Gọi vốn bằng trái phiếu, nhiều điểm mới bất ngờ

Gọi vốn bằng trái phiếu, nhiều điểm mới bất ngờ

(ĐTCK) Doanh nghiệp chỉ được huy động vốn bằng trái phiếu với mức tối đa là 3 lần vốn chủ sở hữu, lãi suất không được vượt quá 20%/năm, các đợt phát hành cách nhau tối thiểu 6 tháng… Những nội dung này nằm trong dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định 163/2018, vừa được Bộ Tài chính công khai lấy ý kiến rộng rãi các bên liên quan. 

Chặn kẽ hở cho hoạt động “lách” phát hành là cần thiết

Năm 2019, thị trường trái phiếu doanh nghiệp chứng kiến sự sôi động đặc biệt.

Theo số liệu từ Hiệp hội Thị trường trái phiếu Việt Nam, có tổng cộng 905 đợt phát hành trái phiếu của 217 doanh nghiệp được tiến hành, với tổng giá trị phát hành đạt gần 296.713 tỷ đồng.

Bên cạnh các ngân hàng, công ty bất động sản và công ty chứng khoán, trong năm qua, đã có nhiều doanh nghiệp thuộc các lĩnh vực khác như sản xuất, du lịch, năng lượng… tham gia phát hành trái phiếu doanh nghiệp.

Sự sôi động của thị trường trái phiếu doanh nghiệp ở khía cạnh tích cực đã giúp nhiều doanh nghiệp giải quyết được bài toán huy động vốn phục vụ sản xuất - kinh doanh, không phụ thuộc vào kênh tín dụng ngân hàng, vốn đang bị siết lại bởi những quy định mới về tỷ lệ an toàn vốn, cho vay bất động sản…, nhưng ở mặt khác, việc nhiều doanh nghiệp ồ ạt phát hành trái phiếu cũng dấy lên lo ngại về rủi ro cho các nhà đầu tư, đặc biệt là nhà đầu tư cá nhân.

Các cơ quan quản lý (Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước) cũng nhiều lần lên tiếng cảnh báo về điều này.     

Nghị định 163/2018/NĐ-CP quy định, trái phiếu doanh nghiệp phát hành riêng lẻ bị hạn chế giao dịch trong phạm vi 100 nhà đầu tư, không kể nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp trong vòng 1 năm kể từ ngày hoàn thành đợt phát hành.

Quy định này theo ghi nhận của một số chuyên gia đang tạo ra kẽ hở cho hoạt động lách phát hành.

Phó tổng giám đốc một công ty quản lý quỹ phân tích, ban đầu, doanh nghiệp phát hành trái phiếu riêng lẻ cho một vài nhà đầu tư để tránh các quy định khắt khe của điều kiện phát hành trái phiếu ra công chúng.

Sau đó, số trái phiếu này sẽ được phân thành những lô nhỏ và bán rộng rãi cho các nhà đầu tư không khác gì phương thức phát hành ra đại chúng.

Như vậy, hình thức là phát hành riêng lẻ, nhưng đối tượng và cách thức bán trái phiếu lại là phát hành ra đại chúng.

Theo thông lệ quốc tế, đã là phát hành trái phiếu riêng lẻ thì loại trái phiếu này bị khống chế trong nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp trong suốt vòng đời của trái phiếu…

Tình trạng lách quy định như trên, theo đánh giá của Bộ Tài chính diễn ra trong bối cảnh một số doanh nghiệp phát hành và tổ chức cung cấp dịch vụ tập trung chào bán trái phiếu doanh nghiệp phát hành riêng lẻ cho nhà đầu tư cá nhân và đối tượng nhà đầu tư này tham gia mua trái phiếu ngày càng tăng là đáng báo động.

Nếu như cuối năm 2018, nhà đầu tư cá nhân mua 6,9% khối lượng trái phiếu trên thị trường sơ cấp, thì đến cuối tháng 11/2019, tỷ lệ này là 9,14%.

Bộ Tài chính thừa nhận, qua kiểm tra, có hiện tượng doanh nghiệp chia nhỏ thành nhiều đợt phát hành và nhiều mã trái phiếu để vẫn đáp ứng số lượng 100 nhà đầu tư.

Sự gia tăng của nhà đầu tư cá nhân, gồm cả nhà đầu tư cá nhân nhỏ, lẻ trong khi chưa tiếp cận đầy đủ thông tin về mục đích phát hành, tình hình tài chính, khả năng trả nợ, đặc điểm của trái phiếu đồng thời thiếu khả năng phân tích đánh giá tiềm ẩn nhiều rủi ro cho các nhà đầu tư này.

Trường hợp doanh nghiệp phát hành gặp khó khăn trong sản xuất - kinh doanh, dẫn đến không thực hiện đầy đủ hoặc không thực hiện được các cam kết với nhà đầu tư (mua lại trước hạn theo thỏa thuận, thanh toán gốc, lãi) thì phạm vi bị ảnh hưởng lớn, gây bất ổn cho thị trường tài chính và xã hội, ảnh hưởng đến lòng tin của nhà đầu tư đối với thị trường trái phiếu doanh nghiệp nói riêng, thị trường vốn nói chung.

Để bịt kẽ hở trên, qua đó bảo vệ các nhà đầu tư cá nhân, Bộ Tài chính đề xuất Chính phủ sửa đổi Nghị định 163/2018 theo hướng trái phiếu riêng lẻ chỉ được phát hành và giao dịch trong phạm vi dưới 100 nhà đầu tư không kể nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp trong suốt vòng đời của trái phiếu, thay vì chỉ giới hạn giao dịch trong vòng 1 năm như quy định hiện hành.

Một quan ngại khác là cuộc đua lãi suất để gọi được vốn qua kênh trái phiếu. Theo đánh giá của Bộ Tài chính, thời gian qua, có doanh nghiệp phát hành trái phiếu với lãi suất cao, tiềm ẩn rủi ro trên thị trường.

Để khắc phục tình trạng này, cơ quan soạn thảo đề xuất Chính phủ bổ sung quy định về trần lãi suất phát hành theo quy định tại Điều 468, Luật Dân sự năm 2015.

Theo đó, với lãi suất vay vốn, mức lãi suất theo thỏa thuận không được vượt quá 20%/năm... Ý kiến từ nhà đầu tư, doanh nghiệp, chuyên gia, việc sửa đổi theo hướng trên là phù hợp và khả thi.

Rút ngắn thời hạn công bố thông tin

Theo quy định hiện hành, tối thiểu 10 ngày làm việc trước ngày dự kiến phát hành trái phiếu, doanh nghiệp phải thực hiện công bố thông tin cho nhà đầu tư đăng ký mua trái phiếu và gửi nội dung công bố thông tin cho sở giao dịch chứng khoán.

Theo lãnh đạo một công ty chứng khoán, quy định này đang bộc lộ sự bất cập, bởi trong 10 ngày làm việc kể từ khi công bố thông tin về đợt phát hành cho đến khi chốt giao dịch, có không ít biến động về lãi suất, tài sản đảm bảo…, nên phương án giao dịch cuối cùng có sự chênh lệch đáng kể so với bản công bố thông tin cho nhà đầu tư, cũng như gửi đến Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) để công bố ra thị trường.

Với những trái phiếu doanh nghiệp có tài sản đảm bảo, do các tài liệu pháp lý phức tạp, các bên thường chỉ kết thúc đàm phán chi tiết hợp đồng đảm bảo 1 - 2 ngày trước khi phát hành. Do đó, cần giảm thời gian từ 10 ngày xuống còn 2 - 3 ngày…

Thừa nhận bất cập trên, nên trong lần sửa đổi Nghị định 163/2018 này, Bộ Tài chính đề xuất trình Chính phủ rút ngắn thời gian công bố thông tin trước đợt phát hành từ tối thiểu 10 ngày làm việc xuống tối thiểu 3 ngày, phù hợp với thời gian đàm phán của doanh nghiệp phát hành với nhà đầu tư.

Băn khoăn khoảng cách các đợt phát hành và trần vốn huy động

Bên cạnh ý kiến đồng ý với một số nội dung mới theo đề xuất của Bộ Tài chính, nhiều chuyên gia, đại diện doanh nghiệp cho rằng, vẫn còn nhiều nội dung chưa thật hợp lý trong dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định 163/2018/NĐ-CP.

Trong bối cảnh thị trường trái phiếu doanh nghiệp sôi động năm qua, có nhiều công ty phát hành tới vài chục đợt trái phiếu.

Thậm chí, có những công ty chẳng mấy tên tuổi trên thị trường, nhưng trong một tháng triển khai hàng chục đợt phát hành.

Theo Hiệp hội Thị trường trái phiếu Việt Nam (VBMA), trong tháng 12/2019, Công ty TNHH Vinametric đã tiến hành tới 24 đợt phát hành.

Có nghĩa là gần như trung bình 1 ngày, Công ty thực hiện 1 thương vụ. Trước đó, trong tháng 11/2019, công ty này thực hiện 3 đợt phát hành…

Hay trong tháng 9/2019, trung bình chưa đến 3 ngày, Công ty cổ phần Bất động sản Sài Gòn Vina thực hiện một đợt phát hành trái phiếu, với tổng số đợt Công ty thực hiện lên tới con số 11…

Ngoài quan ngại về tình trạng doanh nghiệp hoạt động kém minh bạch, nhưng lại phát hành dày đặc trong thời gian ngắn, Bộ Tài chính cảnh báo, có doanh nghiệp phát hành không gắn với nhu cầu huy động vốn cho sản xuất - kinh doanh, dẫn đến những rủi ro cho nhà đầu tư, thị trường.

Để khắc phục tình trạng này, Bộ Tài chính đề xuất bổ sung điều kiện đợt phát hành trái phiếu sau phải cách đợt phát hành trước tối thiểu 6 tháng, đồng thời quy định trái phiếu trong mỗi đợt phát hành phải có cùng điều kiện, điều khoản.

Cho rằng việc khống chế khoảng cách thời gian giữa các đợt phát hành là cần thiết, nhưng ý kiến từ thị trường cho rằng, 6 tháng là hơi dài, nên là 3 tháng.

Lý do là bởi, thông thường, sau mỗi quý, doanh nghiệp đều công khai báo cáo tài chính quý, nên nhà đầu tư có cơ sở thông tin để xem xét, cân nhắc tham gia đợt phát hành tiếp theo hay không.

Ngoài ra, ghi nhận trên thị trường trái phiếu năm qua, có tình trạng nhiều doanh nghiệp phát hành trái phiếu khối lượng lớn so với vốn chủ sở hữu, tiềm ẩn nhiều rủi ro cho cả doanh nghiệp phát hành và nhà đầu tư mua trái phiếu…

Để khắc phục tình trạng này, Bộ Tài chính đề xuất bổ sung quy định dư nợ trái phiếu phát hành riêng lẻ không vượt qua 3 lần vốn chủ sở hữu theo báo cáo tài chính quý gần nhất được cấp có thẩm quyền phê duyệt...

Theo lãnh đạo một doanh nghiệp, quy định như trên là có phần chưa hợp lý, bởi mang tính cào bằng cho tất cả loại hình doanh nghiệp hoạt động trong các ngành nghề, lĩnh vực hoạt động khác nhau, vốn có nhu cầu về phát hành trái phiếu không giống nhau, mức độ rủi ro trong hoạt động của doanh nghiệp khác nhau.

Chẳng hạn, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực bất động sản, tài chính thường có nhu cầu huy động vốn trái phiếu cao, đồng thời mức độ rủi ro hoạt động thường cao hơn so với các doanh nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực sản xuất, chế biến, chế tạo.

Do đó, cơ quan soạn thảo nên khảo sát, đánh giá kỹ lưỡng về thực trạng phát hành, cũng như mức độ rủi ro của các doanh nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực khác nhau để đưa ra quy định theo hướng: Với những doanh nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực có mức độ rủi ro cao, khống chế khối lượng trái phiếu được phát hành đảm bảo dư nợ trái phiếu phát hành riêng lẻ dưới 3 lần vốn chủ sở hữu.

Còn những doanh nghiệp có định mức tín nhiệm cao, ngành nghề hoạt động ít có tính rủi ro hơn thì tỷ lệ này có thể là hơn 3 lần vốn chủ sở hữu.

Tin bài liên quan