Theo số liệu thống kê chính thức của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), các chủ nợ như Trung Quốc và Nhật Bản đang giảm bớt lượng nắm giữ trái phiếu chính phủ Mỹ trong 3 quý liên tiếp vừa qua và là đợt giảm lớn nhất trong lịch sử. Mức sụt giảm này đặc biệt tăng nhanh trong 3 tháng tháng gần đây.
Chuyên gia kinh tế Jim Leaviss của Công ty Giám sát tài sản M&G Investments tại London (Anh) cho rằng, đây là một vấn đề đáng lo ngại. Đợt giảm liên tiếp này có thể dẫn tới những thiệt hại nặng nề tại thị trường, kéo lãi suất phát hành tăng lên. Quan trọng hơn, nó cũng có thể để lại những hậu quả đối với tình hình tài chính Mỹ. Hiện quốc gia này đang phải đối mặt với tình trạng thâm hụt ngân sách, khi gánh nặng nợ công có thể phình to thêm 10.000 tỷ USD trong thập kỷ tới, nhu cầu trái phiếu từ nước ngoài sẽ là rất quan trọng trong việc giữ lãi suất phát hành thấp, giúp duy trì trần chi phí đi vay, đặc biệt khi Fed tiếp tục gợi mở về khả năng tăng lãi suất trong thời gian tới.
Theo Jim Leaviss, áp lực bán ra trái phiếu chính phủ Mỹ từ các ngân hàng trung ương là điều cần lưu tâm. Động thái này cùng với gợi mở của Fed đồng nghĩa với việc môi trường lợi suất thấp đang dần kết thúc.
Trên thực tế, chủ nợ nước ngoài có vai trò quan trọng trong tài trợ nợ Mỹ, do quốc gia này phải vay mượn rất nhiều để hồi sinh nền kinh tế sau cuộc khủng hoảng tài chính. Kể từ năm 2008, giới đầu tư nước ngoài đã tăng gấp đôi khoản đầu tư của mình vào trái phiếu chính phủ Mỹ và hiện nắm giữ khoảng 6.250 tỷ USD.
Các ngân hàng trung ương dẫn đầu xu thế này. Đáng chú ý, Trung Quốc, nước nắm giữ lượng trái phiếu Mỹ lớn nhất, từng đổ hàng trăm tỷ USD vào nguồn tài sản này, nhất là trong giai đoạn hoạt động xuất khẩu của Bắc Kinh bùng nổ.
Tuy nhiên, mọi thứ đang bắt đầu thay đổi. Số liệu độc lập của Bộ Tài chính Mỹ cho thấy, lượng trái phiếu mà Trung Quốc nắm giữ hiện ở mức khoảng 1.220 tỷ USD trong tháng Bảy vừa qua, con số thấp nhất trong hơn 3 năm qua. Tương tự, Nhật Bản và Ả Rập Xê út cũng giảm lượng nắm giữ trái phiếu chính phủ Mỹ trong năm nay.
Các chủ nợ lớn của Mỹ bán ra trái phiếu vì nhiều lý do khác nhau, song có một điểm chung là liên quan tới tình hình khó khăn kinh tế ở mỗi nước. Tại Trung Quốc, ngân hàng trung ương nước này đã bán nợ chính phủ Mỹ để bảo vệ đồng Nhân dân tệ, trong bối cảnh tốc độ tăng trưởng kinh tế chậm lại đã dẫn tới làn sóng dòng vốn chảy khỏi nước này nhiều hơn. Trong khi đó, Nhật Bản, chủ nợ nước ngoài lớn thứ hai của Mỹ, đã quyết định hoán đổi trái phiếu thành tiền mặt và tín phiếu vì tình trạng lãi suất âm kéo dài thúc đẩy nhu cầu đồng USD tại các ngân hàng trong nước.
Các quốc gia sản xuất dầu mỏ như Ả Rập Xê út thì thanh lý trái phiếu Mỹ để bù đắp cho thâm hụt ngân sách sau sự đổ vỡ của giá “vàng đen”. Lượng nắm giữ của Ả Rập Xê út đã giảm trong 6 tháng liên tiếp, chỉ còn 96,5 tỷ USD, mức thấp nhất kể từ tháng 11/2014. Peter Jolly, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu thị trường tại National Australia Bank Ltd nhận định: “Vị thế thương mại của họ đang trở nên xấu hơn do giá dầu mỏ suy giảm. Chính bởi gặp khó khăn tài chính, nên nhu cầu nắm giữ trái phiếu Mỹ của họ đã giảm đáng kể”.
Một điểm đáng chú ý khác là trước đây, người ta luôn quan niệm trái phiếu chính phủ Mỹ là một tài sản đảm bảo an toàn. Điều này hiện nay không hoàn toàn chính xác. Trong bối cảnh lợi suất trái phiếu ngắn hạn của Mỹ hiện ở mức trung bình 1,6%/năm, một công cụ tính toán giá trị khác cho thấy, lợi suất trái phiếu kỳ hạn 10 năm của Mỹ đã giảm xuống mức -0,58%/năm. Điều này là bất thường, khi trong 50 năm qua, lợi suất này luôn ở mức dương.
Tuy nhiên, dù các ngân hàng trung ương đang bán tháo nợ Mỹ thì nhu cầu nắm giữ trái phiếu chính phủ Mỹ của các nhà đầu tư tư nhân vẫn rất lớn. Nhà đầu tư trưởng tại Mitsubishi UFJ Kokusai Asset Management, Hideo Shimomura khẳng định, trái phiếu chính phủ Mỹ vẫn hấp dẫn với giới đầu tư tư nhân. Không sớm thì muộn, họ có thể lại chạy theo “lướt sóng” lợi suất trái phiếu.