Tính đến cuối năm 2014, SCIC đã đầu tư trên 13.000 tỷ đồng, khá khiêm tốn so với kỳ vọng của thị trường

Tính đến cuối năm 2014, SCIC đã đầu tư trên 13.000 tỷ đồng, khá khiêm tốn so với kỳ vọng của thị trường

Mục sở thị quy mô nhà đầu tư của Chính phủ 5 năm tới

(ĐTCK) Trong giai đoạn 2015 – 2020, Tổng công ty Đầu tư kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) đặt ra các chỉ tiêu khá cao như vốn chủ sở hữu tăng trưởng bình quân 32%, tổng tài sản tăng trưởng bình quân 35%,  doanh thu tăng trưởng bình quân 25%,  lợi nhuận tăng bình quân đạt 26%.

Mục tiêu lớn

Theo ông Lại Văn Đạo, Tổng giám đốc SCIC, trong giai đoạn tới, SCIC sẽ tập trung tiếp nhận và quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp độc lập, các tập đoàn, tổng công ty sau cổ phần hoá theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ với vốn nhà nước tiếp nhận lũy kế đến 2020 đạt khoảng 113.800 tỷ đồng.

Một trong những hoạt động chính của SCIC trong giai đoạn tới là sẽ tiếp tục thực hiện tái cơ cấu, đẩy mạnh bán vốn nhà nước tại các doanh nghiệp không thuộc lĩnh vực nhà nước cần nắm giữ vốn. Tổng giá trị bán vốn giai đoạn 2015-2020 dự kiến vào khoảng 69.000 tỷ đồng (giá vốn 48.600 tỷ đồng).

Đáng chú ý trong giai đoạn 5 năm tới, nhà đầu tư của Chính phủ sẽ triển khai đầu tư vốn vào những ngành, lĩnh vực quan trọng, quy mô lớn, Nhà nước cần nắm giữ chi phối phù hợp với các chiến lược và kế hoạch phát triển kinh tế xã hội của Chính phủ. Tổng đầu tư mới (bao gồm cả đầu tư tài chính) lũy kế từ năm 2015-2020 đạt khoảng 100.000 tỷ đồng.

Đầu tư sẽ thực hiện theo các phương thức bao gồm đầu tư trực tiếp vào các dự án; liên kết, phối hợp đầu tư với các doanh nghiệp thuộc thành phần kinh tế trong nước nâng cao năng lực, sức cạnh tranh trong thực hiện các dự án đầu tư lớn trong và ngoài nước theo chiến lược phát triển kinh tế đã được Chính phủ phê duyệt. Bên cạnh đó là hình thức đầu tư gián tiếp với tư cách là nhà đầu tư tài chính, thành lập các quỹ đầu tư chung, tạo “vốn mồi” để huy động vốn đầu tư của các khu vực khác cùng tham gia dự án đầu tư. 

Đòi hỏi năng động và sáng tạo

Với tư cách là nhà đầu tư của Chính phủ, thị trường chờ đợi nhiều hơn nữa vai trò của SCIC trong các hoạt động đầu tư. Nhìn sang khu vực, các nhà đầu tư của Chính phủ như Temasek, Khazanah… đã có quy mô tăng trưởng vượt bậc và khẳng định được vai trò trong nền kinh tế nhờ hoạt động đầu tư hiệu quả.

Trên cơ sở nguồn thu có được từ cổ tức và bán cổ phần với cơ chế linh hoạt, Temasek đã không ngừng đầu tư vào các dự án lớn, đặc biệt là ngoài Singapore nhằm gia tăng giá trị tài sản của Temasek (cũng là của Chính phủ Singapore).

Tập đoàn này hiện sở hữu một danh mục đầu tư đa dạng có tổng trị giá gần 200 tỷ USD, tập trung chủ yếu ở Singapore, châu Á và các thị trường mới nổi. Trong số 10 công ty niêm yết lớn nhất của Singapore thì Temasek đã kiểm soát tới 7.

Ngoài Singapore Airlines,  trong danh mục quản lý của Temasek còn có rất nhiều tập đoàn công nghiệp và dịch vụ khác như Tập đoàn Bưu chính viễn thông Singtel, Tập đoàn kinh tế CMS, Tập đoàn Keppel hay Ngân hàng DBS, Tập đoàn Điện lực Singapore Power.

Khazanah được thành lập từ năm 1994 với chức năng nhà đầu tư chiến lược của Chính phủ Malaysia, đảm bảo các khoản đầu tư của Chính phủ mang lại hiệu quả cao.

Chỉ đến khi đích thân Thủ tướng Malaysia giữ vị trí chủ tịch Hội đồng quản trị cách đây 5 năm, Khazanah thực sự phát huy hiệu quả mô hình, chỉ trong thời gian ngắn đã tăng tổng tài sản trên 80%. Hiện nay, Tập đoàn đang quản lý danh mục đầu tư của Nhà nước tại hơn 60 công ty với giá trị khoảng hơn 30 tỷ USD.

Trở lại với SCIC, tính đến cuối năm 2014, SCIC đã đầu tư trên 13.000 tỷ đồng trong các lĩnh vực đầu tư hiện hữu, đầu tư cổ phiếu, trái phiếu, góp vốn thành lập doanh nghiệp mới, đầu tư các dự án… Con số này còn khá khiêm tốn so với mong muốn của thị trường.

Trên thực tế, trong số các khoản đầu tư của SCIC, nếu mạnh dạn và nắm bắt tốt cơ hội, khả năng sinh lời rất cao. Đơn cử khoản đầu tư trái phiếu DIG có giá vốn 350 tỷ đồng, trong khoảng 32 tháng lãi gần 154 tỷ đồng. Khoản đầu tư trái phiếu BIDV có giá vốn 200 tỷ đồng, trong khoảng 27 tháng lãi là 105 tỷ đồng…

Tại các cuộc đối thoại của cộng đồng nhà đầu tư nước ngoài với Chính phủ Việt Nam gần đây, vai trò của SCIC đều được nhắc đến với mong muốn rằng định chế tài chính này sẽ tăng cường sự hiện diện trên thị trường ở góc độ đầu tư. Với định hướng khá mạnh mẽ trong giai đoạn mới, nhà đầu tư của Chính phủ được kỳ vọng sẽ bứt phá và đóng góp lớn hơn cho thị trường cũng như nền kinh tế.

Tin bài liên quan