Thị trường trái phiếu doanh nghiệp bùng nổ
Vài năm trở lại đây, với sự vươn lên mạnh mẽ của khối kinh tế tư nhân, thị trường chứng khoán nói chung và thị trường trái phiếu doanh nghiệp nói riêng đã bùng nổ theo.
Theo số liệu từ Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, dư nợ thị trường trái phiếu doanh nghiệp tại thời điểm cuối năm 2018 là 474.500 tỷ đồng, bằng 8,6% GDP năm 2018 và tăng 53% so với dư nợ thị trường trái phiếu doanh nghiệp tại thời điểm cuối năm 2017.
Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cho biết thêm, hầu hết các thương vụ phát hành trái phiếu doanh nghiệp đều được thực hiện dưới hình thức phát hành trái phiếu riêng lẻ với khối lượng đăng ký phát hành là 427.000 tỷ đồng, khối lượng phát hành thành công là 224.000 tỷ đồng, tăng 94,5% so với năm 2017.
Năm 2019, thị trường trái phiếu tiếp tục diễn biến khả quan. Theo số liệu công bố của các doanh nghiệp đang niêm yết, có 9.103 tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp được phát hành trong quý 1/2019, cao hơn nhiều so với cùng kỳ 2018 là 2.816 tỷ đồng.
Trong lộ trình phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp Việt Nam đến năm 2020, mục tiêu dư nợ thị trường trái phiếu doanh nghiệp đạt khoảng 7% GDP vào năm 2020 và khoảng 20% GDP vào năm 2030. Tuy nhiên, với sự phát triển mạnh mẽ của thị trường này, năm 2018 trái phiếu doanh nghiệp đã vượt mục tiêu của năm 2020.
Ông Phạm Hồng Sơn, Phó chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước nhận định thị trường trái phiếu doanh nghiệp tại Việt Nam tuy còn mới và non trẻ song Bộ Tài chính đã và đang thực hiện các biện pháp để chuẩn hóa thị trường thông qua hoàn thiện khung pháp lý và tạo dựng cổng thông tin chính thức cho các doanh nghiệp phát hành trái phiếu. Các doanh nghiệp dùng tiền vay ngân hàng để phát triển nguồn vốn thì gặp nhiều rủi ro nên việc huy động vốn qua trái phiếu có thể hạn chế điều này.
Trái phiếu doanh nghiệp được nhìn nhận là kênh phát hành có tiềm năng rất lớn trong bối cảnh nền kinh tế Việt Nam được dự báo tăng trưởng khả quan, chỉ số lạm phát và tỷ giá được kiểm soát tốt. Nhiều dự báo cho biết, trong thời gian tới, thị trường trái phiếu doanh nghiệp sẽ tăng trưởng 30-40% mỗi năm.
Những thương vụ phát hành trái phiếu doanh nghiệp mang dấu ấn VCBS
Tiềm năng là vậy nhưng việc phát hành và giao dịch trái phiếu doanh nghiệp tại Việt Nam hoàn toàn không dễ dàng và đơn giản. Tuy là một trong những loại hình tài sản khá lâu đời ở nhiều nước trên thế giới, trái phiếu doanh nghiệp vẫn còn mới ở Việt Nam. Do đó muốn phát hành thành công trái phiếu doanh nghiệp, các doanh nghiệp thường phải thông qua các định chế trung gian giúp thu xếp và phân phối trái phiếu.
Nhận thấy tiềm năng lớn từ thị trường sôi động này, Công ty TNHH Chứng khoán Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (VCBS) đã sớm tham gia thị trường và cung cấp cho khách hàng các dịch vụ đa dạng từ tư vấn phát hành, bảo lãnh phát hành, đại lý phát hành trái phiếu đến đại lý đăng ký, lưu ký, thanh toán và quản lý chuyển nhượng. Với nền tảng tài chính vững chắc và danh tiếng lâu năm của ngân hàng mẹ Vietcombank, đội ngũ chuyên gia có trình độ, giàu kinh nghiệm cùng mạng lưới khách hàng
trong và ngoài nước, VCBS đã được tin tưởng lựa chọn là định chế cung cấp các dịch vụ hỗ trợ trong nhiều đợt phát hành trái phiếu cho các doanh nghiệp, tổ chức kinh tế lớn.
VCBS hiện giữ thị phần môi giới trái phiếu doanh nghiệp niêm yết đứng thứ 2 trên HOSE và đã thực hiện tư vấn và bảo lãnh phát hành trái phiếu với giá trị lớn cho nhiều tổ chức như Vietcombank (VCB), Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam (Vinacomin), Công ty TNHH MTV MasanConsumerHoldings, CTCP Vinpearl Nha Trang, CTCP Đầu tư hạ tầng kỹ thuật TP.HCM (CII), CTCP Fecon (FCN),…
Đặc biệt, trong hoạt động phân phối VCBS là một trong những công ty chứng khoán trên thị trường thực hiện tư vấn, bảo lãnh phát hành trái phiếu doanh nghiệp để bán cho khách hàng cá nhân. Qua đó tạo kênh đầu tư mới cho khách hàng, cơ hội vốn trước đây chỉ có các định chế tài chính mới có thể tiếp cận.
Trong thời gian tới, VCBS sẽ tiếp tục đem tới nhiều sản phẩm trái phiếu doanh nghiệp mới để nhà đầu tư có thêm nhiều lựa chọn, đa dạng dạng hóa danh mục đầu tư và đảm bảo hiệu quả sử dụng vốn.