Thị trường trái phiếu thứ cấp hút cầu đầu tư

Thị trường trái phiếu thứ cấp hút cầu đầu tư

(ĐTCK) Cùng với động thái tích cực giảm lãi suất của các NHTM, Thông tư 18/2014/TT-BTP hướng dẫn việc bán đấu giá tài sản của Công ty Quản lý tài sản của tổ chức tín dụng (VAMC) mới ban hành cũng cho thấy những bước tiến mới trong quá trình xử lý nợ xấu, khai thông dòng chảy tín dụng. 

Tuy nhiên, khi chưa thấy được những yếu tố phục hồi đáng kể, sự dư thừa nguồn vốn trong hệ thống ngân hàng vẫn đang tạo đà tăng cầu đầu tư trái phiếu chính phủ (TPCP), giúp lợi suất tiếp tục giảm điểm. 

Thị trường sơ cấp

Tuần từ 6 - 10/10, thị trường TPCP sơ cấp không có phiên đấu thầu nào. UBND TP. Đà Nẵng chào thầu 1.100 tỷ đồng trái phiếu chính quyền địa phương kỳ hạn 5 năm, lãi suất 5,6%/năm, giảm gần một nửa so với kỳ phát hành đầu tiên năm 2013.

Tính đến thời điểm hiện tại, có 190.558 tỷ đồng TPCP được đấu thầu thành công. Trong đó, 176.169 tỷ đồng trái phiếu Kho bạc Nhà nước (KBNN), 9.987 tỷ đồng trái phiếu Ngân hàng Phát triển Việt Nam và 4.402 tỷ đồng trái phiếu Ngân hàng Chính sách xã hội.

Trong tuần qua, không có tín phiếu nào được gọi thầu trên thị trường sơ cấp.

Trong quý III, đã có 55.015 tỷ đồng trái phiếu và tín phiếu chính phủ và Chính phủ bảo lãnh được phát hành, nâng tổng khối lượng trái phiếu và tín phiếu phát hành 9 tháng đầu năm đạt 212.060 tỷ đồng, tăng 26% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, có 26.502 tỷ đồng tín phiếu, giảm 3,4%; 185.558 tỷ đồng trái phiếu, tăng 31% so với cùng kỳ.

Trong tuần tiếp theo, nguồn cung trái phiếu sẽ tăng trở lại trên thị trường sơ cấp khi KBNN gọi thầu 6.000 tỷ đồng trái phiếu kỳ hạn 5 năm (1.000 tỷ đồng), 10 năm (3.000 tỷ đồng) và 15 năm (2.000 tỷ đồng).

Thị trường thứ cấp

21.339 tỷ đồng giá trị trái phiếu và tín phiếu đã được thực hiện trên thị trường thứ cấp tuần qua, tương đương giá trị trung bình mỗi phiên giao dịch đạt 4.268 tỷ đồng, tăng 1,74% so với tuần trước.

Tuần này các giao dịch thông thường (outright) chiếm 71% tổng giao dịch, khoảng 15.175 tỷ đồng. Khối lượng giao dịch mua bán lại (repos) đạt 6.164 tỷ đồng, chiếm 29%.

 Đối với các giao dịch outright, giá trị giao dịch trái phiếu kỳ hạn còn lại dưới 1 năm và trên 7 năm lần lượt chiếm 1% và 11% tổng giá trị giao dịch. Giá trị giao dịch trái phiếu kỳ hạn còn lại từ 1 - 3 năm, 3 - 5 năm và 5 - 7 năm đóng góp tương ứng 27%, 44% và 17%.

Trong tuần qua, NĐT nước ngoài bán ròng 406,6 tỷ đồng trái phiếu thông qua các giao dịch outright và repos.

Theo số liệu từ Bloomberg, lợi suất tiếp diễn xu hướng giảm trên tất cả các kỳ hạn. Trái phiếu 1, 2 và 3 năm giảm lần lượt 38, 36 và 18 điểm cơ bản, về mức lợi suất 3,80%/năm, 4,13%/năm và 4,52%/năm. Lợi suất trái phiếu 5, 7, 10 và 15 năm ghi nhận lần lượt tại 4,90%/năm (giảm 11 điểm cơ bản), 5,77%/năm (giảm 16 điểm cơ bản), 6,12%/năm (giảm 10 điểm cơ bản) và 6,80%/năm (giảm 15 điểm cơ bản).

Thị trường mở

Trên thị trường mở tuần đầu tiên của tháng 10, không có giao dịch reverse repo được thực hiện và giao dịch reverse repo đáo hạn.

Ngân hàng Nhà nước phát hành khoảng 12.389 tỷ đồng tín phiếu các loại, giảm 62,23% so với tuần trước đó. Trong đó, kỳ hạn 91 ngày đạt 4.545 tỷ đồng, kỳ hạn 56 ngày ghi nhận 3.946 tỷ đồng và kỳ hạn 28 ngày đạt 3.898 tỷ đồng. Lãi suất trúng thầu của tín phiếu 91 ngày giảm 16 điểm cơ bản so với tuần trước đó, kết thúc phiên tại 3,24%/năm. Lãi suất trúng thầu của tín phiếu 56 ngày và 28 ngày lần lượt là 3,00%/năm và  2,60%/năm.

Trong tuần vừa qua có 13.489 tỷ đồng tín phiếu đáo hạn. Tính chung, NHNN đã bơm ròng 1.100 tỷ đồng trên thị trường mở sau 5 tuần liên tiếp hút ròng.

Thị trường liên ngân hàng

 Trong tuần từ 6 - 10/10, lãi suất liên ngân hàng có xu hướng tăng so với tuần trước đó. Chúng tôi cho rằng, tuần từ 13 - 17/10, lãi suất VND liên ngân hàng sẽ tiếp tục đi lên khoảng 30 - 50 điểm, do đã bắt đầu vào quý IV - thời điểm tín dụng bắt đầu tăng tốc. Lãi suất liên ngân hàng đóng cửa ngày 10/10 qua các kỳ hạn tham khảo ở mức: qua đêm (2,1%, +70 điểm theo tuần), 1 tuần (2,3%, +60 điểm), 2 tuần (2,6%, +50 điểm) và 1 tháng (2,8%, +20 điểm).

Tin bài liên quan