Từ đầu năm 2019 đến nay, hàng loạt ngân hàng, công ty chứng khoán… tích cực mời chào nhà đầu tư mua trái phiếu doanh nghiệp với lãi suất hấp dẫn. Ảnh: Đức Thanh

Từ đầu năm 2019 đến nay, hàng loạt ngân hàng, công ty chứng khoán… tích cực mời chào nhà đầu tư mua trái phiếu doanh nghiệp với lãi suất hấp dẫn. Ảnh: Đức Thanh

Mua trái phiếu doanh nghiệp lãi suất cao: Nguy cơ “ôm bom” lớn

Từ đầu năm đến nay, hầu như tuần nào thị trường cũng có thông tin về các đợt phát hành trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) mới. Đa phần TPDN trên thị trường không có tài sản đảm bảo, không được ngân hàng bảo lãnh…, nên nếu rủi ro xảy ra, nhà đầu tư sẽ trắng tay.

Lãi suất trái phiếu cao bất thường

Vài năm gần đây, nhất là từ đầu năm 2019, hàng loạt ngân hàng, công ty chứng khoán… tích cực mời chào nhà đầu tư mua TPDN với lãi suất hấp dẫn. Nếu lãi suất ngân hàng chỉ  5-7%/năm, thì lãi suất TPDN lên tới 12%/năm, có doanh nghiệp còn phát hành TPDN với lãi suất 14,5%/năm, cao gấp đôi lãi suất tiền gửi ngân hàng. Doanh nghiệp bất động sản đứng đầu về lãi suất TPDN phát hành trên thị trường.

Đặc biệt, trước đây, chỉ doanh nghiệp lớn trên thị trường mới phát hành TPDN và thường phát hành cho các quỹ, ngân hàng, công ty chứng khoán, công ty bảo hiểm, với mệnh giá lớn, kỳ hạn dài. Song hiện nay, số doanh nghiệp tham gia thị trường TPDN đa dạng hơn, thậm chí có những doanh nghiệp rất ít tên tuổi trên thị trường. Mệnh giá trái phiếu cũng đa dạng hơn, có nhiều loại chỉ còn 50-100 triệu đồng; kỳ hạn giảm xuống dưới 1 năm, thậm chí có kỳ hạn 3 - 6 tháng.

“TPDN được nhà băng bán rất đắt hàng và thường ưu tiên cho khách hàng VIP. So với gửi tiết kiệm, mua TPDN có lợi hơn rất nhiều”, một nhân viên Techcombank tiết lộ.

Phó thủ tướng Vương Đình Huệ vừa yêu cầu Bộ Tài chính, Ủy ban Chứng khoán và Ngân hàng Nhà nước rà soát, báo cáo tình hình TPDN để xem xét các dấu hiệu bất thường trong bối cảnh nhiều doanh nghiệp phát hành trái phiếu riêng lẻ với lãi suất cao. Nếu có bất thường, thiếu an toàn, thiếu minh bạch thì phải chấn chỉnh.    

Cập nhật của Công ty Chứng khoán MBS cho thấy, từ đầu năm đến nay, đã có gần 90.000 tỷ đồng TPDN được phát hành, gần bằng cả năm 2018. Khi được “cởi trói” về điều kiện phát hành (Nghị 163/2018/NĐ-CP), từ đầu năm đến nay, thị trường TPDN bùng nổ, hầu như tuần nào cũng có thông tin về các đợt phát hành TPDN mới. 

TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia ngân hàng cho rằng, việc thị trường TPDN sôi động là đáng mừng, cho thấy doanh nghiệp đã bớt lệ thuộc vào vốn ngân hàng, nhất là trong giai đoạn vốn trung, dài hạn của ngân hàng ngày càng eo hẹp và room tín dụng siết chặt hơn.

Với doanh nghiệp, phát hành thành công TPDN rất có lợi, vì lãi suất chỉ cao hơn chút ít so với lãi vay ngân hàng, nhưng điều kiện lại dễ dàng hơn, thủ tục đơn giản, không cần tài sản đảm bảo.  

Ông Nguyễn Văn Đạt, Chủ tịch HĐQT Công ty Phát triển bất động sản Phát Đạt (PDR - doanh nghiệp đang có mức lãi suất TPDN cao nhất trên thị trường hiện nay) cho rằng, lãi suất 14,45% mà công ty này đưa ra chưa phải là cao. Việc phát hành trái phiếu giúp dòng tiền của Công ty quay nhanh, không phức tạp như vay ngân hàng, hiệu quả đầu tư cao hơn.

Không chỉ các doanh nghiệp hồ hởi phát hành TPDN, mà cả ngân hàng, công ty chứng khoán, các tổ chức môi giới, phân phối TPDN cũng tích cực chào bán. Theo một chuyên gia ngân hàng, hiện nay, các nhà băng bắt đầu giảm dần doanh thu tín dụng và tăng doanh thu dịch vụ. Với TPDN, ngân hàng có thể “ăn lãi” nhờ khoản chênh lệch lãi suất hoặc thu phí.

Nhà đầu tư có nguy cơ ôm “bom” lớn

Điều kiện phát hành dễ dàng hơn khiến thị trường TPDN ở nước ta dự báo sẽ tăng trưởng 30-40% trong vài năm tới. Tuy nhiên, trong bối cảnh TPDN tăng trưởng nóng, lãi suất cao bất thường, các nhà đầu tư cũng phải thận trọng bỏ vốn.

Thực tế, năng lực tài chính của nhiều doanh nghiệp phát hành trái phiếu trên thị trường không rõ ràng, chưa được thẩm định (ngay cả một số doanh nghiệp đã có thương hiệu). Trong khi các nhà đầu tư tổ chức rất am hiểu về thị trường tài chính, thì nhiều nhà đầu tư cá nhân lại đầu tư TPDN chỉ vì lãi suất cao và tin vào uy tín của ngân hàng. Tuy nhiên, ngân hàng, dù uy tín, cũng chỉ là nhà phân phối, không đứng ra bảo lãnh hay bảo đảm, nếu rủi ro xảy ra, nhà đầu tư phải hoàn toàn gánh chịu. 

Ở các nước, cá nhân thường đầu tư TPDN thông qua các quỹ. Các doanh nghiệp phát hành TPDN cũng phải trải qua xếp hạng tín nhiệm. Ở nước ta, Bộ Tài chính chưa yêu cầu doanh nghiệp phải có đánh giá tín nhiệm trước khi phát hành TPDN, một phần do chưa có tổ chức nào đánh giá tín nhiệm doanh nghiệp. Điều này khiến nhà đầu tư chịu rủi ro cao hơn.  

Như vậy, vấn đề đặt ra với cơ quan quản lý nhà nước trong bối cảnh TPDN bùng nổ hiện nay là phải tạo lập hành lang pháp lý để tăng cường minh bạch thông tin của doanh nghiệp phát hành, cũng như bảo vệ quyền lợi của nhà đầu tư.  

Một lưu ý nữa với cơ quan quản lý nhà nước, theo chuyên gia kinh tế Đinh Thế Hiển, là sẽ xảy ra tình trạng tín dụng bất động sản biến tướng. Theo đó, thay vì cấp tín dụng bất động sản, ngân hàng quay ra mua TPDN do doanh nghiệp bất động sản phát hành. Thời gian qua, rất nhiều TPDN do doanh nghiệp bất động sản phát hành có trái chủ là các nhà băng.  

Dù có những rủi ro tiềm ẩn, song TS. Cấn Văn Lực cho rằng, không nên vì quá lo lắng mà siết chặt thị trường TPDN. Ngược lại, cần khuyến khích kênh này phát triển để giảm áp lực cho tín dụng ngân hàng.

“Cần giải pháp để vận hành thị trường TPDN bài bản, phát triển lành mạnh, bền vững  hơn, cơ sở dữ liệu thông tin cho thị trường phải được chuẩn hóa. Theo đó, nên sớm cho phép thành lập tổ chức xếp hạng tín nhiệm doanh nghiệp đánh giá xếp hạng tín nhiệm doanh nghiệp một cách khách quan, minh bạch. Đây là kênh thông tin quan trọng cho các nhà đầu tư tham khảo để đầu tư TPDN”, TS. Lực đề nghị.

Tin bài liên quan