sử dụng dịch vụ xếp hạng tín nhiệm khi phát hành trái phiếu.

Cũng chưa có quy định ưu tiên đầu tư vào trái phiếu doanh nghiệp có xếp hạng tín nhiệm, nên doanh nghiệp chưa quan tâm, chưa có nhu cầu sử dụng dịch vụ. Thực tế này khiến chất lượng trái phiếu đang ở trạng thái “vàng thau lẫn lộn”, dẫn tới nhà đầu tư vừa khó khăn, vừa mất nhiều thời gian tìm hiểu, đánh giá về doanh nghiệp trước khi đưa ra quyết định đầu tư trái phiếu.

Theo chuyên gia pháp lý của một công ty quản lý quỹ có vốn đầu tư nước ngoài, Nghị định 163/2018/NĐ-CP về phát hành TPDN quy định, TPDN phát hành riêng lẻ bị hạn chế giao dịch trong phạm vi dưới 100 nhà đầu tư, không kể nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp, trong vòng 1 năm kể từ ngày hoàn thành đợt phát hành.

Vị chuyên gia cho rằng, Nghị định 63/2018/NĐ-CP nên được sửa đổi theo hướng trái phiếu phát hành riêng lẻ phải bị hạn chế giao dịch trong suốt thời hạn của trái phiếu, đồng thời loại trái phiếu này chỉ được phép chuyển nhượng giữa các nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp với nhau, để tránh rủi ro cho nhà đầu tư không chuyên nghiệp, đặc biệt là nhà đầu tư cá nhân.

Hiện Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội đang triển khai xây dựng chuyên trang thông tin về TPDN để phục vụ các bên liên quan thuận tiện trong quá trình thu thập dữ liệu. Bởi từ trước tới nay, nhà đầu tư đang phải sử dụng các thông tin thu thập chưa tổng thể, nhất quán, tiềm ẩn không ít rủi ro về tính minh bạch và tin cậy.

Kỳ cuối: Phát triển thị trường lành mạnh, cách nào?

Tin bài liên quan