Bà Nguyễn Thị Bích Thủy

Bà Nguyễn Thị Bích Thủy

Trái phiếu chính phủ giúp dòng tiền lưu thông mạnh hơn

(ĐTCK) Đó là đánh giá của bà Nguyễn Thị Bích Thủy, Phó tổng giám đốc kiêm Giám đốc Khối Nguồn vốn và đầu tư VPBank trong cuộc trao đổi với ĐTCK.

Theo Chiến lược phát triển thị trường trái phiếu chính phủ (TPCP), Bộ Tài chính sẽ nghiên cứu các sản phẩm TPCP mới như trái phiếu theo lãi suất thả nổi, theo chỉ số và các sản phẩm phái sinh khác... Là một chuyên gia về đầu tư trái phiếu, bà đánh giá thế nào về nhu cầu của giới đầu tư với các sản phẩm TPCP mới?

Trên thế giới, thị trường phái sinh đã phát triển khá mạnh mẽ. Xét về cơ cấu thị trường phái sinh phi tổ chức năm 2011, có thể thấy, các hợp đồng phái sinh lãi suất chiếm tổng giá trị lớn nhất trên thị trường, với tỷ trọng đạt khoảng 80%, tiếp sau đó là các hợp đồng phái sinh về ngoại hối (10%); tín dụng, cổ phiếu, hàng hóa chiếm phần còn lại. Tại thị trường có tổ chức, giá trị các hợp đồng phái sinh lãi suất chiếm trên 90% tỷ trọng tài sản toàn thị trường. Nhìn vào mức độ tăng trưởng mạnh cũng như tỷ trọng lớn của các hợp đồng phái sinh lãi suất trên thị trường phái sinh toàn cầu, có thể thấy các chủ thể kinh tế, đặc biệt là các ngân hàng thương mại rất đề cao vài trò của các công cụ này trong phòng ngừa rủi ro lãi suất.

Tại Việt Nam, những năm trước, do hạn chế về trình độ công nghệ, chuyên môn và sự kém phát triển của thị trường tài chính nên các công cụ tài chính phái sinh hầu như không được quan tâm. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, với xu hướng hội nhập kinh tế thế giới và khu vực, trước xu thế tự do hóa của thị trường tài chính, môi trường kinh doanh của các chủ thể tài chính ngày càng có nhiều biến động, tiềm ẩn nhiều rủi ro, nhu cầu sử dụng các công cụ phái sinh để phòng ngừa rủi ro trong hoạt động kinh doanh cũng tăng lên, đặc biệt là với các tài sản tài chính trung và dài hạn (trái phiếu 3 năm, 5 năm, 10 năm...) khi lãi suất biến động liên tục.

 

Theo bà, khi nào những sản phẩm TPCP phái sinh mới đủ điều kiện để triển khai?

Trước hết, các công cụ phái sinh được hình thành trên cơ sở các chứng khoán gốc (trong trường hợp này là TPCP) nên để phát triển công cụ này, cần phải có một thị trường chứng khoán phát triển. Ngân hàng thương mại mua bán TPCP để quản lý rủi ro cho danh mục tài sản của mình. Việc kinh doanh các công cụ phái sinh lãi suất mua và bán TPCP nhằm chủ động hơn trong việc phòng ngừa rủi ro khi thực hiện các giao dịch quyền chọn, hoặc kỳ hạn hoặc hoán đổi lãi suất.

Bên cạnh việc phát triển TTCK, cần tạo ra một môi trường cạnh tranh tự do và bình đẳng, với các cơ chế hoạt động được quy định rõ ràng, từ đó tạo được sự ổn định lâu dài và khuyến khích được sự tham gia của đông đảo các thành viên trên thị trường. Để mở rộng quy mô hoạt động của thị trường tài chính, cần có cơ chế làm tăng tính lỏng của các hợp đồng phái sinh, trong đó có thể kể đến công tác xây dựng các chuẩn mực kế toán và nghiệp vụ phái sinh phù hợp với thông lệ quốc tế, chuẩn hóa các hợp đồng theo quy ước quốc tế; xây dựng được Trung tâm Thanh toán bù trừ, quy chế ký quỹ trong giao dịch các hợp đồng phái sinh, nhằm đảm bảo sự an toàn trong hoạt động kinh doanh các công cụ phái sinh. Công khai, minh bạch thông tin cũng là yếu tố không thể thiếu.

Để thực hiện các công cụ phái sinh này, cần phải xây dựng được đội ngũ nhân sự am hiểu sâu sắc về các công cụ phái sinh, quy cách giao dịch, kỹ thuật định giá, các rủi ro liên quan.

Ngoài ra, cần áp dụng công nghệ hiện đại cùng với công nghệ thanh toán điện tử giúp cho quá trình thanh toán chính xác và hiệu quả, đồng thời hỗ trợ việc cập nhật thông tin về diễn biến của thị trường sẽ giúp các tổ chức đưa ra các quyết định đúng đắn trong việc sử dụng công cụ nào để đạt hiệu quả phòng ngừa rủi ro tối ưu nhất trong từng thời điểm.

Để sản phẩm mới của thị trường TPCP được triển khai thành công thì điều kiện quan trọng là phải tăng tính thanh khoản của các loại trái phiếu dài hạn, xây dựng cơ sở hạ tầng về công nghệ và nghiệp vụ, đồng thời mở rộng các thành viên tham gia thị trường hơn nữa, bao gồm các quỹ đầu tư, công ty bảo hiểm…

 

Từ đầu năm đến nay, kênh TPCP đã giúp Nhà nước huy động được khoảng 130.000 tỷ đồng phục vụ cho phát triển kinh tế. Có ý kiến cho rằng, nhờ có kênh TPCP, dòng tiền trong nền kinh tế vẫn thông chảy ngay cả khi kênh tín dụng ngân hàng bị tắc nghẽn. Quan điểm của bà về vấn đề này như thế nào?

TPCP được phát hành nhằm mục đích chính là bù đắp thâm hụt ngân sách, tài trợ cho các dự án, công trình trọng điểm của quốc gia, chỉ phục vụ cho công tác phát triển kinh tế khu vực công cộng.

Trong bối cảnh tình hình nợ xấu tại các ngân hàng thương mại chưa được giải quyết, nguồn vốn huy động trong dân bị ứ đọng do đầu ra của tín dụng bị tắc nghẽn, việc đẩy mạnh đầu tư công thông qua nguồn vốn TPCP cũng được coi là một kênh giúp dòng tiền lưu thông trong nền kinh tế.

Tuy nhiên, một nền kinh tế phát triển ổn định và bền vững cần phải dựa chủ yếu trên đầu tư của các DN trong nền kinh tế, từ đó nguồn vốn được đưa vào sản xuất và tạo ra sản phẩm cho xã hội.

 

Trong định hướng phát triển thị trường TPCP, Bộ Tài chính đặt ra mục tiêu kéo dài kỳ hạn vay qua phát hành TPCP trong nước giai đoạn 2011 - 2015 trung bình khoảng 4 - 6 năm và giai đoạn 2016 - 2020 lên từ 6 - 8 năm. Vừa qua, Chính phủ đã thí điểm thực hiện phát hành trái phiếu kỳ hạn 15 năm, nhưng chỉ có 1 người mua. Vậy theo bà, điều kiện thị trường như thế nào mới phù hợp cho việc phát hành trái phiếu kỳ hạn dài?

Việc phát hành TPCP các kỳ hạn dài được coi là điều kiện quyết định trong việc phát triển các sản phẩm phái sinh và hình thành đường cong lãi suất chuẩn. Việc phát hành TPCP kỳ hạn dài phụ thuộc rất nhiều vào sự ổn định vĩ mô của nền kinh tế, đặc biệt là lạm phát, thâm hụt ngân sách và tỷ giá hối đoái.

Bên cạnh đó, kinh nghiệm quốc tế cho thấy, để phát triển thị trường cho TPCP kỳ hạn dài, cần phải tạo khung pháp lý đầy đủ cho các đối tượng tham gia tích cực nhất là các công ty bảo hiểm, quỹ đầu tư chứng khoán và ngân hàng đầu tư, vì đây là các thành phần tiếp cận được với nguồn vốn dài hạn.