Các doanh nghiệp bất động sản đang có nhu cầu vốn rất lớn

Các doanh nghiệp bất động sản đang có nhu cầu vốn rất lớn

Doanh nghiệp ồ ạt tìm vốn trái phiếu

(ĐTCK) Nhiều doanh nghiệp đang tìm vốn trung và dài hạn thông qua phát hành trái phiếu. Lãi suất trái phiếu dao động từ 10,5 - 12%/năm, tùy từng doanh nghiệp.
 

Tại ĐHCĐ năm 2015, nhiều doanh nghiệp trình đại hội kế hoạch phát hành trái phiếu để bổ sung vốn hoạt động kinh doanh.

Chẳng hạn, HĐQT CTCP Dịch vụ và Xây dựng Địa ốc Đất Xanh (DXG) trình ĐHCĐ kế hoạch phát hành riêng lẻ tối đa 1.000 tỷ đồng trái phiếu không chuyển đổi, kỳ hạn tối đa 5 năm. Ông Lương Trí Thìn, Chủ tịch DXG cho biết, số tiền này sẽ dùng để phát triển các dự án bất động sản, M&A các dự án và mở rộng quy mô hoạt động.

CTCP Địa ốc Bến Thành (BTL) trình ĐHCĐ kế hoạch phát hành 300 - 500 tỷ đồng trái phiếu, kỳ hạn 3 - 5 năm, tài sản đảm bảo là chuỗi nhà hàng, tiệc cưới của doanh nghiệp.

Trong quý III này, CTCP Sông Đà 1.01 (SJC) dự kiến phát hành tối đa 300 tỷ đồng trái phiếu kỳ hạn 3 năm, lãi suất 12%/năm, phát hành riêng lẻ theo hình thức ghi sổ. Nguồn vốn trái phiếu sẽ dùng để phục vụ Dự án Tổ hợp thương mại văn phòng và nhà ở cao tầng tại số 1 phố Giáp Nhị, quận Hoàng Mai, Hà Nội. Hiện dự án này đã được UNBD TP. Hà Nội chấp thuận đầu tư.

Quý IV/2015, CTCP Licogi 16 (LGC) sẽ phát hành 300 tỷ đồng trái phiếu để tài trợ vốn cho Dự án Khu dân cư Phước Điền (Đồng Nai), dự án được phát triển theo hướng khu dân cư sinh thái. Trái phiếu có kỳ hạn 5 năm, lãi suất không quá 12%/năm.

Ông Cao Hữu Trí, Tổng giám đốc CTCP Đầu tư địa ốc Bến Thành (BTL) chia sẻ, có 4 - 5 ngân hàng đang muốn mua trái phiếu BTL, số lượng và thời điểm phát hành sẽ phụ thuộc vào nhu cầu vốn của doanh nghiệp. Công ty đang đàm phán về lãi suất trái phiếu.

Ông Lương Trí Thìn, Chủ tịch HĐQT CTCP Dịch vụ và Xây dựng địa ốc Đất Xanh (DXG) cho biết, Công ty cũng có kế hoạch phát hành trái phiếu.

CTCP Kỹ thuật nền móng và công trình ngầm Fecon (FCN) chuẩn bị phát hành 100 tỷ đồng trái phiếu chuyển đổi cho Công ty TNHH Chứng khoán Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (VCBS), với giá chuyển đổi là 19.700 đồng/cổ phiếu. Hiện tại, Công ty đã hoàn thành các thủ tục cho đợt phát hành.

Lãi suất trái phiếu được các doanh nghiệp đưa ra khá cao, mức lãi suất 12% của SJC hay tối đa 12% của LCG được đánh giá là hấp dẫn trong bối cảnh lãi suất tiền gửi ngân hàng đang ở mức thấp. Tuy nhiên, không phải doanh nghiệp nào cũng có cơ hội phát hành thành công. Hầu hết doanh nghiệp phát hành trái phiếu phải có bảo lãnh phát hành, phải có tài sản đảm bảo.

Tổng giám đốc công ty con của một tập đoàn chuyên về thi công xây dựng than thở, công ty đã tìm nhà tư vấn phát hành trái phiếu, nhưng từ đầu năm đến nay chưa tìm được người mua.

Với LCG, vấn đề của công ty này khi phát hành trái phiếu là phương án định giá tài sản đảm bảo để làm sao vay được vốn mà không phải thế chấp quá nhiều. Nếu đối tượng phát hành là ngân hàng thì phần định giá này sẽ do ngân hàng thực hiện.

Về phía ngân hàng, theo ông Nguyễn Thanh Toại, Phó tổng giám đốc Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB), hiện ACB gần như không mua trái phiếu doanh nghiệp bất động sản, cũng như hạn chế bơm vốn qua việc mua trái phiếu doanh nghiệp, mặc dù lãi suất trái phiếu mà các doanh nghiệp phải trả thường cao hơn lãi suất cho vay của Ngân hàng.

Thực tế cho thấy, nhiều ngân hàng cũng như nhà đầu tư không thực sự mặn mà với trái phiếu doanh nghiệp. Các đợt phát hành trái phiếu thành công tập trung vào những doanh nghiệp lớn, dù lãi suất không cao. Chẳng hạn, mức lãi suất trái phiếu kỳ hạn 2 năm, khối lượng 300 tỷ đồng mà CTCP Chứng khoán Sài Gòn (SSI) phát hành trong tháng 4 vừa qua chỉ là 7,175%/năm. Trong năm 2014, CTCP Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai (HAG) phát hành 3.000 tỷ đồng trái phiếu kỳ hạn 5 năm với lãi suất 10,5%/năm.

Tin bài liên quan