Một góc nhìn khác về sự phát triển nóng của thị trường trái phiếu doanh nghiệp

Một góc nhìn khác về sự phát triển nóng của thị trường trái phiếu doanh nghiệp

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Bất chấp sự phát triển nhanh chóng trong thời gian gần đây, thị trường trái phiếu doanh nghiệp Việt Nam còn cả một chặng đường rất dài để phát triển, để đủ sức chia sẻ gánh nặng cung cấp vốn cho nền kinh tế với hệ thống ngân hàng thương mại như kỳ vọng của Chính phủ.

Thực tế qua những con số thông kê...

Thống kê từ HNX và các doanh nghiệp cho thấy, có 211 doanh nghiệp chào bán tổng cộng 300.588 tỷ đồng trái phiếu trong năm 2019. Trong đó, tổng số trái phiếu phát hành được là 280.141 tỷ đồng, tương đương 93,2% giá trị chào bán, tăng 25% so với năm 2018. 

Số liệu thống kê cũng cho thấy, hầu hết số trái phiếu doanh nghiệp nói trên được phát hành dưới hình thức riêng lẻ, chỉ có khoảng 6% phát hành ra công chúng bởi các ngân hàng thương mại. 

Lượng phát hành lớn trong năm cũng khiến quy mô thị trường trái phiếu doanh nghiệp tăng từ 9% GDP trong năm 2018 lên khoảng 11,3% GDP trong năm 2019, đưa tổng lượng trái phiếu lưu hành đạt gần 670.000 tỷ đồng tại thời điểm cuối năm 2019. 

Một điểm đáng lưu ý là chi phối thị trường vẫn là các nhà đầu tư tổ chức trong nước với tổng lượng mua đạt 219.200 tỷ đồng, tương đương gần 80% lượng phát hành trong năm 2019.

Bước sang năm 2020, tổng lượng trái phiếu doanh nghiệp phát hành trong 6 tháng đầu năm ước đạt 159 ngàn tỷ đồng, tăng 50% so với cùng kỳ năm 2019. 

Tuy quy mô thị trường tăng trưởng liên tục qua các năm nhưng hiện kênh trái phiếu doanh nghiệp vẫn khá nhỏ bé so với các kênh huy động vốn khác, đặc biệt là kênh tín dụng ngân hàng.

Với quy mô tín dụng ngân hàng tại thời điểm cuối năm 2019 là khoảng 8,2 triệu tỷ đồng, tương đương 138,4% GDP, thì quy mô của thị trường trái phiếu doanh nghiệp chỉ bằng khoảng 8% so với kênh tín dụng ngân hàng. 

Số liệu thống kê của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) cho thấy, tổng quy mô thị trường trái phiếu của Việt Nam, gồm cả trái phiếu chính phủ và trái phiếu doanh nghiệp, tại thời điểm cuối quý 3/2019 đạt khoảng 95,37 tỷ USD, tương đương 37,6% GDP, ngang bằng với Philippines nhưng còn cách khá xa tỷ lệ xấp xỉ 60% GDP của Trung Quốc và Thái Lan.

Tỷ lệ này còn thấp hơn nữa nếu so với các nền kinh tế phát triển tại khu vực châu Á như Nhật Bản là 214% GDP, Hàn Quốc là 120% GDP... 

Những con số thống kê trên cho thấy, thị trường trái phiếu doanh nghiệp Việt Nam còn cả một chặng đường rất dài để phát triển, để đủ sức chia sẻ gánh nặng cung cấp vốn cho nền kinh tế với hệ thống ngân hàng thương mại như kỳ vọng của Chính phủ. 

...Và những lưu ý để giúp thị trường phát triển bền vững 

Trước hết phải khẳng định, sự dịch chuyển huy động vốn từ kênh tín dụng ngân hàng sang kênh phát hành trái phiếu doanh nghiệp, hướng tới việc phát triển cân bằng hơn giữa kênh thị trường vốn và kênh tín dụng ngân hàng là đúng với chủ trương của Nhà nước và phù hợp với “Lộ trình phát triển thị trường trái phiếu Việt Nam giai đoạn 2017 - 2020, tầm nhìn đến năm 2030” và Đề án “Cơ cấu lại thị trường chứng khoán và thị trường bảo hiểm đến năm 2020 và định hướng đến năm 2025” đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. 

Tuy nhiên, sự phát triển nhanh chóng, có phần nóng, của thị trường trái phiếu doanh nghiệp trong thời gian qua cũng đã gây ra những quan ngại nhất định trong giới chuyên gia kinh tế và cơ quan quản lý thị trường.

Trong bối cảnh đó, nói như PGS.TS Nguyễn Khắc Quốc Bảo, Đại học Kinh tế TP.HCM, cảnh báo để can gián đầu tư trái phiếu doanh nghiệp phát triển nóng là tốt, nhưng nếu nói quá thì sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến thị trường này, nhất là trong bối cảnh thị trường mới bắt đầu sôi động, nhận được sự quan tâm của công chúng trong vài năm trở lại đây. 

Cần phải lưu ý rằng, trước đó, bất chấp những nỗ lực phát triển thị trường của Chính phủ và các cơ quan quản lý có liên quan, thị trường vẫn không thể phát triển được, dẫn tới việc các doanh nghiệp và nền kinh tế phụ thuộc hoàn toàn vào nguồn vốn tín dụng của các ngân hàng thương mại. 

Vì vậy, thiết nghĩ, việc yêu cầu và giám sát chặt chẽ việc tuân thủ quy định của pháp luật trong và sau khi phát hành của các tổ chức phát hành, nâng cao khả năng “gác cổng” của các tổ chức tư vấn phát hành để đảm bảo chất lượng của các đợt phát hành trái phiếu, sớm có những tổ chức có năng lực định mức tín nhiệm doanh nghiệp, cũng như nâng cao kiến thức và hiểu biết của nhà đầu tư về sản phẩm tài chính này là việc làm hết sức quan trọng và căn cơ để thị trường trái phiếu doanh nghiệp có thể phát triển an toàn, bền vững trong tương lai.  

Tin bài liên quan