Cung cầu bớt “vênh” trên thị trường trái phiếu

(ĐTCK) “Việc Quốc hội cho phép phát hành trái phiếu chính phủ kỳ hạn 3 năm, tiệm cận với nhu cầu đầu tư vào các trái phiếu có kỳ hạn dưới 5 năm của các NĐT, đã giúp cải thiện thanh khoản trên thị trường sơ cấp. 
Ngoài kỳ hạn ngắn, khả năng thành công của các đợt phát hành trái phiếu sẽ phụ thuộc vào sự linh hoạt về mức lãi suất

Ngoài kỳ hạn ngắn, khả năng thành công của các đợt phát hành trái phiếu sẽ phụ thuộc vào sự linh hoạt về mức lãi suất

Tuy nhiên, thị trường trái phiếu vẫn đang có những thách thức…”, ông Phạm Thanh Hà, Phó chủ tịch Hiệp hội Thị trường trái phiếu Việt Nam (VBMA) trao đổi với ĐTCK. 

Theo ông, sau khi Quốc hội cho phép phát hành trái phiếu chính phủ (TPCP) kỳ hạn 3 năm, sức cầu của thị trường trái phiếu như thế nào?

Việc Quốc hội ban hành Nghị quyết 99/2015/QH13 về dự toán ngân sách nhà nước 2016, trong đó cho phép phát hành TPCP kỳ hạn 3 năm với một tỷ lệ nhất định là chính sách điều chỉnh phù hợp, tiệm cận với nhu cầu đầu tư vào các trái phiếu có kỳ hạn dưới 5 năm của các NĐT, nhất là các ngân hàng thương mại. Do đó, thanh khoản trên thị trường trái phiếu sơ cấp đã và đang được cải thiện. Trong nửa cuối tháng 11, 2 đợt phát hành trái phiếu kỳ hạn 3 năm của Kho bạc Nhà nước đã huy động thành công 14.800 tỷ đồng.

Tuy nhiên, với nguồn cung dồi dào như kế hoạch phát hành TPCP điều chỉnh trong quý IV/2015 mà Kho bạc Nhà nước công bố mới đây, việc xác định một mức lãi suất phù hợp, đáp ứng được phần đông kỳ vọng của thị trường là nhân tố quan trọng để đảm bảo thành công của các phiên đấu thầu.

Đáng chú ý, tâm lý thận trọng do lo đảm bảo thanh khoản hệ thống trong tháng cuối năm của các ngân hàng có thể ảnh hưởng đến lực cầu TPCP kỳ hạn 3 năm.

Ông Phạm Thanh Hà
 

Như vậy, NĐT chủ lực trên thị trường trái phiếu vẫn là các ngân hàng thương mại và mặt hàng mới là TPCP kỳ hạn 3 năm bước đầu đáp ứng được kỳ vọng của NĐT?

Các NĐT trái phiếu tại Việt Nam, trong đó các ngân hàng thương mại vẫn là NĐT chính trên thị trường, đặc biệt ưa thích các trái phiếu có kỳ hạn dưới 5 năm. TPCP kỳ hạn 3 năm đã đáp ứng được một phần kỳ vọng của NĐT.

Trong kỳ họp vừa qua, Quốc hội đã thông qua nghị quyết cho phép Chính phủ phát hành tổng cộng 3 tỷ USD trái phiếu ra thị trường quốc tế trong năm nay và 2016 để cơ cấu lại nợ trong nước, trên cơ sở so sánh, phân tích, đảm bảo có lợi cho quốc gia. Cơ quan này cũng nhất trí thực hiện đa dạng hóa kỳ hạn trái phiếu phát hành, bằng cách hạn chế các kỳ hạn từ 3 đến dưới 5 năm ở không quá 30% khối lượng. 70% còn lại phải có kỳ hạn từ 5 năm trở lên.    

Để tạo thanh khoản cho thị trường thứ cấp, đa dạng hóa danh mục đầu tư, xây dựng các đường tham chiếu cho thị trường đối với các kỳ hạn ngắn, thì việc phát hành TPCP kỳ hạn dưới 3 năm vẫn được các NĐT mong đợi để có lãi suất tham chiếu phù hợp.

Theo quan sát của ông, các quỹ đầu tư trái phiếu do các công ty quản lý quỹ đang quản lý có khẩu vị đầu tư khác, hay cũng ưa thích đầu tư vào các loại trái phiếu có kỳ hạn ngắn như các ngân hàng thương mại?

Các quỹ đầu tư trái phiếu cũng có nhu cầu đầu tư vào các loại trái phiếu có kỳ hạn ngắn để đa dạng hóa danh mục đầu tư. Đặc biệt, trong những giai đoạn thị trường có nhiều biến động, việc các công ty quản lý quỹ quan tâm đến các trái phiếu kỳ hạn ngắn là tương đối phù hợp với chiến lược hoạt động của họ.

Khá nhiều NĐT than phiền rằng, Thông tư 36/2014/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước đang hạn chế các ngân hàng nước ngoài đầu tư vào trái phiếu. Theo nhìn nhận của ông, nên tháo gỡ vướng mắc này theo hướng nào để chính sách tiền tệ đồng bộ hơn với chính sách tài khóa trong hỗ trợ thị trường trái phiếu phát triển?

Thông tư 36/2014/2014/TT-NHNN ngày 20/11/2014 của Ngân hàng Nhà nước quy định các giới hạn, tỷ lệ đảm bảo an toàn trong hoạt động của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.

Trong đó, lần đầu tiên quy định mức tối đa đầu tư TPCP của các tổ chức tín dụng là 15% hoặc 35% tổng nguồn vốn ngắn hạn, tùy thuộc vào loại hình tổ chức tín dụng là ngân hàng thương mại nhà nước, ngân hàng thương mại cổ phần, hay chi nhánh ngân hàng nước ngoài.

Như các kiến nghị trước đây của VBMA đã gửi tới Ngân hàng Nhà nước, để hỗ trợ thị trường trái phiếu phát triển, có thể xem xét áp dụng một tỷ lệ thống nhất cho các ngân hàng thương mại trong nước và chi nhánh ngân hàng nước ngoài.

Kho bạc Nhà nước mới đây có công văn gửi các thành viên thị trường trái phiếu về kế hoạch phát hành TPCP trong quý IV/2015, với tổng mức phát hành 123.000 tỷ đồng. Ông đánh giá như thế nào về kế hoạch này, trong bối cảnh cuối năm tín dụng tăng cao, đồng thời đây là lượng phát hành lớn khi chiếm tới gần 50% tổng kế hoạch phát hành đề ra cho năm nay là 250.000 tỷ đồng?

Theo tôi, kế hoạch phát hành trái phiếu trong quý IV/2015 của Kho bạc Nhà nước khá thách thức. Như đã nói ở trên, trong thời gian còn lại của năm 2015, thị trường sẽ bị tác động từ xu hướng đảm bảo thanh khoản trong giai đoạn cuối năm của các ngân hàng thương mại.

Do đó, việc Kho bạc Nhà nước gọi thầu thành công được bao nhiêu phần trăm theo kế hoạch phát hành sẽ phụ thuộc vào sự linh hoạt về mức lãi suất có đáp ứng kỳ vọng của các NĐT hay không.

Tin bài liên quan