Thị trường trái phiếu chờ “ngọn gió” mới

Thị trường trái phiếu chờ “ngọn gió” mới

(ĐTCK) Đang có những chuyển động mới từ Bộ Tài chính, cũng như các thành viên thị trường trái phiếu (TTTP), nhằm thúc đẩy thị trường phát triển theo chiều sâu, chuyên nghiệp hơn.

Tăng dư nợ trái phiếu/GDP lên gấp đôi

Tại Hội thảo “Phát triển thị trường vốn ở Việt Nam: Thị trường trái phiếu bằng đồng nội tệ và các sản phẩm cấu trúc”, do Công ty Tài chính Quốc tế (IFC) và Hiệp hội Thị trường trái phiếu Việt Nam (VBMA) tổ chức ngày 17/12, bà Phan Thị Thu Hiền, Phó vụ trưởng Vụ Tài chính các ngân hàng và tổ chức tài chính, Bộ Tài chính cho biết, tính đến hết năm 2013, tổng dư nợ trái phiếu/GDP đạt khoảng 19,1%, tăng 21% so với năm 2012. Trong đó, trái phiếu chính phủ chiếm 16% GDP, trái phiếu DN chiếm 2,6% GDP, còn lại là trái phiếu chính quyền địa phương...

Tuy TTTP đã có bước phát triển khá đồng bộ cả trên thị trường sơ cấp lẫn thứ cấp, nhất là trong những năm gần đây, nhưng quy mô của thị trường TTTP hiện vẫn còn nhỏ, thanh khoản hạn chế. Do đó, theo bà Hiền, để đạt mục tiêu đưa tổng dư nợ trái phiếu/GDP đạt 38% vào năm 2020, có nghĩa là tăng gấp đôi so với năm nay, là việc không ít thách thức.

Tuy nhiên, Bộ Tài chính đang có những động thái, nhằm thúc đẩy TTTP phát triển hơn trong những năm tới. Theo đó, ngoài tập trung hoàn thiện dự thảo Nghị định về thành lập và hoạt động của DN định mức tín nhiệm, để sớm trình Chính phủ xem xét ban hành, Bộ Tài chính cũng đang nghiên cứu xây dựng Nghị định về Quỹ hưu trí tự nguyện, nhằm gia tăng các NĐT dài hạn trên TTTP; hoàn thiện cơ chế để phân biệt giữa giao dịch repo và giao dịch outright nhằm phản ánh chính xác thời điểm, cũng như bản chất giao dịch trên thị trường thứ cấp.

Ngoài tiếp tục phấn đấu giảm thời gian thực hiện đăng ký, lưu ký, niêm yết trái phiếu từ T+4 xuống T+3, Bộ Tài chính đang tích cực phối hợp với NHNN để hoàn thiện hệ thống thanh toán trái phiếu Chính phủ qua NHNN, nhằm đẩy nhanh tốc độ thanh toán và giảm thiểu rủi ro đối tác trong giao dịch trái phiếu; nghiên cứu triển khai các giải pháp về thuế và công cụ phòng ngừa rủi ro, để tăng thu hút NĐT nước ngoài.

Đặc biệt, từ năm 2014, Bộ Tài chính sẽ chú trọng triển khai các giải pháp nhằm thúc đẩy thị trường trái phiếu DN phát triển. Trong đó, Bộ sẽ báo cáo Chính phủ sửa đổi Nghị định 90/2011/NĐ-CP về phát hành trái phiếu DN, theo hướng điều chỉnh các quy định về điều kiện phát hành, yêu cầu về định mức tín nhiệm…

Gỡ khó cho nhà tạo lập thị trường

Hiện các nhà tạo lập thị trường đang đối mặt với không ít khó khăn, do bất cập của cơ chế. Cụ thể, theo quy định của Luật Ngân hàng Nhà nước (NHNN), chỉ có các tổ chức tín dụng mới được tham gia nghiệp vụ thị trường mở. Điều này đồng nghĩa với việc chỉ có 22 NHTM trong danh sách thành viên đấu thầu trái phiếu Chính phủ mà Bộ Tài chính phê duyệt, mới được hỗ trợ thanh toán từ NHNN, còn 14 CTCK cũng là thành viên đấu thầu trái phiếu, thì không được hưởng cơ chế hỗ trợ này. Luật Chứng khoán không cho phép bán khống chứng khoán, nên các thành viên đấu thầu trái phiếu không thể chào giá 2 chiều, khi không có mã trái phiếu được chào giá.

Hạn chế này cộng với việc Luật Quản lý nợ công và Luật Ngân sách Nhà nước không cho phép các thành viên đấu thầu trái phiếu được vay trái phiếu từ Bộ Tài chính, nên đang không có cơ chế hỗ trợ thanh khoản cho các thành viên đấu thầu trái phiếu trong thực hiện các nghĩa vụ tạo thanh khoản trên TTTP thứ cấp.

Để khắc phục các bất cập trên, Bộ Tài chính đang nghiên cứu phương án hoàn thiện cơ chế hỗ trợ thanh khoản cho các thành viên đấu thầu trong quá trình thực hiện các nghĩa vụ trên thị trường sơ cấp và thứ cấp.

“Bộ Tài chính vừa hoàn thiện công tác đánh giá chất lượng, cũng như năng lực tham gia thị trường của các nhà tạo lập thị trường. Kết quả cho thấy, các thành viên này đã nỗ lực khắc phục khó khăn, bước đầu đáp ứng được nghĩa vụ của các nhà tạo lập thị trường…”, bà Hiền nói.

Trên cơ sơ kết quả đánh giá này, trong năm tới, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục theo dõi, đánh giá hoạt động của thành viên, để chọn lọc được hệ thống đại lý cấp I có chất lượng, đóng vai trò là các nhà tạo lập thị trường với quyền lợi và trách nhiệm rõ ràng hơn.

Đa dạng hóa sản phẩm

Theo ông Đỗ Ngọc Quỳnh, Tổng thư ký VBMA, để đưa TTTP phát triển theo chiều sâu, đây là lúc cả nhà hoạch định chính sách, lẫn các thành viên thị trường cần quan tâm thúc đẩy triển khai thêm các sản phẩm mới, trong đó có các sản phẩm cấu trúc, phát hành trái phiếu bằng đồng nội tệ…

Tại Hội thảo, các thành viên thị trường đã được chuyên gia của IFC chia sẻ kinh nghiệm, cũng như đề xuất các giải pháp nhằm thúc đẩy quá trình phát triển đa dạng các sản phẩm trên TTTP.

Về hướng thúc đẩy phát hành trái phiếu bằng đồng nội tệ, ông Philippe Ahoua, chuyên gia đầu tư cao cấp của IFC cho biết, là NĐT được định hạng tín nhiệm AAA, đồng thời từ kinh nghiệm của tổ chức phát hành không cư trú tại 40 quốc gia trên thế giới, IFC đang sẵn sàng tham gia phát hành các sản phẩm bằng VND tại thị trường Việt Nam.

Là nhà phát hành uy tín trên toàn cầu, một khi Chính phủ Việt Nam cho phép IFC phát hành trái phiếu bằng VND, thì sẽ tạo ra hiệu ứng tích cực trong thu hút sự NĐT nước ngoài tham gia đầu tư nhiều hơn trên TTTP Việt Nam.

IFC đang cần sự hỗ trợ thêm từ phía Bộ Tài chính và NHNN Việt Nam trong việc mở ra cơ chế cho phép các định chế đầu tư tài chính có uy tín nước ngoài như IFC phát hành trái phiếu bằng VND. Theo đó, các định chế đầu tư nước ngoài khi phát hành trái phiếu bằng VND hoàn toàn tuân thủ các quy định của Chính phủ Việt Nam về hạn mức phát hành, thời điểm phát hành cũng như đáo hạn… Điều này không chỉ góp phần tăng tính thanh khoản, mà còn hỗ trợ TTTP Việt Nam phát triển theo chiều sâu, gia tăng sức hấp dẫn trong con mắt của NĐT nước ngoài.

Liên quan đến sản phẩm cấu trúc, ông Quỳnh cho hay, đây là sản phẩm liên kết về lãi suất, tỷ giá, đáp ứng đa dạng khẩu vị rủi ro của NĐT. Trong khi hầu hết các NHTM trong khu vực đều có bộ phận chuyên về phát triển, kinh doanh sản phẩm cấu trúc, thì việc phát triển sản phẩm này ở Việt Nam còn khiêm tốn. Do đó, cần sự vào cuộc tích cực hơn từ cả cơ quan quản lý, lẫn các thành viên thị trường, để thúc đẩy các sản phẩm cấu trúc phát triển.

“Bộ Tài chính đang nỗ lực hoàn thiện chính sách, để phát triển các sản phẩm trái phiếu phái sinh, các sản phẩm trái phiếu mới phù hợp với mức độ phát triển của TTTP…”, bà Hiền nói và kỳ vọng sắp tới, IFC sẽ là nhân tố tích cực trong thúc đẩy phát triển đa dạng các sản phẩm trên TTTP, nhất là trái phiếu DN...

Tin bài liên quan