Trái phiếu toàn cầu bị bán tháo

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Thị trường trái phiếu toàn cầu hoảng loạn khi các ngân hàng trung ương phát tín hiệu thời điểm tăng lãi suất đang đến gần
Trái phiếu toàn cầu bị bán tháo

Giới đầu tư bán phá giá trái phiếu chính phủ sau cuộc họp chính sách của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) và Ngân hàng Trung ương Anh (BoE) tuần trước, khi cả hai đều cho thấy họ sẵn sàng nâng chi phí vay ngắn hạn nếu áp lực lạm phát gia tăng.

Trong khi đó, việc giá năng lượng tăng mạnh ở châu Âu, đặc biệt là ở Anh, càng khiến các nhà quản lý quỹ tin rằng đà tăng của lạm phát sẽ kéo dài hơn dự đoán của các ngân hàng trung ương.

Dickie Hodges, một nhà quản lý quỹ trái phiếu tại Nomura Asset Management, chia sẻ: “Các ngân hàng trung ương đang cố gắng thuyết phục rằng lạm phát chỉ là tạm thời. Nhưng tôi sẽ rất ngạc nhiên nếu bạn chỉ ra được một thứ bây giờ rẻ hơn so với trước đại dịch Covid-19”.

Thị trường trái phiếu ban đầu gần như không phản ứng với thông tin rằng ngày càng nhiều quan chức Fed dự kiến ​​lãi suất tăng trong năm tới. Trong khi đó, Fed cũng cho biết có thể dễ dàng thực hiện kế hoạch giảm quy mô mua trái phiếu ngay vào tháng 11.

BoE thậm chí cho thấy sự thay đổi rõ rệt hơn trong quan điểm chính sách khi đánh tiếng một đợt tăng lãi suất có thể xảy ra trước cuối năm. Điều này đã kích hoạt làn sóng bán tháo lan rộng khắp các thị trường toàn cầu khi đó và tiếp tục trong tuần này.

Kết quả, lợi suất trái phiếu tăng mạnh và thị trường trái phiếu toàn cầu đang hướng tới tháng tồi tệ nhất kể từ đầu năm nay.

Lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ, Đức, Anh kỳ hạn 10 năm đều tăng do kỳ vọng lãi suất sẽ sớm tăng lên. Nguồn: Bloomberg
Lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ, Đức, Anh kỳ hạn 10 năm đều tăng do kỳ vọng lãi suất sẽ sớm tăng lên. Nguồn: Bloomberg

Trong đó, lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ kỳ hạn 10 năm, lên cao nhất kể từ tháng 6 trong phiên 29/9 ở mức 1,55%, tăng 0,24% từ mức 1,31% của tuần trước. Sang ngày 30/9, lợi suất giảm nhẹ về 1,52%.

Tại Anh, mức tăng còn cao hơn nữa, với lợi suất trái phiếu chính phủ cùng kỳ hạn lần đầu tiên tăng hơn 1% kể từ tháng 3/2020, gấp hơn hai lần mức được ghi nhận vào cuối tháng 8. Ngay cả ở khu vực đồng tiền chung Euro, nơi lãi suất tăng được cho là một viễn cảnh xa vời, lợi suất trái phiếu chính phủ Đức cùng kỳ hạn lên cao nhất 3 tháng, là -0,17%.

Trên thị trường chứng khoán, các quỹ đầu tư đã bán số trái phiếu trị giá khoảng 81 tỷ USD trong tuần trước. Sau nhiều tháng mua ròng vị thế dài hạn với trái phiếu, thị trường nay đã chuyển qua vị thế ngắn hạn.

Sandra Holdsworth, người đứng đầu bộ phận phân tích lãi suất của Aegon Asset Management, cho biết: “Chúng tôi nghĩ rằng BoE sẽ tăng lãi suất sớm hơn suy nghĩ của thị trường, thậm chí đi trước Fed”. Theo bà, việc lãi suất có thể tăng trước khi chương trình mua trái phiếu của BoE kết thúc vào cuối năm nay vẫn là một bất ngờ lớn.

Trong bài phát biểu mới đây, Thống đốc BoE Andrew Bailey cũng không phủ nhận thông tin về việc tăng lãi suất trước tháng 2 năm sau, làm dấy lên làn sóng bán tháo mới. Thị trường tương lai đang dự đoán lãi suất sẽ tăng lên 0,25% vào tháng 12.

Theo bà Holdsworth, lãi suất có thể tăng ngay vào tháng 11 trừ phi xảy ra làn sóng lây nhiễm mới, khiến các nền kinh tế phải đóng cửa hoặc tăng trưởng bị gián đoạn bởi các chương trình kích thích của chính phủ kết thúc.

Tại châu Âu, làn sóng bán tháo trái phiếu xảy ra một phần bởi sự lo ngại về lạm phát dài hạn. Tại Anh, một chỉ số theo dõi chặt chẽ kỳ vọng lạm phát trong nửa cuối thập kỷ tới đã tăng lên 3,85%, mức cao nhất trong 12 năm qua. Chỉ số tương đương đối với khu vực đồng euro cũng đang ở mức cao nhất 6 năm là 1,81%.

Lo ngại về lạm phát tại Mỹ của Fed cũng đang tăng lên. Trong thông báo sau cuộc họp tuần trước, các quan chức Fed dự đoán lạm phát cơ bản sẽ ở mức 3,7% trong năm 2021, tăng 0,7% so với ước tính hồi tháng 6 là 3%.

Sang năm 2022, Fed dự đoán lạm phát sẽ ở mức 2,3%, cao hơn ước tính trước đó là 2,1%. Chủ tịch Jerome Powell phát biểu trước quốc hội Mỹ hôm 28/9 rằng, lạm phát có thể ở mức cao hơn trong thời gian dài hơn, đặc biệt nếu các vấn đề về chuỗi cung ứng vẫn tiếp diễn.

Lạm phát ở châu Âu, Anh và Mỹ có thể tiếp tục tăng cùng với đà tăng của giá năng lượng. Giá dầu thô Brent hôm 28/9 đã vượt 80 USD/thùng lần đầu tiên sau hơn 3 năm. Các mặt hàng khác bao gồm than đá, carbon và giá khí đốt của châu Âu cũng đều lên cao kỷ lục.

Tin bài liên quan