Chuẩn bị các bước quan trọng để bán 3 tỷ USD trái phiếu quốc tế

Chuẩn bị các bước quan trọng để bán 3 tỷ USD trái phiếu quốc tế

(ĐTCK) “Bộ Tài chính đang cùng với các bộ, ngành quảng bá về kinh tế Việt Nam đến giới đầu tư quốc tế, để chuẩn bị các bước quan trọng cho triển khai phát hành 3 tỷ USD trái phiếu quốc tế như Quốc hội cho phép khi điều kiện thuận lợi…”, ông Trương Hùng Long, Cục trưởng Cục Quản lý nợ và tài chính đối ngoại, Bộ Tài chính cho biết.

Đến thời điểm này, Bộ Tài chính đã dự kiến thời điểm cụ thể để thực hiện phát hành trái phiếu quốc tế hay chưa, thưa ông?

Hiện Bộ Tài chính chưa chốt thời điểm phát hành, vì bối cảnh thị trường quốc tế chưa thuận lợi. Chúng ta sẽ chỉ thực hiện phát hành khi đảm bảo nguyên tắc mang lại lợi ích tối ưu cho nền kinh tế, đồng thời đảm bảo lợi ích quốc gia.

Trong điều kiện ngân sách nhà nước vẫn còn vay được vốn từ thị trường trong nước với chi phí thấp hơn so với huy động vốn nước ngoài, thì sẽ vay trong nước để dân được hưởng lợi hơn.

Một khi việc huy động vốn trong nước gặp khó khăn, đồng thời bối cảnh thị trường thế giới thuận lợi như năm 2014 với chi phí huy động vốn nước ngoài khá thấp, thì mới tiến hành vay trên thị trường tài chính quốc tế.

Ông Trương Hùng Long 

Nếu rơi vào trường hợp, cùng một thời điểm, việc vay vốn trong nước gặp khó khăn và phát hành trái phiếu huy động vốn từ thị trường quốc tế cũng không thuận lợi, thì sẽ xử lý thế nào, thưa ông?

Trong tình huống đó, phải triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm kiểm soát chặt lượng vốn có khả năng sử dụng tăng, đồng thời nâng cao hiệu quả, tính an toàn của việc sử dụng vốn, nhằm giảm sức ép lên hoạt động huy động vốn. Đối với cho vay lại dự án đầu tư trọng điểm, trong giai đoạn hiện nay, Chính phủ đang có chủ trương đẩy mạnh xã hội hóa, thu hẹp phạm vi cấp phát từ ngân sách nhà nước và giảm tính bao cấp của nhà nước trong cơ chế sử dụng vốn vay nước ngoài.

Đối với các địa phương có tiềm lực tài chính khá, đặc biệt là các tỉnh, thành phố có khả năng điều tiết ngân sách về trung ương, thì phải chia sẻ gánh nặng nợ với ngân sách trung ương thông qua cơ chế cho vay lại chính quyền địa phương. Tăng tính công khai, minh bạch trong quản lý, sử dụng nguồn vốn vay công; tăng tính trách nhiệm của tất cả các chủ thể liên quan đến quản lý và sử dụng nguồn vốn vay.

Bộ Tài chính đã dự liệu phương án sẽ phát hành một lần 3 tỷ USD, hay chia làm nhiều đợt, thưa ông?

Điều này sẽ tùy thuộc vào nhu cầu sử dụng vốn, cũng như hiện trạng huy động vốn trong nước và bối cảnh thị trường tài chính quốc tế có diễn biến thuận lợi cho chúng ta thực hiện phát hành hay không.

Các chương trình quảng bá về kinh tế Việt Nam tới giới đầu tư quốc tế nhằm chuẩn bị sẵn sàng cho hoạt động phát hành khi điều kiện thuận lợi như ông chia sẻ, đang được tiến hành ra sao?

Bộ Tài chính đang phối hợp với các bộ ngành tiến hành các hoạt động quảng bá về kinh tế Việt Nam đến giới đầu tư quốc tế. Việc cập nhật các diễn biến về tình hình Việt Nam nói chung, nền kinh tế nói riêng tới nhà đầu tư nước ngoài đang được thực hiện định kỳ và thường xuyên trên thị trường tài chính quốc tế.

Chúng ta cũng chủ động chia sẻ các cam kết của Việt Nam trong hội nhập kinh tế toàn cầu, đặc biệt là với lĩnh vực thị trường tài chính, qua đó, giúp các nhà đầu tư tiềm năng ở các quốc gia hiểu rõ hơn về Việt Nam. Từ đó, họ có thông tin để đánh giá các cơ hội đầu tư vào Việt Nam.

Bên cạnh các hoạt động quảng bá hàng năm, tùy từng diễn biến cụ thể của bối cảnh kinh tế, thị trường tài chính, tiền tệ trong và ngoài nước mà chúng tôi sẽ tiến hành thêm các chương trình quảng bá, cũng như các hoạt động khác sao cho hiệu quả. Cụ thể như trong tháng 4 tới, Bộ Tài chính sẽ làm việc với Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và các tổ chức xếp hạng tín nhiệm hàng đầu thế giới như Standard & Poor's, Moody's, Fitch để đánh giá tín nhiệm cho Việt Nam.

Trên cơ sở kết quả xếp hạng tín nhiệm này, chúng tôi sẽ công bố rộng rãi để nhà đầu tư quốc tế có thông tin cập nhật, tin cậy về tình hình kinh tế Việt Nam… Đây là các bước chuẩn bị quan trọng để ngay khi bối cảnh thị trường thuận lợi, chúng ta sẽ chớp thời cơ để tiến hành huy động vốn trái phiếu quốc tế với chi phí hợp lý, mang lại lợi ích cho nền kinh tế.

Tin bài liên quan