Mối lo doanh nghiệp… gọi vốn trái phiếu quá đà

Mối lo doanh nghiệp… gọi vốn trái phiếu quá đà

(ĐTCK) Trước thực tế doanh nghiệp huy động vốn trái phiếu với tần suất phát hành cao, cùng với số vốn huy động vượt nhiều lần vốn chủ sở hữu, nhà quản lý cảnh báo nguy cơ doanh nghiệp vỡ nợ trái phiếu. Điều này lại càng đáng quan ngại khi số lượng nhà đầu tư cá nhân tham gia giao dịch trái phiếu doanh nghiệp đông đảo.

Trung bình phát hành 2 đợt/ngày

Trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp, nhiều công ty đang gây… choáng với tần suất phát hành dày đặc, cũng như giá trị phát hành vượt tới cả 50 - 100 lần vốn chủ sở hữu.

Theo Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX), trong tháng 1/2020, CTCP Đầu tư phát triển bất động sản TNR Holdings Việt Nam - một thành viên của Tập đoàn Đầu tư TNG - thực hiện tới 60 đợt phát hành, chiếm quá nửa trong tổng số 102 thương vụ phát hành trái phiếu thành công trên toàn thị trường trong tháng.

Tính ra trung bình trong tháng này, Công ty phát hành tới 2 thương vụ/ngày.

Tần suất phát hành dày đặc không phải là chuyện cá biệt của Công ty trong tháng 1. Ngày 14/2/2020, Công ty công khai 40 đợt phát hành khác được thực hiện trong thời gian từ ngày 13/11/2019-13/2/2020.

Đây đều là trái phiếu phát hành riêng lẻ, không có tài sản đảm bảo. Trong năm 2019, Công ty cũng thực hiện nhiều đợt phát hành trái phiếu.

Không kém cạnh, một thành viên nữa của Tập đoàn Đầu tư TNG là CTCP Đầu tư và cho thuê tài sản TNL, đơn vị chuyên kinh doanh mặt bằng cao ốc văn phòng, trung tâm thương mại và mặt bằng bán lẻ cũng triển khai liên tục các đợt phát hành trái phiếu trong cùng một khoảng thời gian ngắn.

Cụ thể, từ ngày 11/4/2019 - 2/7/2019, Công ty tiến hành 37 đợt phát hành trái phiếu doanh nghiệp. Trước đó, từ ngày 28/1 - 30/3/2019, Công ty phát hành 15 đợt. Từ ngày 24/12/2018 - 31/1/2019, Công ty phát hành tới 21 đợt…

Triển khai dày đặc các đợt phát hành trái phiếu huy động vốn, nhưng thông tin về hiệu quả kinh doanh, tình hình tài chính, công nợ… của cả hai doanh nghiệp này đều chưa được công khai trên website Công ty để thị trường, các bên quan tâm nắm bắt.

Một doanh nghiệp nữa cũng có tần suất phát hành trái phiếu riêng lẻ chóng mặt, theo thống kê của Hiệp hội Thị trường trái phiếu Việt Nam (VBMA), là Công ty TNHH Vinametric (có trụ sở hoạt động ở TP.HCM).

Trong tháng 12/2019, công ty này đã tiến hành tới 24 đợt phát hành, nghĩa là gần như trung bình 1 ngày thực hiện 1 thương vụ.

Trước đó, trong tháng 11/2019, Công ty thực hiện 3 đợt phát hành. Theo thông tin mà Vinametric vừa công khai, đến hết năm 2019, vốn chủ sở hữu của Công ty ghi nhận ở mức gần 1.983 tỷ đồng, hệ số nợ/vốn chủ sở hữu là 3,99 lần...

Ngoài ra, từ năm 2019 đến nay, CTCP Bất động sản Sài Gòn Vina, CTCP Đầu tư và phát triển du lịch Phú Quốc ... là những doanh nghiệp thường xuyên triển khai các đợt huy động vốn trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp.

Bộ Tài chính “rút thẻ vàng”

Theo Bộ Tài chính, trên thị trường trái phiếu đang xuất hiện hiện tượng doanh nghiệp phát hành trái phiếu thành nhiều đợt không gắn với nhu cầu huy động vốn cho sản xuất - kinh doanh; doanh nghiệp có quy mô nhỏ, vốn chủ sở hữu thấp phát hành trái phiếu doanh nghiệp với khối lượng lớn, tiềm ẩn nhiều rủi ro cho cả doanh nghiệp phát hành và nhà đầu tư mua trái phiếu.

Doanh nghiệp phát hành trái phiếu với lãi suất quá cao, phá vỡ mặt bằng lãi suất trên thị trường.

Số liệu thống kê của HNX cho thấy, chỉ tính riêng 11 tháng đầu năm 2019, có 28/177 doanh nghiệp có khối lượng phát hành trái phiếu vượt quá 3 lần vốn chủ sở hữu (chiếm 27,8% tổng khối lượng phát hành).

Trong đó, 11 doanh nghiệp có khối lượng phát hành vượt 50 lần vốn chủ sở hữu, 6 doanh nghiệp ghi nhận khối lượng phát hành vượt tới 100 lần vốn chủ sở hữu.

Đáng báo động hơn, trong số các doanh nghiệp phát hành trái phiếu với khối lượng lớn, một số doanh nghiệp không làm rõ mục đích sử dụng vốn và phương án bố trí nguồn thanh toán gốc, lãi trái phiếu. 

Khối lượng trái phiếu doanh nghiệp tăng nhanh trong bối cảnh nhà đầu tư cá nhân tham gia thị trường ngày càng nhiều khiến nhà quản lý quan ngại.

Theo Bộ Tài chính, nếu như cuối năm 2018, nhà đầu tư cá nhân mua trên thị trường sơ cấp đạt 6,9% khối lượng trái phiếu, thì con số này tăng lên 9,14% vào cuối tháng 11/2019.

Một số doanh nghiệp phát hành và tổ chức cung cấp dịch vụ tập trung chào bán trái phiếu doanh nghiệp phát hành riêng lẻ cho nhà đầu tư cá nhân.

Qua kiểm tra, cơ quan này phát hiện hiện tượng doanh nghiệp chia nhỏ thành nhiều đợt phát hành và nhiều mã trái phiếu để vẫn đáp ứng số lượng 100 nhà đầu tư.

Sự gia tăng của nhà đầu tư cá nhân, gồm cả nhà đầu tư cá nhân nhỏ lẻ, trong khi chưa tiếp cận đầy đủ thông tin về mục đích phát hành tình hình tài chính, khả năng trả nợ, đặc điểm của trái phiếu, đồng thời thiếu khả năng phân tích đánh giá tiềm ẩn nhiều rủi ro cho các nhà đầu tư này.

Trường hợp doanh nghiệp phát hành gặp khó khăn trong sản xuất - kinh doanh, dẫn đến không thực hiện đầy đủ hoặc không thực hiện được các cam kết với nhà đầu tư (mua lại trước hạn theo thỏa thuận, thanh toán gốc, lãi trái phiếu doanh nghiệp) thì phạm vi bị ảnh hưởng lớn, gây bất ổn cho thị trường tài chính và xã hội, ảnh hưởng đến lòng tin của nhà đầu tư đối với thị trường trái phiếu doanh nghiệp nói riêng, thị trường vốn nói chung. Do đó, cần thiết phải có quy định về phạm vi giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ để bảo vệ các nhà đầu tư cá nhân.

“Kinh nghiệm vỡ nợ trái phiếu doanh nghiệp ở Trung Quốc gần đây là bài học đáng để Việt Nam tham khảo. Nhiều doanh nghiệp ở quốc gia này mất khả năng thanh toán gốc và lãi trái phiếu đã ảnh hưởng tiêu cực đến thị trường…”, một chuyên gia trái phiếu ở Bộ Tài chính cảnh báo.

Năm 2019, Trung Quốc ghi nhận thêm một năm kỷ lục về vỡ nợ trái phiếu doanh nghiệp, khi tổng giá trị của các vụ vỡ nợ lên tới 21 tỷ USD.

Các khoản nợ này phần lớn tập trung tại các doanh nghiệp bất động sản, các công ty có vốn nhà nước tại nhiều địa phương, huy động vốn để triển khai các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng.

Tuy nhiên, nhiều nhà quan sát còn lo ngại rằng, hệ thống tài chính liệu có thể chống đỡ được bao nhiêu vụ vỡ nợ nữa trong năm 2020?

Để khắc phục các bất cập của quy định pháp lý hiện hành, nhằm ngăn ngừa các rủi ro tác động tiêu cực đến thị trường, tại dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định 163/2018 quy định về phát hành trái phiếu doanh nghiệp, Bộ Tài chính đề xuất bổ sung quy định khối lượng trái phiếu được phát hành đảm bảo dư nợ trái phiếu phát hành riêng lẻ không vượt qua 3 lần vốn chủ sở hữu theo báo cáo tài chính quý gần nhất được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Bộ Tài chính cũng đề xuất bổ sung điều kiện đợt phát hành trái phiếu sau phải cách đợt phát hành trước tối thiểu là 6 tháng và quy định trái phiếu phát hành trong mỗi đợt phát hành phải có cùng điều kiện điều khoản.

Tuy còn có ý kiến khác nhau về những đề xuất mới này, nhưng cả cơ quan quản lý lẫn các doanh nghiệp tư vấn, chuyên gia tài chính đều khá đồng thuận với quan điểm cần thiết phải khống chế tần suất phát hành trái phiếu cũng như giá trị phát hành trên vốn chủ sở hữu để ngăn chặn nguy cơ vỡ nợ của doanh nghiệp, giảm thiểu rủi ro mất tiền cho nhà đầu tư, đảm bảo thị trường trái phiếu doanh nghiệp phát triển lành mạnh và ổn định.

Tin bài liên quan