Mập mờ như... trái phiếu doanh nghiệp

Mập mờ như... trái phiếu doanh nghiệp

(ĐTCK) Sự kém minh bạch trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp đã diễn ra từ lâu, nhưng đến nay vẫn chưa có giải pháp khắc phục rốt ráo. Bất cập này đã và đang khiến các nhà đầu tư, nhất là nhà đầu tư nước ngoài quan ngại.

Mãi chưa có “chợ” chuyên nghiệp

Từ đầu năm đến nay, khá nhiều doanh nghiệp, nhất là các ngân hàng, các công ty chứng khoán lớn đã huy động thành công hàng nghìn tỷ đồng qua kênh phát hành trái phiếu… Tuy nhiên, bên mua trái phiếu là ai vẫn là thông tin thường được giữ kín, khi các đợt phát hành trái phiếu được tiến hành đến nay gần như tuyệt đối là phát hành riêng lẻ.

Theo Bộ Tài chính, hết năm 2016, đã có 367 đợt đăng ký phát hành trái phiếu doanh nghiệp theo hình thức riêng lẻ tại thị trường trong nước, với khối lượng đăng ký phát hành là 183.550 tỷ đồng. Trong đó, có 359 đợt được thực hiện, với khối lượng phát hành thực tế là 129.636 tỷ đồng...  Trong số này, có tới 99% khối lượng phát hành theo hình thức riêng lẻ.

Thực tế, tình trạng mập mờ trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp đã kéo dài từ nhiều năm nay, với “4 không”: Không có chiến lược phát triển thị trường tổng thể, không có công ty định mức tín nhiệm, không có đầu mối tập hợp và công khai thông tin toàn thị trường, không có nơi đăng ký giao dịch tập trung cho thị trường thứ cấp. Nói cách khác, đến nay, Việt Nam chưa có “chợ” trái phiếu doanh nghiệp chuyên nghiệp.

Bất cập là vậy, nhưng hiện vẫn chưa có giải pháp căn cơ, đột phá để xử lý, cho dù Bộ Tài chính, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK), Sở GDCK Hà Nội thời gian qua đã xây dựng Đề án phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp, cũng như sửa văn bản đang điều chỉnh ở tầm cao nhất là Nghị định 90/2011 về phát hành trái phiếu doanh nghiệp.

Hệ quả của sự kém minh bạch là nhà đầu tư e ngại với kênh đầu tư này. Ông Dan Svensson, Giám đốc Quản lý danh mục Quỹ đầu tư Trái phiếu Việt Nam (thuộc Tập đoàn Dragon Capital) cho biết, các nhà đầu tư nước ngoài khó có thể rót vốn vào trái phiếu doanh nghiệp tại thị trường Việt Nam, bởi thị trường kém minh bạch, không biết thu thập dữ liệu về thị trường từ đâu để xem xét, đánh giá cơ hội trước khi ra quyết định đầu tư…

Không chỉ thị trường, nhà đầu tư, bản thân các cơ quan quản lý cũng nhận diện rõ rủi ro xuất phát từ sự kém minh bạch của thị trường trái phiếu doanh nghiệp. Ông Nguyễn Hoàng Dương, Phó vụ trưởng Vụ Tài chính - Ngân hàng (Bộ Tài chính) cho biết, Nghị định 90/2011 quy định phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ là phát hành trái phiếu cho dưới 100 nhà đầu tư, không kể nhà đầu tư chuyên nghiệp..

. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, phần lớn các doanh nghiệp phát hành trái phiếu đang hiểu trái phiếu riêng lẻ chỉ bị giới hạn khi phát hành cho dưới 100 nhà đầu tư trên thị trường sơ cấp, còn sau khi phát hành, việc giao dịch và nắm giữ trái phiếu trên thị trường thứ cấp không bị giới hạn bởi quy định này. Điều này dẫn đến có trường hợp trái phiếu doanh nghiệp được phát hành riêng lẻ, sau đó niêm yết giao dịch để tránh phát hành ra công chúng với tiêu chuẩn, điều kiện cao hơn.

Giải pháp nào?

Để khắc phục “lỗ hổng” pháp lý trên, tại phương án sửa Nghị định 90/2011, Bộ Tài chính đề xuất: Để bảo vệ nhà đầu tư, đặc biệt là các nhà đầu tư không chuyên nghiệp, cần thiết phải quy định cụ thể về phạm vi phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ cả trên thị trường sơ cấp và thứ cấp theo hướng giới hạn số lượng nhà đầu tư nắm giữ trái phiếu đảm bảo dưới 100 nhà đầu tư, không kể nhà đầu tư chuyên nghiệp như quy định tại Luật Chứng khoán.

Ngoài ra, để khắc phục tình trạng “4 không” nêu trên, cùng với thúc đẩy xây dựng và ban hành Đề án phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp, khuyến khích tổ chức định mức tín nhiệm ra đời, Bộ Tài chính, UBCK đang thúc đẩy sửa đổi Nghị định 90/2011 với một số nội dung mới về hình thành đầu mối tập hợp và công khai thông tin toàn thị trường, xây dựng thị trường giao dịch thứ cấp tập trung…

Ông Nguyễn Hoàng Dương cho biết, việc thiết kế hệ thống chính sách mới cho thúc đẩy phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp đang đối diện với nhiều thách thức trước thực tế đa phần các doanh nghiệp có thói quen tìm vốn qua kênh ngân hàng. Cách tiếp cận vốn này có phần dễ hơn so với thực hiện phát hành trái phiếu, nhất là với những doanh nghiệp ít tên tuổi, tính chuyên nghiệp trong hoạt động hạn chế.

Nhiều doanh nghiệp ngại công khai thông tin ra thị trường. Hiện thị trường thiếu vắng các nhà đầu tư tổ chức chuyên nghiệp như thông lệ quốc tế, đặc biệt là chưa có quỹ hưu trí. Các công ty bảo hiểm hiện hạn chế đầu tư vào trái phiếu doanh nghiệp, mà đa phần đầu tư vào các tài sản an toàn hơn.

“Do đó, cùng với sửa Nghị định 90/2011, Bộ Tài chính, UBCK đang thúc đẩy sửa Luật Chứng khoán bằng việc tính toán phương án sửa hai văn bản này theo hướng nào để hỗ trợ tốt nhất cho thị trường trái phiếu doanh nghiệp phát triển.

Theo đó, phương án phát hành ra công chúng đương nhiên đảm bảo tính minh bạch hơn và nếu dễ triển khai, thì sẽ thiết kế cơ chế trong Luật Chứng khoán sửa đổi theo hướng khuyến khích loại hình phát hành này phát triển.

Còn nếu xét phát hành trái phiếu phù hợp với bán buôn (phát hành riêng lẻ), thì phải tính toán giải pháp để minh bạch thông tin, để khắc phục hạn chế hiện tại. Đến nay, Bộ Tài chính chuẩn bị trình Chính phủ Dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định 90/2011 để xem xét ban hành…”, ông Dương cho hay. 

Tin bài liên quan