Trái phiếu có lãi suất cao cũng có thể đi kèm với rủi ro cao.

Trái phiếu có lãi suất cao cũng có thể đi kèm với rủi ro cao.

Nhà đầu tư cần chọn kỹ khi mua trái phiếu doanh nghiệp

(ĐTCK) Chia sẻ với Đầu tư Chứng khoán, ông Nguyễn Hoàng Dương, Phó vụ trưởng Vụ Tài chính ngân hàng (Bộ Tài chính) đánh giá, thị trường trái phiếu doanh nghiệp trong 9 tháng đầu năm tăng cả về quy mô và số lượng, nhưng sự tích cực này cần gắn liền với công tác quản lý, giám sát để thị trường hoạt động công khai, minh bạch, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các chủ thể tham gia.

Thị trường trái phiếu doanh nghiệp từ đầu năm đến nay diễn biến ra sao? Doanh nghiệp trong những ngành nào huy động vốn trái phiếu mạnh nhất, thưa ông?

Theo số liệu thống kê của Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX), 9 tháng đầu năm 2019, khối lượng trái phiếu doanh nghiệp phát hành riêng lẻ khoảng 164.414 tỷ đồng.

Quy mô thị trường tính đến ngày 24/9/2019 đạt 9,91% GDP năm 2018, tăng 29% so với cuối năm trước. 

Đối với phát hành ra công chúng, trong 6 tháng đầu năm 2019, khối lượng phát hành khoảng 1.000 tỷ đồng.

Theo thông tin từ Ngân hàng Nhà nước, cơ quan này đã xác nhận hạn mức phát hành trái phiếu quốc tế cho 3 doanh nghiệp trong nửa đầu năm nay.

Tuy nhiên, chỉ có Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) phát hành thành công trái phiếu quốc tế, với khối lượng 300 triệu USD trong tháng 7/2019.

Con số cập nhật của HNX cũng cho thấy, kỳ hạn phát hành trái phiếu doanh nghiệp bình quân trong 9 tháng đầu năm nay đạt 4,5 năm, lãi suất phát hành bình quân là 9,74%/năm.

Trong đó, khoảng 84% khối lượng phát hành có lãi suất dưới 11%/năm.

Xét về tổng thể, bình quân lãi suất phát hành trái phiếu doanh nghiệp bằng hoặc cao hơn 0,74%/năm so với mức lãi suất phổ biến cho vay trung và dài hạn của các ngân hàng thương mại (bình quân từ 9-11%/năm theo thông báo tuần trên website của Ngân hàng Nhà nước).

Mức lãi suất cho vay của ngân hàng thương mại được xác định trên cơ sở lãi suất huy động cộng với biên độ dựa trên mức độ tín nhiệm của doanh nghiệp và tài sản đảm bảo tiền vay. 

Theo đó, đối với ngân hàng thương mại có vốn nhà nước, lãi suất cho vay dài hạn phổ biến từ 9,5-11%/năm; đối với ngân hàng thương mại cổ phần, lãi suất cho vay ở mức 10-12%/năm.

Lãi suất vay trung dài hạn có thể lên tới 13-15%/năm đối với doanh nghiệp có năng lực tài chính thấp, hoặc không có tài sản đảm bảo. Một số ngân hàng thương mại có mức lãi suất cho vay đối với lĩnh vực bất động sản cao hơn từ 1-1,5%/năm so với lãi suất cho vay thông thường.

Tuy nhiên, về kỳ hạn huy động, kỳ hạn phát hành trái phiếu chủ yếu là từ 2-5 năm, một số doanh nghiệp phát hành với kỳ hạn 10 năm, trong khi các khoản vay từ ngân hàng thương mại chủ yếu dưới 3 năm. 

Việc xác định lãi suất phát hành của doanh nghiệp phụ thuộc vào nhiều yếu tố như tình hình tài chính của doanh nghiệp phát hành, nhu cầu sử dụng vốn của doanh nghiệp, loại trái phiếu có hoặc không tài sản đảm bảo, có hay không có bảo lãnh thanh toán… 

Về khối lượng phát hành, trái phiếu phát hành riêng lẻ của các ngân hàng thương mại trong 9 tháng đầu năm 2019 chiếm 32% tổng khối lượng phát hành; doanh nghiệp bất động sản chiếm 18,3%; công ty chứng khoán chiếm 3,5%; còn lại là các doanh nghiệp khác trong lĩnh vực sản xuất, dịch vụ, du lịch. 

Như vậy, ngân hàng thương mại đang là nhà phát hành lớn nhất trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp. Khối lượng trái phiếu do các ngân hàng thương mại phát hành gấp hơn 1,7 lần so với khối lượng phát hành của doanh nghiệp bất động sản.

Ngân hàng thương mại phát hành trái phiếu với mục đích chủ yếu là tăng vốn cấp II, để đáp ứng các tỷ lệ an toàn trong hoạt động theo quy định của Ngân hàng Nhà nước.

Khối lượng phát hành, đầu tư trái phiếu doanh nghiệp của các ngân hàng thương mại được tính trong hạn mức tăng trưởng tín dụng và được Ngân hàng Nhà nước quản lý, giám sát.  

Đối với doanh nghiệp bất động sản, chủ yếu phát hành trái phiếu để huy động vốn phát triển kinh doanh trong bối cảnh tín dụng bất động sản bị kiểm soát chặt chẽ hơn.

Có ý kiến quan ngại thị trường trái phiếu doanh nghiệp có dấu hiệu phát triển “nóng”, dễ gây nên những hệ lụy tiêu cực. Ông đánh giá thế nào về nhận định này?

Gần đây, thị trường trái phiếu doanh nghiệp phát triển nhanh là do các doanh nghiệp có nhu cầu vốn lớn để phát triển sản xuất, kinh doanh trong bối cảnh tăng trưởng tín dụng chậm lại;

Ngân hàng Nhà nước kiểm soát chặt chẽ tín dụng cho vay một số lĩnh vực, bao gồm bất động sản, từng bước hạn chế tỷ lệ sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung - dài hạn và thực hiện nghiêm quy định về hạn mức cho vay đối với một khách hàng hoặc nhóm khách hàng.

Qua đó cho thấy, bước đầu đã có sự dịch chuyển vốn huy động của doanh nghiệp từ kênh tín dụng ngân hàng sang phát hành trái phiếu, hướng tới phát triển cân bằng hơn giữa thị trường vốn và thị trường tín dụng ngân hàng. 

Sự phát triển của thị trường trái phiếu doanh nghiệp trong 9 tháng đầu năm 2019 có dấu hiệu tích cực.

Điều này thể hiện qua việc phát hành trái phiếu đã từng bước trở thành một kênh cung ứng vốn trung - dài hạn cho doanh nghiệp, giảm bớt áp lực cho vay từ ngân hàng thương mại; hỗ trợ các ngân hàng thương mại huy động vốn trái phiếu để tăng vốn cấp II;

Hỗ trợ doanh nghiệp thuộc mọi lĩnh vực huy động vốn cho sản xuất - kinh doanh; doanh nghiệp có xu hướng phát hành kỳ hạn dài từ 5 năm trở lên để huy động vốn; nhà đầu tư có tổ chức là chủ yếu trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp… 

Tuy vậy, sự tăng trưởng và phát triển của thị trường trái phiếu doanh nghiệp cần gắn liền với công tác quản lý, giám sát để thị trường hoạt động công khai, minh bạch, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các chủ thể tham gia.

Theo đó, Bộ Tài chính đã phối hợp với Ngân hàng Nhà nước tăng cường quản lý, giám sát đối với hoạt động phát hành, đầu tư, giao dịch và cung cấp dịch vụ về phát hành trái phiếu doanh nghiệp, đồng thời chấn chỉnh các ngân hàng thương mại, công ty chứng khoán trong hoạt động phát hành, đầu tư, giao dịch và cung cấp dịch vụ liên quan đến phát hành trái phiếu doanh nghiệp. 

Cụ thể, Bộ Tài chính đã có công văn số 10410/BTC-TCNH ngày 5/9/2019 gửi Ngân hàng Nhà nước và công văn số 10412/BTC-TCNH ngày 5/9/2019 gửi Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, đề nghị 2 cơ quan này tăng cường quản lý, giám sát hoạt động phát hành, đầu tư, giao dịch và cung cấp dịch vụ tư vấn, phân phối, lưu ký trái phiếu doanh nghiệp của các ngân hàng thương mại, công ty chứng khoán, cũng như việc phát hành trái phiếu của công ty đại chúng. 

Đồng thời, tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền về tình hình phát hành trái phiếu doanh nghiệp, khuyến nghị các nhà đầu tư, đặc biệt là nhà đầu tư cá nhân, cần cẩn trọng trước khi đầu tư vào TPDN, cần tìm hiểu kỹ về đặc điểm của loại trái phiếu và cân nhắc kỹ về các rủi ro trước khi quyết định đầu tư…

Ông vừa cảnh báo nhà đầu tư cá nhân cần cẩn trọng trước khi đầu tư vào trái phiếu doanh nghiệp. Vậy ông có khuyến nghị gì cho đối tượng nhà đầu tư này?

Theo tôi, nhà đầu tư trước khi quyết định mua trái phiếu doanh nghiệp phải tìm hiểu kỹ nhiều vấn đề.

Theo đó, cùng với cần nhận biết đơn vị phát hành là doanh nghiệp nào, tình hình tài chính ra sao, mục đích huy động vốn trái phiếu là gì, nhà đầu tư cần hiểu biết về đặc điểm của trái phiếu và các rủi ro gắn liền với trái phiếu như trái phiếu có hay không có tài sản đảm bảo, hoặc có hay không có bảo lãnh thanh toán, các rủi ro tổ chức phát hành có thể gặp phải... 

Cùng với cần hiểu rõ quyền và nghĩa vụ của mình, nhà đầu tư cũng cần hiểu về cơ chế bảo đảm thanh toán cho trái phiếu, lường trước được tính thanh khoản của trái phiếu, tìm hiểu các thông tin cụ thể trong hồ sơ phát hành trái phiếu.

Nhà đầu tư cũng cần nhận biết các tổ chức tham gia vào đợt phát hành trái phiếu như tổ chức tư vấn, đại lý phát hành, tổ chức lưu ký, tổ chức đại diện người sở hữu trái phiếu... là những đơn vị nào. Đây là các tổ chức có ảnh hưởng đến chất lượng trái phiếu và có trách nhiệm bảo vệ quyền của nhà đầu tư. 

Chỉ khi tìm hiểu kỹ các vấn đề trên, nhà đầu tư mới nên mua trái phiếu. Cần lưu ý là trái phiếu có lãi suất cao cũng có thể đi kèm với rủi ro cao. 

Tin bài liên quan