Kênh trái phiếu “cạnh tranh cao” với cổ phiếu

Kênh trái phiếu “cạnh tranh cao” với cổ phiếu

(ĐTCK) Cổ đông Công ty cổ phần Bất động sản Phát Ðạt (PDR) không khỏi băn khoăn khi doanh nghiệp này công bố kế hoạch phát hành trái phiếu kỳ hạn 1 năm với lãi suất lên tới 14,45%/năm. 

Có từ 100 triệu đồng trở lên, nhà đầu tư có thể chọn mua trái phiếu của doanh nghiệp để sau 1 năm, nếu không có gì bất thường, sẽ được hưởng lãi suất gấp đôi tiền gửi ngân hàng mà chẳng cần quan tâm, trăn trở gì với biến động giá cổ phiếu trên sàn chứng khoán.

Công ty này muốn huy động 200 tỷ đồng từ trái phiếu, dự kiến thực hiện trong quý II/2019. Cổ đông PDR đã đặt câu hỏi, vì sao Công ty lại áp dụng lãi suất cao cho đợt phát hành, phải chăng Công ty đang gặp khó khăn về tài chính?

Trước câu hỏi này, tại Ðại hội doanh nghiệp này cuối tháng 3 vừa qua, lãnh đạo PDR cho rằng, điều họ quan tâm không phải là lãi suất, mà là hiệu quả đầu tư. Công ty cần có nguồn vốn nhanh để đưa vào đầu tư phát triển, nên chấp nhận gọi vốn lãi suất cao với suy nghĩ, vay lãi 15%/năm để mang về lợi nhuận 30%/năm sẽ hiệu quả hơn rất nhiều nếu vay 10%/năm nhưng chỉ mang về hiệu quả 15%/năm.

Chưa biết doanh nghiệp trên có mang về được hiệu quả đầu tư như dự kiến không, nhưng ở vị trí của nhà đầu tư, việc doanh nghiệp bán trái phiếu lãi suất cao gọi vốn khiến họ có nhiều hơn cơ hội lựa chọn hơn. Cổ đông PRD cũng như người có tiền chắc chắn không khỏi băn khoăn khi “nghĩ đến” hiệu quả từ kênh cổ phiếu.

Một năm qua, cổ phiếu của doanh nghiệp này không những không tăng giá mà còn giảm, từ 34.000 đồng/cổ phiếu về 28.800 đồng/cổ phiếu (trong khi Công ty chỉ có 1 đợt trả cổ tức bằng cổ phiếu tỷ lệ 5:1). Giả định các điều kiện khác tương đương thì cùng khoảng thời gian 1 năm, giữ cổ phiếu thì lỗ, còn mua trái phiếu lại lãi cao.

Mùa đại hội 2019 chứng kiến nhiều doanh nghiệp niêm yết công bố kế hoạch gọi vốn bằng trái phiếu. Lãi suất “rẻ” nhất cũng 8%/năm, cao nhất đang là 14 - 15%/năm. Nhiều doanh nghiệp công bố mức lãi suất trái phiếu nương theo lãi suất tiền gửi ngân hàng 1 năm, cộng thêm 3 - 4% chênh lệch. Thực tế này cho thấy, không chỉ kênh huy động tiền gửi của ngân hàng chịu sự cạnh tranh hút dòng tiền nhàn rỗi, mà chính kênh đầu tư cổ phiếu cũng chịu sức ép cạnh tranh khi kênh trái phiếu “nổi lên”.

Muốn phát triển, các doanh nghiệp phải có thêm nguồn lực, nhất là vốn. Ðây là yêu cầu tất yếu, nhưng gọi vốn ở đâu bài toán càng ngày càng khó với các doanh nghiệp. Năm 2018, thống kê của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cho biết, các doanh nghiệp trên sàn huy động được gần 65.000 tỷ đồng từ phát hành cổ phiếu, trái phiếu trên quy mô 3.900.000 tỷ đồng vốn hóa toàn thị trường chứng khoán Việt Nam.

Quý I/2019 đã đi qua, chưa có doanh nghiệp nào công bố gọi vốn thành công, nhưng có nhiều doanh nghiệp đã công bố kế hoạch gọi vốn 2019. Trong khi thị trường cổ phiếu chưa biết có tăng trưởng lợi nhuận hay không thì nhà đầu tư có thêm không gian mới là trái phiếu doanh nghiệp, với nhiều cái tên đang muốn tìm vốn qua kênh này như Rồng Việt, SSI, Vingroup, Bản Việt, Hoàng Huy…

Trong khi nhiều doanh nghiệp chào bán trái phiếu với lợi suất cao, an nhàn trong đầu tư và cũng dễ chuyển thành tiền mặt (với sự tham gia của các nhà môi giới), thì sàn cổ phiếu đang đứng trước nguy cơ thanh khoản giảm dần.

Quý I/2019, thanh khoản bình quân trên sàn niêm yết chỉ đạt gần 4.800 tỷ đồng/phiên, thấp hơn đáng kể so với mức bình quân 6.547 tỷ đồng/phiên của năm 2018.

Nếu dòng tiền vơi bớt sự quan tâm vào cổ phiếu, liệu thị trường chứng khoán có tăng trưởng được không?

Tin bài liên quan