Chính phủ vừa ban hành Nghị định về phát hành, đăng ký, lưu ký, niêm yết và giao dịch công cụ nợ của Chính phủ trên TTCK

Chính phủ vừa ban hành Nghị định về phát hành, đăng ký, lưu ký, niêm yết và giao dịch công cụ nợ của Chính phủ trên TTCK

Gỡ dần nút thắt cho thị trường trái phiếu

(ĐTCK) Trong bối cảnh nhà tạo lập thị trường trên thị trường trái phiếu Chính phủ (TPCP) than phiền trách nhiệm nhiều, quyền lợi ít, Bộ Tài chính đã đề xuất Chính phủ ban hành nhiều quy định mới, có hiệu lực từ ngày 1/7/2018.

Một số kết quả 6 tháng đầu năm

Theo Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX), trên thị trường sơ cấp 6 tháng đầu năm 2018, HNX đã tổ chức huy động được hơn 74.500 tỷ đồng TPCP, hoàn thành 37% kế hoạch năm. Kỳ hạn bình quân TPCP do Kho bạc Nhà nước phát hành được nâng lên mức 13,2 năm, cao hơn 0,5 năm so với mức bình quân năm 2017.

Trên thị trường thứ cấp, tính đến hết tháng 6/2018, dư nợ TPCP niêm yết đạt trên 1,03 triệu tỷ đồng, tăng 3% so với năm 2017, tương đương 20,5% GDP. Giá trị giao dịch bình quân 6 tháng đầu năm đạt 10.600 tỷ đồng/phiên, tăng 40,2% so với cùng kỳ năm ngoái. Độ sâu của thị trường tiếp tục được cải thiện khi giao dịch mua bán lại (Repos) chiếm 51,4% tổng giá trị giao dịch toàn thị trường, giao dịch mua bán thông thường (Outright) chỉ còn chiếm 48,6%.

Những điểm còn hạn chế

Bên cạnh các kết quả tích cực, theo đánh giá của Bộ Tài chính, thị trường TPCP vẫn còn nhiều hạn chế. Đầu tiên là quy mô thị trường còn nhỏ khi so sánh với các thị trường lân cận. Tiếp đến là tính thanh khoản của thị trường chưa ổn định. Một số yếu tố của thị trường chưa được hoàn thiện, trong đó phương thức phát hành, đặc biệt là bảo lãnh phát hành cần được cải tiến theo thông lệ quốc tế, hệ thống nhà tạo lập thị trường chưa có đầy đủ quyền và nghĩa vụ như thông lệ quốc tế, thiếu cơ chế hỗ trợ thanh khoản cho nhà tạo lập thị trường...

Những hạn chế, tồn tại này đã ảnh hưởng đến khả năng huy động vốn cho ngân sách nhà nước, cũng như sự phát triển của thị trường. Do đó, cần khắc phục những “nút thắt” nhằm thúc đẩy thị trường TPCP phát triển cả về chiều rộng lẫn chiều sâu để thị trường trái phiếu ngày càng đóng vai trò quan trọng trong huy động vốn cho đầu tư phát triển của nền kinh tế.

Các quy định mới

Ngày 30/6/2018, Chính phủ ban hành Nghị định 95/2018/NĐ-CP quy định về phát hành, đăng ký, lưu ký, niêm yết và giao dịch công cụ nợ của Chính phủ trên thị trường chứng khoán, có hiệu lực từ ngày 1/7/2018.

Theo Vụ Tài chính ngân hàng, Bộ Tài chính, Nghị định 95/2018/NĐ- thay thế các nội dung về phát hành TPCP trong nước và TPCP ra thị trường quốc tế tại Nghị định số 01/2011/NĐ-CP về phát hành TPCP, trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh và trái phiếu chính quyền địa phương. Các nội dung mới của Nghị định số 01/2011/NĐ-CP sẽ giúp thị trường TPCP phát triển theo hướng ổn định, cấu trúc hoàn chỉnh, mở rộng cơ sở nhà đầu tư, tăng quy mô và chất lượng hoạt động.

Cụ thể, văn bản này quy định về hệ thống nhà tạo lập thị trường với đầy đủ quyền lợi và nghĩa vụ theo thông lệ quốc tế, để họ đóng vai trò thúc đẩy thanh khoản trên cả thị trường sơ cấp và thứ cấp TPCP. Theo đó, nhà tạo lập thị trường phải thực hiện nghĩa vụ cơ bản chào giá với cam kết chắc chắn trên thị trường thứ cấp. Khi thực hiện nghĩa vụ này nhưng không có đủ công cụ nợ, nhà tạo lập thị trường phải thực hiện mua trên thị trường. Trường hợp không mua được trên thị trường, Bộ Tài chính (Kho bạc Nhà nước) phát hành TPCP và thực hiện hợp đồng mua bán lại với nhà tạo lập thị trường để hỗ trợ thanh khoản cho nhà tạo lập thị trường. Khối lượng phát hành TPCP để hỗ trợ thanh khoản cho nhà tạo lập thị trường thuộc hạn mức phát hành TPCP hàng năm được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Như vậy, quy định trên sẽ tạo điều kiện cho nhà tạo lập thị trường thực hiện quyền lợi và nghĩa vụ theo thông lệ quốc tế, qua đó cải thiện thanh khoản trên thị trường thứ cấp TPCP và tạo ra đường cong lợi suất chuẩn trên thị trường. Tuy nhiên, các quy định về quyền lợi và nghĩa vụ của nhà tạo lập thị trường sẽ được áp dụng kể từ năm 2019.

Để khắc phục hạn chế, tồn tại trong hoạt động giao dịch TPCP trên thị trường thứ cấp trong thời gian qua, Nghị định số 95/2018/NĐ-CP quy định cụ thể về giao dịch mua bán lại và bán kết hợp mua lại TPCP. Đồng thời, để đảm bảo thuận tiện cho việc triển khai thực hiện, Nghị định quy định các nội dung cơ bản của hợp đồng giao dịch mua bán lại công cụ nợ Chính phủ, áp dụng chung cho tất cả các thành viên thị trường, nhằm giảm thời gian đàm phán, giảm thiểu rủi ro cho các bên khi tham gia hợp đồng, qua đó thúc đẩy hoạt động giao dịch công cụ nợ Chính phủ.

Để thúc đẩy thị trường TPCP phát triển chuyên nghiệp, sôi động hơn, Nghị định số 01/2011/NĐ-CP bổ sung, làm rõ phương thức phát hành TPCP, bao gồm đấu thầu, bảo lãnh, phát hành riêng lẻ. Trong đó, phương thức bảo lãnh phát hành đã được quy định theo chuẩn quốc tế để nâng cao khả năng huy động vốn của Chính phủ theo phương thức này.

Tin bài liên quan